The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Câu chuyện đằng sau vị lãnh đạo chịu khó đi cà phê với doanh nghiệp được Thủ tướng khen ngợi

Không phải ngẫu nhiên mà Đồng Tháp xếp thứ 2 cả nước trên bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Câu chuyện đằng sau vị lãnh đạo chịu khó đi cà phê với doanh nghiệp được Thủ tướng khen ngợi

Thủ tướng mong muốn hoạt động gặp gỡ, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn của lãnh đạo với DN là rất cần thiết và được phát huy.

Sự kiện gặp gỡ giữa Thủ tướng với doanh nghiệp cuối tuần trước, vẫn để lại nhiều dư âm đối với cộng đồng doanh nghiệp. Bởi có lẽ, những chia sẻ rất thẳng thắng, chân thật gắn với những chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, đã khiến cho DN thêm nhiều kỳ vọng.

Bởi trong những giải pháp đưa ra hỗ trợ DN, Thủ tướng đã tập trung nói nhiều đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Trong 10 giải pháp lớn về tháo gỡ khó khăn cho DN được Thủ tướng nêu ra, yêu cầu xây dựng thể chế và tạo môi trường thuận lợi được đặt lên hàng đầu.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh đến cải cách và nâng cao chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh theo hướng đơn giản, không hình sự hóa vụ việc, bỏ cơ chế xin cho; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính…

Dẫn chứng từ câu chuyện Bí thư Đồng Tháp hàng tuần thường đi “cà phê” với DN, nhưng là để lắng nghe những khó khăn, tháo gỡ vướng mắc, Thủ tướng cho rằng đây là “hình ảnh người lãnh đạo rất tuyệt vời” để các cơ quan khác học tập.

“Đề nghị những người đứng đầu các tỉnh trên toàn quốc phải tiếp doanh nghiệp hàng tháng. Mỗi địa phương thành lập đường dây nóng tiếp nhận ý kiến doanh nghiệp. Quán triệt đến từng công chức về việc xử lý hành chính, lãnh đạo các tỉnh thành phố chịu trách nhiệm trước Chính phủ về vi phạm của công chức trong phạm vi quản lý” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Chọn Đồng Tháp như một dẫn chứng điển hình mà người đứng đầu Chính phủ đưa ra, không phải là một lời khen cảm tính hay thiên vị, khi nhìn vào bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Địa phương này đã tiếp tục giữ vị trí thứ hai, trong đó có 2/10 chỉ số thành phần đứng đầu cả nước là tính năng động và chi phí thời gian.

Phía sau vị trí “ngôi sao” của những địa phương như Đồng Tháp, khi công bố PCI năm 2015 cách đây hơn 1 tháng, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đánh giá: Đồng Tháp cũng đang dần xác lập hình ảnh một chính quyền gần dân và DN.

“Bên cạnh những mô hình như Nụ cười công sở, Ngày thứ Sáu nghe dân nói…, UBND tỉnh Đồng Tháp gần đây đã ban hành kế hoạch giảm 30% số cuộc hội họp để lãnh đạo các ngành, các địa phương có nhiều thời gian đi cơ sở để tiếp xúc với người dân, với DN. Từ đó giúp giải quyết, tháo gỡ từng điểm nghẽn” - ông Tuấn cho hay.

Không chỉ là lời nói, mà phải bằng hành động như những gì Đà Nẵng hay Đồng Tháp đã làm được, là quyết tâm mà Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ muốn thực hiện. Bởi vậy mà việc ký kết, cam kết tạo thuận lợi nhất cho DN của những người đứng đầu ba thành phố Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, theo Thủ tướng mới chỉ là khởi đầu.

Thủ tướng nói, cần phải thực hiện nghiêm ở tất cả các cấp chính quyền từ trung ương, địa phương và cấp dưới. Để đảm bảo thực hiện, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh kết nối chia sẻ thông tin trực tuyến, không cần can thiệp trực tiếp của cơ quan hành chính để giảm phiền hà, nhũng nhiễu.

"Đã cam kết thì các tỉnh phải làm được. Tất cả các địa phương triển khai NQ 19 tinh thần yêu cầu chỉ tiêu môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng ASEAN 4, chứ không phải chúng ta chỉ trên Lào và Campuchia. Ta không làm tốt thì không có môi trường đầu tư kinh doanh tốt” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Trí thức trẻ