Cao Bằng: Tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho các doanh nghiệp
Dự hội nghị có các đồng chí Thường trực UBND tỉnh; đại diện Văn phòng Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các ban, ngành tỉnh, các huyện, Thành phố và 85 DN trong và ngoài tỉnh.
Năm 2015, toàn tỉnh có 102 DN đăng ký thành lập mới (tăng 27,5% so với năm 2014), 18 hợp tác xã (HTX) đăng ký thành lập mới (đạt 60% so với KH, bằng 105,8% so với năm 2014), nâng tổng số DN trong tỉnh tính đến hết năm 2015 lên 1.102 DN và 382 HTX với tổng số vốn đăng ký kinh doanh 11.057,154 tỷ đồng.
Qua báo cáo của 139/1.102 DN, tổng doanh thu năm 2015 đạt 3.088 tỷ đồng (giảm 8,2% so với năm 2014), nộp ngân sách 494,747 tỷ đồng, chiếm 43,36% so với tổng thu ngân sách địa phương (đạt 117,12% so với năm 2014); giải quyết việc làm cho 5.198 lao động (đạt 96,77% so với năm 2014); tham gia công tác từ thiện xã hội, giảm nghèo, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với 2 tỷ 284 triệu đồng…
Môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015 tăng 3 bậc so với năm 2014 (xếp hạng 58/63 tỉnh, thành phố trong cả nước), góp phần lành mạnh hóa môi trường đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong đó có 4/10 chỉ số thay đổi theo hướng tích cực, tăng điểm so với năm 2014, gồm: Chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, dịch vụ hỗ trợ DN và đào tạo lao động; 6/10 chỉ số được đánh giá có sự suy giảm hoặc chưa có sự thay đổi tích cực.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN trong tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế với nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, số lượng DN năm 2015 tăng hơn so với năm 2014, song quy mô vốn của các DN thành lập trong năm 2015 nhỏ hơn nhiều so với năm 2014. Theo báo cáo của 139 DN, tổng doanh thu, lợi nhuận năm 2015 thấp so với năm 2014; chất lượng sản phẩm, dịch vụ còn yếu, công nghệ thiết bị lạc hậu; năng lực quản lý của các DN còn hạn chế…, nên sức cạnh tranh thấp.
Các DN đã kiến nghị, đề xuất một số nội dung: Nhiều DN thiếu mặt bằng sản xuất, tiếp cận thông tin chính sách của Nhà nước còn nhiều hạn chế; thủ tục hành chính phiền hà, tính minh bạch của môi trường kinh doanh hạn chế... Mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, như: Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, nguồn vốn, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… các cơ chế chính sách về đất đai, miễn giảm thuế, công tác đền bù giải phóng mặt bằng; giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút đầu tư trong thời gian tới hiệu quả hơn.
Đối với các kiến nghị, vướng mắc của các DN chưa trả lời tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các DN gặp trực tiếp các sở, ngành liên quan để đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp. Tỉnh sẵn sàng lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của DN thông qua đường dây nóng của UBND tỉnh hoặc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh để giải quyết trong thời gian sớm nhất.
Trước đó, UBND tỉnh đã tiếp thu hơn 70 ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các DN và giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, trả lời cụ thể.
Quỳnh Trang