Chi phí không chính thức “hành” doanh nghiệp
“Chi phí bôi trơn” tăng mỗi năm
Trong năm qua, chi phí không chính thức chưa có dấu hiệu giảm bớt mà thậm chí tỉ lệ doanh nghiệp (DN) cho biết chi trả chi phí này tăng qua các năm. Cụ thể, mức tăng từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015). Hơn 11% số DN tham gia điều tra năm nay cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, tăng nhẹ so với 2014 (10%). Vẫn có 65% số DN cho biết ‘‘tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến’’.
Trong con mắt của các DN dân doanh, môi trường kinh doanh tại nhiều tỉnh, thành phố chưa có sự cạnh tranh bình đẳng. Trong PCI, chỉ số thành phần cạnh tranh bình đẳng phản ánh nỗ lực của chính quyền các địa phương trong việc tạo ra một “sân chơi” công bằng và bình đẳng cho DN thuộc mọi lĩnh vực, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Tuy nhiên, năm vừa qua, những nỗ lực này chưa đem lại những kết quả rõ nét.
Tại một số tỉnh trong khảo sát PCI 2015, 39% số DN vẫn cho biết ‘‘tỉnh ưu ái cho các TCty, tập đoàn của Nhà nước, gây khó khăn cho DN’’, tăng 4% (có ý nghĩa về mặt thống kê) so với năm 2014. Tỉ lệ này ghi nhận thấp nhất ở Bạc Liêu (25%) và cao nhất ở các thành phố trung ương như Hà Nội (51%) và Cần Thơ (50%); các địa phương còn nhiều khó khăn về thu hút đầu tư và phát triển kinh tế cũng có tỉ lệ này cao như Đắk Nông (46%) hay Yên Bái (48%).
Gần 49% số DN ở mức trung vị trong bảng xếp hạng cho rằng ‘‘tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước’’, tăng 6% so với năm trước đó. Cảm nhận của DN tư nhân về việc chính quyền tỉnh dành nhiều ưu tiên, đãi ngộ hơn để thu hút đầu tư nước ngoài xuất hiện rõ rệt nhất ở Thái Nguyên (67%), Thanh Hóa, Hà Tĩnh (66%), Hà Nam, Hưng Yên (63%) và Bắc Ninh, Bình Dương (60%). Ngoài ra, chỉ tiêu tỉ lệ DN ở tỉnh trung vị đồng ý với nhận định ‘‘ưu đãi với các công ty lớn (nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của DN’’ cũng tăng từ 52% (2014) lên 56,5% (2015). Tỉnh có tỉ lệ DN quan ngại về phân biệt đối xử theo quy mô nhiều nhất là Yên Bái (67%), thấp nhất là Đồng Tháp (41%). Những con số này cho thấy các địa phương cần có nhiều giải pháp khả thi hơn để xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN.
Doanh nghiệp càng lớn, càng bị thanh tra
Theo kết quả điều tra PCI 2015, có tới 74% số DN từng đón tiếp các đoàn thanh-kiểm tra trong tất cả các lĩnh vực trong năm vừa qua. Có một hiện tượng đáng lo ngại: Các DN có quy mô càng lớn, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra càng cao. Chi phí thực hiện thủ tục hành chính tăng, rủi ro tăng lên khi quy mô tăng có thể là một nguyên nhân khiến các DNNVV Việt Nam “ngại lớn”.
Cụ thể, thông thường các DNNVV phải tiếp đón 1-2 cuộc thanh kiểm tra trong năm. Với các DN quy mô lớn, con số này là khoảng 3 cuộc. Tính toán chung, có 18% số DN siêu nhỏ, 24% số DN nhỏ và 43% số DN quy mô vừa đón tiếp ít nhất 3 đoàn thanh-kiểm tra trong năm gần nhất, trong khi con số này là 50% đối với DN quy mô lớn.
Đáng lưu ý, thanh tra, kiểm tra chưa có sự phối hợp tốt giữa các cấp, ngành. Điều này thể hiện qua tỉ lệ DN phản ánh về tình trạng trùng lặp về nội dung thanh tra, kiểm tra giữa các đoàn. Kết quả khảo sát cho thấy 25% số DN siêu nhỏ, DN nhỏ và 30% số DN vừa cho biết nội dung thanh-kiểm tra của các đoàn bị trùng lặp. Con số này lên tới 32% với DN quy mô lớn.
Bên cạnh đó, chi phí thời gian trong các cuộc thanh-kiểm tra thuế cũng gia tăng theo quy mô DN. Với các DN siêu nhỏ, trung bình mỗi lần thanh-kiểm tra thuế mất khoảng 3 giờ; đối với các DNNVV con số này lần lượt là 7 và 8 giờ. Tuy nhiên, với các DN quy mô lớn, thông thường mỗi cuộc thanh kiểm tra thuế thường phải mất tới 40 giờ khiến giảm năng suất, hiệu quả hoạt động của DN.
2016-04-06