Cần xây dựng Bộ chỉ số sử dụng hiệu quả ngân sách
29 Tháng 7, 2021
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, ngày 26.7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Tham gia thảo luận, đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) nhắc lại mục tiêu cụ thể do Đảng ta đặt ra là đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. ĐB Cảnh cho rằng muốn đạt được mục tiêu này trong điều kiện thời gian không còn nhiều, chúng ta phải sử dụng các nguồn lực thật hiệu quả.
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có quy định: “Tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định”, “Lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Sử dụng vượt định mức tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt được mục tiêu giả định”.
Trên thực tế, khi trình các kế hoạch dự án, các đơn vị đều thực hiện đúng định mức, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi đề nghị tăng vốn, tăng thời gian cũng đều có lý do chính đáng nên cũng khó đánh giá được mức độ lãng phí; nếu không tăng vốn, thời gian thì không hoàn thành, gây lãng phí nhiều hơn.
ĐB Cảnh cho rằng, thông thường để tăng hiệu quả hoạt động, chúng ta phải tạo ra môi trường cạnh tranh. Chúng ta đã đưa ra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) với các chỉ số cụ thể để đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển của DN dân doanh. Thực tế cho thấy địa phương có chỉ số PCI tốt thì đầu tư và KT-XH phát triển. Chỉ số PCI cũng thúc đẩy các tỉnh phấn đấu phát triển KT-XH tốt hơn. Song, hiện tại, chúng ta chưa có chỉ số đánh giá hiệu quả sử dụng ngân sách đối với KT-XH.
“Chúng ta không thể so sánh hiệu quả ngân sách của địa phương nhận 100 tỷ đồng để phát triển một con đường với địa phương nhận 100 tỷ đồng để phát triển cơ sở giáo dục, y tế. Bên cạnh đó, giữa giao thông và giáo dục, y tế có sự hỗ trợ qua lại. Song, nếu chúng ta có các chỉ số riêng về sử dụng ngân sách, như chỉ số sử dụng ngân sách cho giao thông, cho nông nghiệp, cho môi trường, giáo dục, y tế... thì sẽ dễ dàng so sánh hiệu quả sử dụng ngân sách của các địa phương trên cùng lĩnh vực”, ĐB Cảnh phân tích.
Do đó, ĐB Cảnh đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính quan tâm đề xuất Chính phủ nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số sử dụng hiệu quả ngân sách trong thời gian tới.
Khi đó, địa phương nào phát huy được lợi thế lĩnh vực nào thì được ưu tiên lĩnh vực đó theo nguyên tắc có lợi thế cạnh tranh; đây cũng là mô hình để các địa phương khác học tập.
Với việc hình thành các chỉ số cụ thể về hiệu quả sử dụng ngân sách thì trách nhiệm của các địa phương đối với hiệu quả sử dụng ngân sách sẽ được tăng lên, lợi thế riêng của từng địa phương sẽ được phát huy.
Theo Báo Bình Định