The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cần Thơ: Thiện chí và sự quyết tâm

Trong thời gian qua, nhất là 2 năm 2014-2015, UBND TP Cần Thơ đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch hành động và văn bản tập trung chỉ đạo các sở, ngành thành phố và UBND quận, huyện thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố.

Với mục tiêu phấn đấu đưa Cần Thơ vào nhóm được đánh giá là "Nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt", thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu của Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP. Theo đó, thời gian đăng ký doanh nghiệp (DN) được rút ngắn xuống còn 3 ngày làm việc; thủ tục giải thể DN rút ngắn còn 5 ngày làm việc (ngắn hơn so với bình quân chung cả nước); 100% hồ sơ đăng ký DN được số hóa và lưu tại Cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định. Chỉ số Giảm thời gian nộp thuế được cơ quan thuế đặc biệt quan tâm, bước đầu đã giảm được 50 giờ, từ 167 giờ/năm xuống còn 117 giờ/năm (ngắn hơn so với yêu cầu của Thủ tướng); DN đăng ký nộp thuế điện tử và tổng số tiền nộp thuế bằng phương thức điện tử đạt 90%. Thời gian giải quyết cấp Giấy phép xây dựng được rút ngắn từ 30 ngày làm việc theo quy định xuống còn 16 ngày làm việc; trong đó: thời gian xử lý tại Sở Xây dựng là 14 ngày; tại bộ phận 1 cửa liên thông là 2 ngày; thời gian cấp C/O không quá 4 giờ làm việc đối với xuất khẩu bằng đường hàng không, không quá 8 giờ làm việc với xuất khẩu bằng các phương tiện khác… Những hoạt động này góp phần thiết thực trong việc gỡ khó cho DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh; cải thiện điểm số PCI…

Theo nhận định của các sở, ngành chức năng thành phố, dự án đầu tư, DN hoạt động tại thành phố vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng của đô thị loại I, nhưng với những thiện chí và sự quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hy vọng thời gian tới, thành phố sẽ có những bước phát triển khởi sắc hơn. Hiện nay, 3 tập đoàn kinh tế có tiềm lực đang có dự án đầu tư tại Cần Thơ, gồm: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sao Mai, Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: "Cần Thơ đang có các nhà đầu tư trong nước rất có tiềm lực, đủ khả năng tạo ra sức bật mới cho Cần Thơ. Tại sao các nhà đầu tư này không đến với Cần Thơ sớm hơn mà họ chỉ đến trong những năm gần đây, bởi vì giờ thì họ đã nhận thấy rõ vai trò trung tâm của Cần Thơ và nhiều lợi ích khi đầu tư". Còn bà Nguyễn Mỹ Thuận, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN TP Cần Thơ, thì cho rằng, hiện DN ngành thương mại-dịch vụ chiếm 56% dự án đầu tư của thành phố. Cần Thơ có thể sử dụng lợi thế này để phát triển về phân phối hàng hóa cho cả vùng ĐBSCL. Tuy nhiên, hiện giá thuê đất của thành phố khá cao, giá thuê đất tăng đối với DN đang đầu tư, chúng ta cần tính toán vấn đề này để hỗ trợ DN hiện có và DN sẽ đến thành phố trong tương lai.

Năm 2016 thành phố thực hiện chủ đề năm: "Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế". Chủ tịch UBND thành phố Võ Thành Thống đã yêu cầu các sở, ngành chức năng, các quận huyện thành phố tăng cường cải cách hành chính, tăng hỗ trợ cho nhà đầu tư… phải tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, bình đẳng, không để xảy ra tình trạng "kinh doanh dựa vào mối quan hệ mà có". "Tháng 3-2016, UBND thành phố sẽ ban hành Chỉ thị về thu hút đầu tư và Chủ tịch thành phố sẽ trực tiếp chủ trì cuộc họp giao ban hằng tháng để kiểm tra tình hình đầu tư"- ông Võ Thành Thống khẳng định. Thành phố đang phấn đấu đến năm 2020 đưa Cần Thơ căn bản trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại. Muốn đạt mục tiêu này cần có sự đột phá trong thu hút đầu tư giai đoạn tới; đặc biệt là thu hút dự án quy mô lớn, công nghệ cao để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước và đưa DN tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Gia Bảo

Theo Báo điện tử Cần Thơ