The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cao Bằng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số là một trong những giải pháp để hiện đại hóa nền hành chính và là công cụ quan trọng trong việc thực hiện cải cách hành chính. Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 7/3/2022 của Tỉnh ủy về xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh ban hành kế hoạch chuyển đổi số tỉnh năm 2023 và các văn bản nhằm đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính (TTHC); tập trung xây dựng và triển khai chính quyền điện tử, bảo đảm phục vụ cho việc trao đổi thông tin trong hệ thống thông tin chỉ đạo điều hành, hệ thống một cửa điện tử, góp phần tích cực cải cách hành chính.
Tỉnh triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ xây dựng chính quyền điện tử.
Tỉnh triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ xây dựng chính quyền điện tử.
Để đảm bảo ứng dụng CNTT góp phần xây dựng chính quyền điện tử, tỉnh quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật CNTT. Hiện, 100% cán bộ, công chức sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành; 96% văn bản trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước hoàn toàn dưới dạng điện tử; hệ thống được kết nối thông suốt với trục liên thông văn bản quốc gia; hệ thống một cửa điện tử tỉnh được triển khai đồng bộ đến 100% sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh; 256 trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước hoạt động ổn định, cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được triển khai đồng bộ đến 100% sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, cung cấp 1.497 dịch vụ công (DVC) trực tuyến toàn trình và DVC trực tuyến một phần; 72,58% DVC trực tuyến phát sinh hồ sơ; 24,14% hồ sơ được xử lý trực tuyến; cổng DVC của tỉnh đã kết nối với cổng DVC trực tuyến của Chính phủ và triển khai ứng dụng nền tảng thanh toán trực tuyến quốc gia (PayGov) tại tỉnh. Cổng DVC tỉnh đang cung cấp 1.497 DVC trực tuyến toàn trình và DVC trực tuyến một phần, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia 1.180 DVC trực tuyến toàn trình và DVC trực tuyến một phần. 6 tháng đầu năm 2023, có 1.718 DVC trực tuyến toàn trình và một phần được cung cấp trên cổng DVC của tỉnh, trong đó có 251 DVC trực tuyến một phần, 1.247 DVC trực tuyến toàn trình.
Bên cạnh đó, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được duy trì hoạt động. Đến nay, 100% huyện, Thành phố bố trí phòng họp trực tuyến, kết nối 4 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành, học tập nghị quyết, hội nghị, cuộc họp trực tuyến khi cần thiết, phòng, chống dịch bệnh, thiên tai... Trang thông tin điện tử các đơn vị, địa phương được nâng cấp, đăng tải kịp thời những tin tức, sự kiện, tiềm năng, thế mạnh và cơ chế, chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cung cấp đầy đủ các thông tin dịch vụ hành chính công theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân, góp phần công khai, minh bạch các hoạt động hành chính của cơ quan nhà nước, hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật nhằm bảo đảm an toàn thông tin trên môi trường mạng và có phương án khắc phục sự cố đảm bảo hệ thống hoạt động liên tục 24/24h, phục vụ tốt công tác ứng dụng CNTT và an toàn, an ninh mạng.
Cán bộ, công chức tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính cấp huyện, xã giải quyết thủ tục hành chính của công dân trên môi trường mạng.
Để thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá sự hài lòng của người dân tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ TTHC cấp huyện, cấp xã. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân thực hiện DVC trực tuyến trên hệ thống một cửa điện tử. Tăng cường chỉ đạo rà soát, kiểm tra, đánh giá mức độ đáp ứng của cơ sở hạ tầng, có phương án đầu tư các thiết bị đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành và hoạt động của các đơn vị trên địa bàn. Theo đó, 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hồ sơ TTHC do các sở, ngành tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt 99,14%, cấp huyện đạt 97,74%, cấp xã đạt 99,39%.
Để thúc đẩy mạnh mẽ cải cách TTHC, đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng, tiến tới bảo đảm công tác gửi nhận văn bản điện tử liên thông giữa 4 cấp hành chính; đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử gắn với phát triển các dịch vụ đô thị thông minh, trên cơ sở lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển chính quyền điện tử; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.