The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chấm dứt những khoản chi phí không chính thức cho doanh nghiệp

Hơn 40% số doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ phải chấp nhận những khoản chi không chính thức cho các cơ quan quản lý nhà nước trong năm 2016. Con số này tuy có giảm hơn 20% so với năm 2015 nhưng vẫn chưa thể làm yên lòng dư luận xã hội. Làm thế nào để ngăn chặn triệt để những khoản “bôi trơn” phi lý và các DN thật sự được tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để hoạt động?

Ngày 14-3-2017, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã công bố báo cáo thường niên về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, dựa trên thông tin phản hồi từ 11.600 DN, trong đó có gần 1.600 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam và hơn 10 nghìn DN dân doanh.

Kết quả cho thấy chỉ số PCI các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có sự thay đổi tích cực, cụ thể là khoảng cách điểm số giữa tỉnh cao nhất và thấp nhất được thu hẹp ở mức 17 điểm, con số thấp kỷ lục trong 12 năm qua. Bên cạnh đó, nổi bật là xu hướng cải thiện điểm số PCI của cả năm thành phố trực thuộc Trung ương. Đáng chú ý, sau nhiều năm “định vị” ở vị trí 14 trong 63 tỉnh, thành phố, lần đầu tiên Hà Nội bước vào nhóm có chất lượng điều hành tốt. Ngoài ra, tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016.

Chi phí “bôi trơn” của các DN FDI đã giảm so với năm 2015: Chỉ có khoảng 25% số DN FDI thừa nhận họ đã trả tiền “bôi trơn” để có được giấy phép đầu tư và 13,6% số DN phải trả hoa hồng khi cạnh tranh để có được các hợp đồng của cơ quan nhà nước và chỉ còn 49% số DN đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan (giảm 10 điểm phần trăm so với năm 2015).

Các thủ tục hành chính (TTHC) về thuế đã được cải thiện đáng kể, dù còn không ít phàn nàn về thủ tục đăng ký thuế, thay đổi thông tin thuế và hoàn thuế, thanh kiểm tra thuế,... Nhờ vậy, 65% số DN hoạt động có lãi, mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong vòng 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của DN đã tăng đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2006 (7,5 tỷ đồng).

Tuy nhiên, báo cáo PCI năm 2016 cho thấy có hai nghịch lý đáng lo ngại sau: Thứ nhất là so với tổng thể môi trường đầu tư được cải thiện thì các chi phí không chính thức ở khu vực DN trong nước đang ở tình trạng chậm thay đổi, thậm chí nặng nề hơn. Theo đó, trung bình có khoảng 66% số DN cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức (tức cao hơn 12 đến 15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008 - 2013) và chúng chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ (cao hơn hẳn mức 6 đến 8% giai đoạn 5 năm kể từ 2014 trở về trước).

Thứ hai là hiện tượng DN tự nguyện “tra dầu bôi trơn” lớn hơn hẳn so DN bị đòi hỏi phải chi bôi trơn. Theo VCCI, trong số 45% số DN đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh tra, kiểm tra trong năm 2016, chỉ 8% số DN là bị cán bộ thanh tra, kiểm tra đòi hỏi, ít hơn năm lần so với tỷ lệ DN chủ động đưa biếu. Đáng chú ý, 59% số DN tin rằng, hành vi chủ động đưa quà cáp dù không bị đòi hỏi này là phổ biến, trở thành “luật bất thành văn”. Hơn nữa, gần 80% số DN trả lời việc đưa quà là nhằm tạo lập mối quan hệ, như một “hợp đồng bảo hiểm” cho những rắc rối và được tạo thuận lợi giải quyết các vụ việc nảy sinh trong tương lai.

Sự phổ biến của chi phí bôi trơn đã bình thường tới mức hai bên mặc định cần có thủ tục này. Điều đó có thể thấy rõ qua báo cáo PCI năm 2016, khi mà có tới 88% số DN gặp bất lợi khi tham gia đấu thầu các hợp đồng với cơ quan nhà nước do không “bôi trơn” như: bị kéo dài thời gian làm thủ tục, chịu thái độ không lịch sự của công chức thuế... Đây là tình trạng rất đáng lo ngại.

Báo cáo đánh giá Mức độ hài lòng của DN năm 2016 về cải cách TTHC thuế cũng do VCCI công bố trong tháng 3-2017 dựa trên khảo sát gần 3.500 DN năm 2016, cho thấy phần lớn DN thừa nhận có sự cải thiện trong việc tiếp cận thông tin về TTHC; thời gian thực hiện TTHC thuế đã giảm; thủ tục đơn giản hơn, bên cạnh đó, việc áp dụng hệ thống khai, nộp thuế điện tử mang lại nhiều lợi ích cho DN... Mức độ hài lòng của DN về cải cách TTHC thuế đã tăng từ 71 điểm năm 2014 lên 75 điểm trong năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN phàn nàn về việc gặp phiền hà trong khi thực hiện đăng ký thuế, thay đổi thông tin thuế (41% số DN), cá biệt có DN phải mất tới một năm mới nhận được tiền hoàn thuế.

Điều đáng nói là, những “chi phí không chính thức” không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng (năm 2016 tỷ lệ này là 34%, cao hơn 2% so với năm 2014). Trong đó, doanh nghiệp nhà nước giữ hơn 50% vốn điều lệ và DN FDI có tỷ lệ trả chi phí không chính thức cao nhất, lần lượt tăng từ 19% năm 2014 lên 25% năm 2016 và từ 41% năm 2014 lên 44% năm 2016. Điểm bất thường và đáng lo ngại khác là không chỉ cơ quan có chức năng như kiểm toán, quản lý thị trường, an ninh vào kiểm tra thuế, mà có nơi cơ quan kiểm lâm cũng yêu cầu DN báo cáo thuế! 24% số DN cho rằng, nội dung thanh tra thuế trùng lặp, chồng chéo. 36% số DN cho rằng thanh tra, kiểm tra thuế chưa phải là hướng dẫn DN làm đúng mà mang tính suy diễn bất lợi cho DN. 34% số DN cho rằng, phải chi trả chi phí không chính thức khi bị thanh tra thuế. 16% số DN đánh giá cán bộ thuế không văn minh, lịch sự.

DN là đơn vị kinh doanh vì lợi nhuận. Tuy nhiên, phát biểu ý kiến tại hội thảo “Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016” do Bộ Tài chính và VCCI tổ chức ngày 7-3-2017, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết: Hiện tượng DN dù làm đúng, nhưng vẫn phải có khoản phí “bôi trơn” do sợ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh tra, kiểm tra thuế. Điều này chứng tỏ chất lượng và kỷ luật công vụ của công chức thuế Việt Nam có nhiều điều đáng quan ngại.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguyên nhân chính của việc các DN chấp nhận những khoản chi phí không chính thức là do tâm lý muốn nhanh được việc và do thái độ làm việc của một số cán bộ công chức cố tình gây nhũng nhiễu, làm khó DN. Đáng chú ý, trong báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp còn lưu ý một thực tế đáng quan ngại là người dân, DN ngày càng có tư tưởng chịu đựng, dẫn đến chấp nhận các chi phí không chính thức trong giải quyết công việc có liên quan đến chính quyền.

Quan ngại hơn, trong khi tình trạng đưa, nhận hối lộ, “lót tay” dường như đã khá phổ biến thì cũng phổ biến tâm lý thờ ơ, ngại đấu tranh với biểu hiện tiêu cực, tham nhũng ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức. Có thể thấy khi xu hướng coi việc gia tăng mức “chi phí không chính thức” để “bôi trơn” được mặc định như việc đương nhiên trong hoạt động của DN cũng như để giải quyết các quan hệ xã hội đã cho thấy mức độ “ô nhiễm” môi trường đầu tư và tâm lý xã hội ngày càng đậm đặc và tiêu cực. Bởi chúng không chỉ làm cản trở cạnh tranh lành mạnh, tăng chi phí sản xuất và giảm bớt lợi nhuận của DN, mà còn tạo kẽ hở cho thất thu ngân sách nhà nước vì áp thuế sai hoặc bỏ qua những sai phạm của DN, tiềm ẩn nguy cơ lớn gây hại cho Nhà nước, thị trường và xã hội. Hơn nữa, sự tiếp tay cho các hành vi tiêu cực và vi phạm pháp luật khác, cản trở việc lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất, dẫn đến chi phí cao hơn và chất lượng kém hơn trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư công và đầu tư xã hội.

Trình bày báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 trước Quốc hội sáng 28-10-2016, Tổng thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng nói chung chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp. Tình trạng lợi dụng truyền thống văn hóa về tặng quà, cảm ơn để biếu xén, đưa hối lộ vì động cơ vụ lợi còn khá phổ biến. Một số nơi có biểu hiện coi nhẹ, chậm chỉ đạo thực hiện việc chống tham nhũng. Do ngại va chạm, sợ bị trả thù, cho nên một số cá nhân né tránh việc đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng tại đơn vị mình.

Bên cạnh đó, cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, ban, ngành còn nhiều sơ hở, chưa cụ thể, cùng với việc thiếu kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực trên thực tế dẫn tới tình trạng lạm quyền để trục lợi cá nhân, cấu kết “sân sau”, “lợi ích nhóm”... Thực tiễn thế giới cho thấy, quyền lực nếu không được kiểm soát chặt chẽ, tất yếu dẫn đến tha hóa quyền lực và là nguyên nhân gốc rễ của tham nhũng. Vì vậy, trong thời gian tới, rất cần xóa bỏ sự mặc định sống chung với tham nhũng nói chung và chấp nhận các chi phí không chính thức nói riêng, các cơ quan chức năng cần cụ thể hóa quy định về kiểm soát quyền lực đã được hiến định...

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục sửa đổi thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và đáp ứng thông lệ quốc tế; tổng kết, đánh giá thực hiện Luật Quản lý thuế, từ đó nghiên cứu đề xuất sửa đổi theo hướng bảo đảm thống nhất, đồng bộ với mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý thuế theo hướng hiện đại, dựa trên quản lý rủi ro; tiếp tục đơn giản hóa TTHC thuế, tăng cường công khai minh bạch, sử dụng công nghệ thông tin đồng bộ và toàn diện trong giải quyết TTHC thuế và kết nối với hệ thống thông tin của các bộ, ngành.

Các cơ quan chức năng và Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nhằm rà soát lại các lĩnh vực thuộc quyền quản lý của mình để kiên quyết loại bỏ các khoản phí ngầm, các khoản thu không đúng chế độ để tạo dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN ổn định và phát triển, trước mắt tập trung vào những khâu, lĩnh vực có nguy co cao như kiểm tra thuế, thanh tra thuế và kê khai, quyết toán thuế, hoàn thuế... Đồng thời, việc giảm thanh tra, kiểm tra cần sự vào cuộc của các ngành, chứ không chỉ của riêng ngành thuế. Bản thân mỗi DN cũng cần kiên quyết hơn trước tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ công chức, cũng như cần thay đổi tư duy về chi phí “bôi trơn” nhằm đạt được mục đích của mình. Chỉ khi có sự phối hợp đồng bộ, nhất quán đó, mới có thể ngăn chặn triệt để nạn tham nhũng.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Báo Nhân dân