The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cần Thơ: Nỗ lực cải thiện PCI, nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư

Kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 của TP Cần Thơ đạt 66,94 điểm, xếp hạng thứ 19/30 tỉnh, thành phố; nằm trong Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2022. Kết quả này chưa đạt mục tiêu thành phố đề ra. Vì vậy, trong năm 2023, Cần Thơ quyết tâm cải thiện chỉ số PCI theo hướng toàn hệ thống chính trị nêu cao tinh thần, thái độ phục vụ; tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh, triển khai dự án, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn thành phố.
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Thực phẩm Phạm Nghĩa.
Kết quả chưa như kỳ vọng
So với năm 2021, PCI của Cần Thơ giảm 1,12 điểm và kết quả xếp hạng tụt 7 bậc; xếp thứ 3/5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau Hải Phòng, Ðà Nẵng) và ở vị trí 5/13 địa phương vùng ÐBSCL. Trong số 10 chỉ số thành phần được công bố, Cần Thơ có 4 chỉ số thành phần tăng điểm: đào tạo lao động, gia nhập thị trường, chi phí thời gian và cạnh tranh bình đẳng. Ngoài ra, 6 chỉ số thành phần giảm điểm gồm: thiết chế pháp lý, chính sách hỗ trợ DN, tính năng động, chi phí không chính thức, tính minh bạch, tiếp cận đất đai.
Trong 4 chỉ số tăng điểm, 3 có chỉ số tăng mạnh trên 0,5 điểm lần lượt là chi phí thời gian, đào tạo lao động và cạnh tranh bình đẳng và chi phí gia nhập thị trường tăng nhẹ 0,05 điểm. Ngược lại, 6 chỉ số giảm điểm lại giảm tương đối mạnh ở mức trên 0,2 điểm và đều là những chỉ số có trọng số cao. Trong đó, chỉ số chính sách hỗ trợ DN giảm đến 2,26 điểm và cũng là chỉ số có trọng số thuộc nhóm cao chiếm tỷ lệ 15% tổng điểm PCI.
Mặc dù xếp hạng và điểm số PCI năm 2022 của thành phố giảm nhiều so với các năm từ 2016, nhưng điểm số vẫn nằm ở mức trên trung vị cả nước. Ðiểm số ở các chỉ tiêu trong từng chỉ số thành phần cũng có sự tăng giảm nhưng so với trung vị cả nước vẫn ở mức khá tốt. Trong 5 năm gần nhất (2018-2022) điểm số tổng hợp của TP Cần Thơ có lúc tăng có lúc giảm nhưng điểm số luôn trên 64 điểm và trên trung vị của cả nước, không có sự thay đổi đột biến tăng điểm quá cao hay giảm điểm quá sâu.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đánh giá: Hiện tượng thay đổi điểm tăng/giảm và xếp hạng xảy ra ở hầu như tất cả các tỉnh/thành phố, việc tăng/giảm điểm có nhiều nguyên nhân do khách quan hay chủ quan. Một trong những nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến các trung tâm kinh tế lớn, trong đó có Cần Thơ. Nhưng mặt khác cũng phản ánh TP Cần Thơ vẫn chưa tương xứng với vị trí là địa phương trung tâm của vùng ÐBSCL về dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục… Do vậy, việc đưa ra các giải pháp khả thi, biện pháp tổ chức thực hiện hiệu quả nhằm cải thiện điểm số PCI trong năm 2023 và các năm tiếp theo là rất cần thiết, cấp bách. Ðặc biệt trong đó chú trọng giải pháp nhằm cải thiện điểm số của các chỉ số thành phần có điểm giảm như tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động, các chính sách hỗ trợ DN…
Cấp bách tìm giải pháp
Thời gian qua, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI, tuy nhiên để giữ vững điểm số và thứ hạng một cách bền vững thì cần có những giải pháp lâu dài với những nhiệm vụ, những mô hình thiết thực gắn liền với quá trình thực thi nhiệm vụ, phục vụ người dân và DN. Ông Trần Việt Trường, nhấn mạnh: TP Cần Thơ sẽ đề ra các giải pháp trước mắt và căn cơ để cải thiện chỉ số PCI. Trong đó, nhóm giải pháp trước mắt gồm: rà soát chỉ số thành phần giảm điểm, có thứ hạng thấp để có biện pháp cải thiện; giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, địa phương, nhất là cơ quan, đơn vị có trách nhiệm chính trong việc thực hiện các chỉ số thành phần, thứ hạng thấp hoặc giảm điểm… Về giải pháp căn cơ, cần hoàn thiện các chính sách trên từng lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thành phố, nhất là lĩnh vực liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ DN, xúc tiến đầu tư; nâng cao vai trò trách nhiệm của cán bộ công chức, người đứng đầu các cấp trong tham mưu, giải quyết công việc; năng động, tiên phong trong thực hiện vai trò đồng hành hỗ trợ DN; xây dựng chính quyền điện tử; đổi mới chất lượng đối thoại chính quyền và DN.
Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, nhìn nhận, sự thay đổi trong công tác phục vụ DN của thành phố mặc dù có chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đáp ứng được hết nhu cầu phát sinh từ thực tiễn. Do đó, Sở Kế hoạch và Ðầu tư kiến nghị thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông thành phố chủ trì, phối hợp với các quan nghiên cứu, xây dựng chuyên mục Hỏi đáp trực tuyến về thủ tục hành chính trên Cổng thông tin điện tử thành phố theo hướng: xây dựng danh mục các lĩnh vực, nội dung được phép hỏi đáp; cho phép người dân, DN gửi câu hỏi theo danh mục lĩnh vực; đặt mục tiêu thời gian nhận câu hỏi và gửi câu trả lời trong 1 giờ làm việc đối với câu hỏi đơn giản, ít nội dung và 2-3 giờ làm việc đối với câu hỏi khác… Ðồng thời, giao Sở Nội vụ thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương xây dựng giải pháp cải thiện việc quy trình cấp phép, thẩm định, quản lý liên quan đến các ngành nghề kinh doanh có điều kiện…
Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã có văn bản gửi các sở ngành hữu quan, quận, huyện về việc tăng cường triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện các chỉ số đánh giá trong năm 2023. Trong đó, đối với chỉ số PCI, UBND thành phố giao Sở Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp với các sở ngành hữu quan xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số PCI năm 2023, phấn đấu đạt thứ hạng cao hơn năm 2022. Ðồng thời, tham mưu UBND thành phố giao các sở ngành triển khai thực hiện; theo dõi, đôn đốc, triển khai các nhiệm vụ được giao gắn với chỉ số PCI 2023; các sở ngành của thành phố chủ động xây dựng kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ của mình để thực hiện nhiệm vụ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao gắn với thực hiện PCI TP Cần Thơ năm 2023. Tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công trung hạn và năm 2023; tổng hợp các tồn tại, vướng mắc, tham mưu, báo cáo UBND thành phố xem xét, giải quyết theo thẩm quyền...