The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cao Bằng cải thiện chỉ số PCI

“Nhìn thẳng và đối diện với những hạn chế yếu kém thì mới có thể vươn lên” - ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khi trao đổi với DĐDN về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Cao Bằng.

Theo ông Hoàng Xuân Ánh, liên tục trong nhiều năm trở lại đây, xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh Cao Bằng đều ở top cuối. Có 3 chỉ số thành phần luôn bị đánh giá thấp điểm, đó là tính năng động, chi phí không chính thức và cạnh tranh bình đẳng. Tính tổng điểm năm 2016, tỉnh Cao Bằng được đánh giá đạt 52,99 điểm, thấp hơn so với năm 2015 là 1,45 điểm, tụt xuống cuối bảng xếp hạng 63 tỉnh, thành phố. Nguyên nhân của tình trạng trên có cả chủ quan và khách quan nhưng chủ quan là chính.

- Ông có thể “chỉ mặt, đặt tên” những nguyên nhân chủ quan?

Thời gian qua, nhận thức của các cấp, các ngành chưa đầy đủ về nội dung, mục đích, ý nghĩa của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trong khi đòi hỏi của DN, nhân dân về chất lượng điều hành của tỉnh ngày càng cao thì một số người đứng đầu chưa thực sự quyết tâm trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng cải cách hành chính nhà nước. Nhiều cơ quan, đơn vị vẫn, vì nhiều lý do khách quan, chưa tập trung vào việc nâng cao chỉ số PCI, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện cải cách liên quan đến các lĩnh vực quản lý của cơ quan mình.

p/Cửa khẩu Tà Lùng thuộc huyện Phục Hoà là một trong ba cửa ngõ thông thương với Trung Quốc của tỉnh Cao Bằng.

Cửa khẩu Tà Lùng thuộc huyện Phục Hoà là một trong ba cửa ngõ thông thương với Trung Quốc của tỉnh Cao Bằng.

Tính năng động của lãnh đạo các ngành, các cấp chưa cao, chưa đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Cụ thể là, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN sâu sát. Một số quy định của nhà nước chưa rõ ràng hoặc chồng chéo giữa các cơ quan thì lúng túng trong xử lý, có biểu hiện sợ trách nhiệm...

Cao Bằng quyết tâm xây dựng phong cách phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp đối với nhà đầu tư, DN và công dân theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp, tạo thuận lợi tối đa và chuyển dần sang cơ chế ưu tiên phục vụ DN.

Lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đặc biệt là ở cấp huyện và cấp xã chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và điều hành, thực hiện thủ tục hành chính còn mất nhiều thời gian. Chất lượng công tác tham mưu, đề xuất giải quyết những công việc phức tạp còn hạn chế. Một số ít cán bộ, công chức còn có những biểu hiện tiêu cực trong giải quyết thủ tục hành chính, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung..

Tất cả những hạn chế chủ quan trên đã được tổng hợp và làm rõ. Qua đó, lãnh đạo tỉnh đang cùng với mỗi cán bộ công chức, viên chức thảo luận và đưa ra các phương án giải quyết triệt để. Vì vậy, tỉnh Cao Bằng xác định cải thiện chỉ số PCI là con đường bắt buộc phải vươn lên.

- Lan toả những kinh nghiệm tốt của các địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những mục tiêu chính đối với xếp hạng PCI. Tỉnh Cao Bằng đã thực hiện mục tiêu này ra sao, thưa ông?

Trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Cao Bằng rất coi trọng những sáng kiến và kinh nghiệm tốt. UBND tỉnh đã đưa ra nhiều sáng kiến như cho thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cùng với đó thành lập các tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo để triển khai thực hiện Chương trình hành động.

Năm 2016, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị gặp mặt DN với nhiều hình thức như gặp mặt chung theo chương trình, gặp mặt riêng theo nhóm DN có cùng ngành nghề sản xuất kinh doanh. Mặc dù, trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành liên quan đã có nhiều cố gắng, nhưng kết quả đánh giá của DN vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Từ thực tiễn đánh giá, UBND tỉnh Cao Bằng bắt đầu tiến hành tham vấn thêm các mô hình từ các tỉnh, thành để vận dụng hiệu quả tại địa phương. Ví dụ, qua phân tính, chúng tôi thấy rằng, mô hình “Bác sĩ DN” của tỉnh Bắc Ninh là sự hoàn thiện và đầy đủ hơn mô hình “Tổ công tác hỗ trợ DN” của tỉnh Cao Bằng. Hay bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các Sở, ngành và UBND cấp huyện (DCI) của các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh rất hay và Cao Bằng cần phải nghiên cứu, học tập mô hình này...

Nhìn chung, mọi sáng kiến hay, kinh nghiệp tốt đều cần phải được Ban chỉ đạo chủ trì nghiên cứu học hỏi và đưa vào áp dụng thực tế một cách nhanh nhất, phù hợp nhất. Từ những kinh nghiệm đó, Cao Bằng với quyết tâm và quyết liệt của các cấp sẽ tìm ra chính sáng kiến cho mình trong việc hỗ trợ DN. Chỉ có như vậy, Chỉ số PCI của Cao Bằng mới có thể được cải thiện.

- Trong hoạt động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cộng đồng DN đóng vai trò chính và cũng là đối tác chính. Theo ông, tỉnh Cao Bằng phải làm gì để cộng đồng DN thể hiện được vai trò đối tác của mình?

Tỉnh Cao Bằng phải bắt đầu từ đổi mới tư duy, thay đổi nhận thức và hành động hàng ngày từ “quản lý DN” sang “đồng hành cùng DN” theo đúng tinh thần mà Thủ tướng Chính phủ đang xây dựng. Phương châm của bộ máy hành chính phải coi “thành công của DN chính là thành công của tỉnh”. Cao Bằng quyết tâm xây dựng phong cách phục vụ của bộ máy chính quyền các cấp đối với nhà đầu tư, DN và công dân theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp và tạo thuận lợi tối đa và chuyển dần sang cơ chế ưu tiên phục vụ DN.

Với tổng số DN đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 6/2017, Cao Bằng có 1.272 DN. Hầu hết các DN đều có quy mô nhỏ và rất nhỏ. Trong đó, hai tổ chức đại diện chính cho cộng đồng DN là Hội Doanh nhân trẻ tỉnh và Câu lạc bộ nữ doanh nhân. Thực tế, vai trò của cơ quan đại diện cộng đồng DN tại Cao Bằng còn nhiều hạn chế. Tỉnh Cao Bằng đang nghiên cứu và xúc tiến thành lập Hiệp hội DN của tỉnh để tạo mối liên kết giữa các DN, làm đầu mối phản ánh thông tin, đề xuất các chính sách từ các DN đến các cơ quan Nhà nước. Đây là nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới của tỉnh Cao Bằng đề đưa cộng đồng DN của tỉnh xứng tầm đối tác của mình, đồng thời có những bước phát triển bền vững.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng rất mong cộng đồng DN, các cơ quan thông tin truyền thông hãy dõi theo từng hành động và việc làm vì cộng đồng DN của chúng tôi.

- Xin cảm ơn ông!

TS Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế: Động lực từ sự thẳng thắn

Cộng đồng DN của Cao Bằng thật may mắn khi lãnh đạo tỉnh và các cơ quan nhà nước ở đây đã thẳng thắn nhìn nhận lại những hạn chế yếu kém của họ. Cao bằng muốn phát triển nhanh phải dựa vào kinh tế tư nhân. Từ khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ, chính quyền tỉnh Cao Bằng phải tập trung tạo điều kiện để DN phát triển công nghệ sáng tạo, đẩy mạnh phân phối, lưu thông, đặc biệt là với thị trường nước láng giềng Trung Quốc với 300 km đường biên giới. Buôn bán với Trung Quốc là lợi thế của Cao Bằng. Bên cạnh đó, cần tận dụng mọi cơ hội, lợi thế về du lịch, sản phẩm nông lâm đặc sản, dược liệu...

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI: Tăng DN là yêu cầu cấp thiết của Cao Bằng

Chất lượng vận hành của bộ máy chính quyền chính là hạ tầng mềm. Tỉnh Cao Bằng đã phải chịu nhiều thua thiệt về vị trí địa lý không bằng nhiều tỉnh khác, cơ sở hạ tầng không bằng nhiều tỉnh khác… Chính vì vậy, chất lượng điều hành của chính quyền các cấp phải cải thiện và bù khuyết lại các hạn chế khác. Với tổng số DN khoảng hơn 1000, tỉnh Cao Bằng là một trong những địa phương có số lượng DN ít nhất trên cả nước. Vì vậy, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để tăng số lượng DN tạo thêm công ăn việc làm là một yêu cầu cấp thiết của Cao Bằng.

Ông Hoàng Mạnh Ngọc - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ tỉnh Cao Bằng: DN muốn tham gia nhiều hơn vào quá trình cải thiện PCI

Cộng đồng DN tỉnh Cao Bằng rất mong được tham gia nhiều hơn vào quá trình cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Tỉnh cho thành lập các tổ công tác hỗ trợ DN, tổ công tác giúp việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nên bổ sung thêm các thành viên là DN, chính quyền địa phương.

Hàng tháng lãnh đạo tỉnh nên gặp gỡ đại diện các DN để nghe DN phản ánh bức xúc và giải quyết vướng mắc.