Cắt bỏ điều kiện kinh doanh: Đừng để “cắt” cái này “mọc” cái khác
Việc cắt giảm giấy phép con được nhiều người đánh giá là “cuộc cách mạng” nhưng không đổi mới thủ tục thì gốc vấn đề vẫn còn đó.
Bộ NN&PTNT vừa đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Việc cắt giảm giấy phép con sẽ tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp. Song nhiều người lo ngại, liệu có “cắt” cái này lại “mọc” cái khác?
Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng
Có thể nói, những thiệt hại to lớn do giấy phép con gây ra không chỉ là thời gian, tiền bạc, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp (DN), mà còn làm giảm tính cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, nó cũng tạo ra những động lực ngược chiều đối với cả các DN và bộ máy hành chính Nhà nước.
Trưởng ban pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn khẳng định, chỉ 1 giấy phép con, một loại điều kiện kinh doanh vô lý có thể giết chết hàng trăm, hàng nghìn DN, làm héo mòn sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh của DN.
Các phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã góp phần tiết kiệm chi phí cho DN. (Ảnh minh họa: KT) |
Trước thực trạng trên, nhiều bộ, ngành đã rà soát và cắt giảm bớt giấy phép con. Mới đây, tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), cụ thể bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.
Ngoài ra, Bộ tiếp tục rà soát 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5%), gồm bãi bỏ 81 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 205 thủ tục hành chính. Bộ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định, sẽ hoàn thành vào quý II/2018, đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó sẽ hoàn thành việc xây dựng 10 Thông tư trong quý I/2018.
Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào quý III/2018 theo tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.
Đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Bộ về cơ bản đã từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế. Cụ thể, thời gian kiểm tra chuyên ngành được rút ngắn như đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn từ 5 - 7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/lô hàng.
Nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2 - 3 giờ, tiết kiệm cho DN từ 15 - 20% chi phí. Đối với kiểm dịch thực vật, theo quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch; thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.
Thống kê cho thấy, các phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã góp phần tiết kiệm chi phí cho DN. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đã giảm khoảng 654,4 tỷ đồng (ước tính cắt giảm 108.524 ngày công, chiếm tỷ lệ cắt giảm là 66,7%); kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỷ đồng.
Được biết, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục rà soát để xem xét cắt bỏ lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật và sẽ tiết kiệm chi phí thêm khoảng 9,5 tỷ đồng/năm.
Cắt cái này lại “mọc” cái khác?
Việc cắt giảm giấy phép con được nhiều người đánh giá là “cuộc cách mạng” trong việc cải thiện môi trường kinh doanh của DN. Tuy nhiên, không ít người lo ngại, nếu chỉ dừng lại ở chuyện cắt giảm, mà không đổi mới thủ tục thì gốc vấn đề vẫn còn đó.
Điều quan trọng là việc cắt giảm ấy có đi vào thực chất hay không, có tạo điều kiện thuận lợi, tạo được môi trường kinh doanh thông thoáng hay không? Cắt giảm phải là thực chất chứ không phải là chỉ đưa ra các con số cho đẹp. Ngoài số lượng, quan trọng hơn cần chú ý đến chất lượng nữa, cần cắt giảm những điều kiện “làm khó” DN, tháo gỡ những “nút thắt”.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cho hay, hiện nay đã có nhiều ràng buộc về điều kiện kinh doanh được tháo gỡ. Song vẫn có hiện tượng cắt bỏ thủ tục này lại phát sinh ra thủ tục khác.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công độc lập cho biết, cắt giảm là cần thiết nhưng chưa phải là cái gốc của vấn đề, bởi kinh nghiệm cho thấy cắt giảm được giấy phép này thì giấy phép khác sẽ lại “mọc” ra.
Bởi thế, giám sát ban hành đóng vai trò quan trọng không kém cắt giảm. Giấy phép về bản chất là công cụ quản lý. Gốc rễ của vấn đề nằm ở triết lý về quản lý, tức về mối quan hệ, vai trò nên có giữa Nhà nước và DN. Nếu không có những sự thay đổi về triết lý mang tính nền tảng cho việc ban hành giấy phép, việc rà soát hay cắt giảm chỉ làm đơn thuần rốt cuộc sẽ không mang lại nhiều kết quả và lợi ích cho DN, cho nền kinh tế.
Để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách điều kiện kinh doanh, phải hành động thực chất, quyết liệt, cần có cơ chế giám sát, xử lý bộ ngành cơ quan Nhà nước không bãi bỏ điều kiện kinh doanh. Cần thực hiện các giải pháp nêu tại Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh… có thể tạo ra thay đổi lớn. Đồng thời, Chính phủ cần tăng cường vai trò rà soát, phản biện của các cơ quan độc lập, các hiệp hội./.
Phải kiên quyết loại bỏ điều kiện kinh doanh “trói” doanh nghiệp