Chi phí không chính thức vẫn đè nặng doanh nghiệp
09 Tháng 6, 2021
Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp được Chính phủ triển khai từ năm 2018 và nhanh chóng được các bộ, ngành địa phương thực hiện nhằm cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế. Tuy nhiên sau nhiều năm triển khai, cho đến thời điểm hiện nay, nhiều mục tiêu trong chương trình vẫn chưa thể đạt được...
Đặt rất nhiều kỳ vọng lớn…
Ngay sau khi Nghị quyết 139/2018 của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp được ban hành, các bộ ngành và địa phương đồng loạt công bố các chương trình hành động cụ thể hướng đến thực hiện nhiều mục tiêu được lượng hóa cụ thể như phấn đấu đến năm 2020 giảm một nửa tỉ lệ doanh nghiệp cho rằng, doanh nghiệp cùng ngành phải chi trả chi phí không chính thức theo khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và giảm chi phí thuế và bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp theo chỉ số môi trường kinh doanh xuống mức trung bình ASEAN 4.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) cho thấy, thời gian gần đây, một số bộ, ngành và địa phương cũng có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện khung khổ pháp luật và sáng kiến trong thực hiện cơ chế liên thông, ứng dụng CNTT nhằm giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục gia nhập thị trường.
Trong đó Bộ KHĐT xây dựng cơ chế liên thông trong đăng ký thành lập doanh nghiệp khi tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định 122/2020 quy định về phối hợp, liên thông thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp gia nhập/rút khỏi thị trường, thông qua các giải pháp nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, giảm khối lượng thông tin cần kê khai, giảm số lượng cơ quan nhà nước cần tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đầu năm nay, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 01 về đăng ký doanh nghiệp với các quy định mới được bổ sung nhằm đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong gia nhập thị trường. Trong đó cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho việc đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp; bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu, đồng thời quy định doanh nghiệp có thể sử dụng dấu "số" thay cho dấu "truyền thống”; thiết lập cơ chế đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử với bộ hồ sơ điện tử mà không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay. Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng sớm ban hành Thông tư 47 quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Nhờ đó mức thu lệ phí cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp là 150.000 đồng/lần, giảm 62,5% so với quy định trước đây.
Nhức nhối chi phí không chính thức
Những cải cách và giải pháp trên đây giúp giảm đáng kể chi phí tuân thủ pháp luật trong gia nhập thị trường của cộng đồng doanh nghiệp, nhận được phản ánh tích cực không chỉ đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước mà cả đối với cộng đồng doanh nghiệp FDI.
Kết quả khảo sát của VCCI (2020) cho thấy, đa số doanh nghiệp FDI đánh giá tích cực về các nỗ lực của chính quyền trong cắt giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, thể hiện qua việc các thủ tục cấp các loại giấy tờ cần thiết, giấy phép, giấy chứng nhận để doanh nghiệp có thể hoạt động chính thức đều giảm. Ví dụ, năm 2014, tỉ lệ doanh nghiệp phải chờ dưới 3 tháng để nhận được tất cả giấy tờ cần thiết để hoạt động chính thức là 80%. Đến năm 2019, con số này là 92%, tỉ lệ cao nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.
Tuy nhiên theo Phòng kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Bộ TTTT), kết quả khảo sát của VCCI năm 2020 cũng cho thấy chi phí không chính thức dù có xu hướng giảm nhưng vẫn còn là vấn đề nghiêm trọng. Năm 2019, hiện tượng “tham nhũng vặt” - chi phí bôi trơn quy mô nhỏ vẫn rõ rệt khi có 53,6% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, dù đạt tỉ lệ thấp nhất trong 6 năm trở lại đây và giảm mạnh nếu so với với con số 70% vào năm 2006. Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, dù quy mô chi trả chi phí không chính thức có xu hướng giảm, vẫn có 7,1% doanh nghiệp cho biết, phải chi trả trên 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức (năm 2015 là 11,1%).
Theo đánh giá của Phòng kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Bộ TTTT), chi phí không chính thức dù có xu hướng giảm song những chỉ tiêu phản ánh về hiện tượng chi phí không chính thức vẫn còn tương đối cao và không đồng đều ở các ngành, lĩnh vực. Cụ thể tỉ lệ doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai sau khi giảm từ mức 32% của năm 2017 xuống còn 30,8% của năm 2018, lại gia tăng lên mức 36% của năm 2019.
Tỉ lệ doanh nghiệp cho biết, có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra sau khi giảm ấn tượng từ con số 51,9% của năm 2017 xuống còn 39,3% của năm 2018, đến năm 2019 vẫn xung quanh mức này.
Bên cạnh đó, tỉ lệ doanh nghiệp phải chi trả trên 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức năm 2019 là 7,5%, tăng nhẹ so với con số 7,1% của năm 2018.
Diễn biến trên cho thấy, cần có thêm nhiều nỗ lực kiên trì, bền bỉ của các cơ quan nhà nước, đồng thời cần có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp. Phòng kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Bộ TTTT) cho hay mục tiêu Nghị quyết 139/2018 đề ra là đến năm 2020 giảm một nửa tỉ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức so với kết quả khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 là 59,3%. Tuy nhiên đến năm 2020, kết quả khảo sát của VCCI cho hay tỉ lệ này mới đạt 53,6% và như vậy chưa đảm bảo mục tiêu được đưa ra tại Nghị quyết 139. Thực tế này cho thấy nhiệm vụ cắt giảm chi phí không chính thức vẫn là một thách thức trong thời gian tới.
Theo Báo Lao động