The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chỉ số DCI Bắc Ninh – Bước đột phá và động lực cải cách, góp phần nâng cao chất lượng quản trị địa phương

Vừa qua, tại phiên họp UBND tỉnh ngày 18/5/2017, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đã công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh áp dụng cho các Sở, ngành (Chỉ số DCI Bắc Ninh) năm 2016.

Từ đó đến nay, nhiều Sở, ngành đã cầu thị, lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng doanh nghiệp để đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh năm 2017. Phóng viên (P.V) Báo Bắc Ninh đã phỏng vấn ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh về chủ đề này.

Ông Nguyễn Phương Bắc, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế-xã hội tỉnh trao đổi về chỉ số PCI, DCI, PAPI với cán bộ ngành Y tế.
P.V: Thưa ông, tại sao phải xây dựng bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành, UBND cấp huyện của tỉnh Bắc Ninh?
Ông Nguyễn Phương Bắc: Ngày 8/4/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 190/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức và công dân đối với dịch vụ công và cơ quan Nhà nước ở tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2016-2020, trong đó giao Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội xây dựng Chỉ số đo lường mức độ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Năng lực cạnh tranh áp dụng cho Sở, ngành và UBND cấp huyện (gọi tắt Chỉ số Năng lực cạnh tranh áp dụng cho Sở, ngành và UBND cấp huyện), viết tắt theo Tiếng Anh là Chỉ số DCI (Department and District Competitiveness Index).
Thời gian gần đây, lấy mức độ hài lòng của người dân làm thước đo cải cách hành chính đang được Trung ương Đảng, Chính phủ và tỉnh Bắc Ninh quan tâm thúc đẩy. Sử dụng sử dụng hệ thống đánh giá từ bên ngoài (từ trải nghiệm của doanh nghiệp và người dân) để cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ công. Đánh giá từ bên ngoài giúp củng cố 4 trụ cột của nền hành chính hiện đại: Sự tham gia của người dân; Tính minh bạch; Trách nhiệm giải trình; Tính dự báo. Và đó là cách áp dụng những chuẩn mực quốc tế trong đánh giá.
Tại Hội nghị TW 5 (Khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải xóa bỏ mọi rào cản, định kiến… phải chăm lo phát triển kinh tế tư nhân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ công chức, lấy sự hài lòng của người dân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công là thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Tại cuộc gặp mặt doanh nghiệp ngày 17/5/2017, Thủ tướng nêu quan điểm: “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phải xây dựng được môi trường kinh doanh thân thiện, không chỉ tự do kinh doanh, sáng tạo mà còn an toàn, không chỉ có chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp…”.
Tại tỉnh Bắc Ninh, Lãnh đạo tỉnh đã đề ra nhiều thông điệp mới thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý điều hành thích ứng với giai đoạn phát triển mới. Trong đó nhấn mạnh, doanh nghiệp là động lực của phát triển, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân là mục tiêu phát triển. Doanh nghiệp và người dân phải là đối tượng phục vụ; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.
Chỉ số DCI là một giải pháp đột phá, thể hiện quyết tâm của chính quyền tỉnh Bắc Ninh trong việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện sự tôn trọng của chính quyền tỉnh đối với tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với việc đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động nhằm nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, hướng tới xây dựng Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Chỉ số DCI Bắc Ninh ra đời thể hiện Bắc Ninh muốn làm tốt hơn nữa việc cải cách hành chính,cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng thương hiệu địa phương.
P.V: Chỉ số DCI Bắc Ninh năm 2016 đã được công bố. Xin ông cho biết, Chỉ số này đã phản ánh bức tranh về môi trường kinh doanh như thế nào?
Ông Nguyễn Phương Bắc: Nhìn vào điểm số (trung vị) các chỉ số thành phần cụ thể của các Sở, ngành thì chúng ta có thể thấy những mảng màu sáng, tối trong bức tranh về môi trường kinh doanh tỉnh Bắc Ninh. Chi phí thời gian đạt điểm số Tốt; đạt điểm số khá ở Tính năng động, Thiết chế pháp lý; điểm số trung bình khá ở Tính minh bạch và Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng và Hỗ trợ doanh nghiệp. Rõ ràng là thời gian qua thủ tục hành chính đơn giản hơn nhiều, doanh nghiệp đánh giá tốt về sự linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật; các Sở, ngành lắng nghe thông qua các buổi đối thoại với doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh quan tâm lắng nghe và ứng xử thân thiện với doanh nghiệp… lý giải vì sao các chỉ số chi phí thời gian, tính năng động đạt điểm số tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, dường như tác động của cải cách hành chính ở một số tiêu chí như tính minh bạch, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng hay hỗ trợ doanh nghiệp chưa thực sự lan tỏa, doanh nghiệp vẫn chưa cảm nhận được. Qua chỉ số DCI cho thấy, trên 73% số DN đánh giá “mối quan hệ” với cán bộ là rất quan trọng khi tiếp cận được tài liệu của sở, ngành; hiện tượng nhũng nhiễu là phổ biến khi giải quyết thủ tục hành chính tại các sở, ngành (có đơn vị lên hơn 50%); doanh nghiệp cảm nhận công việc sẽ đạt hiệu quả cao sau khi trả chi phí không chính thức (có đơn vị lên tới 60%). Đó cũng là những điểm tương đồng trong phép đo của Chỉ số PCI và DCI năm 2016.
Dù đánh giá cao về tính linh hoạt của các lãnh đạo sở, ngành trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh, tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng, chất lượng, năng lực cán bộ cần được nâng cao và cải thiện.
P.V: Chỉ số DCI Bắc Ninh được các Sở, ngành đón nhận như thế nào?
Ông Nguyễn Phương Bắc: Khi kết quả Chỉ số DCI được công bố, ban đầu cũng có một số ý kiến, tuy nhiên, dữ liệu cho thấy, đánh giá của doanh nghiệp là tin cậy và các Sở, ngành đã tự nhìn nhận được những điểm mạnh cần giữ vững và quan tâm cải thiện các Chỉ số còn thấp trong thời gian tới. Những con số biết nói của DCI góp phần làm thức tỉnh cán bộ, công chức Nhà nước, cần phải có biện pháp giảm phiền hà, nhũng nhiễu với người dân và doanh nghiệp.
Có một câu chuyện về buổi phân tích Chỉ số DCI tại một Sở, khi tôi phân tích về chất lượng website của Sở, tôi thắc mắc với Giám đốc Sở rằng "Tại sao hôm trước tôi truy cập website của bên anh thấy cập nhật và đầy đủ thông tin, mà doanh nghiệp lại đánh giá thấp thế này?" thì ông Giám đốc Sở mới thú thực rằng "Chúng tôi vừa mới nâng cấp lại website, lúc nâng cấp sau thời điểm doanh nghiệp đánh giá".
Nhìn nhận lại, Chỉ số DCI Bắc Ninh 2016 đã thể hiện đúng những nội dung doanh nghiệp chấm điểm mà những người làm chuyên môn có thể cảm nhận được. Nhiều Sở, ngành đã vào cuộc tổ chức hội nghị phân tích chẩn đoán. Bước đầu, DCI được cả người dân, doanh nghiệp và chính quyền ghi nhận, góp phần vào việc cải thiện chất lượng quản trị địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh.
P.V: Ông cho biết tác động của Chỉ số DCI Bắc Ninh trong cải thiện môi trường kinh doanh ở Bắc Ninh như thế nào?
Ông Nguyễn Phương Bắc: DCI có ý nghĩa to lớn về phương pháp và công cụ để triển khai cải thiện môi trường kinh doanh ở Bắc Ninh. Chỉ số DCI nhận diện được điểm mạnh cũng như các điểm yếu về chất lượng quản lý điều hành của từng Sở, ngành về môi trường kinh doanh.
Chỉ số DCI là công cụ để cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cho biết doanh nghiệp đánh giá về công việc của ngành, địa phương. Từ đó sử dụng để đánh giá, nâng cao chất lượng cán bộ; nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tính năng động và tiên phong; đổi mới quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường thông tin, đối thoại….
Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định, cùng với PCI, PAPI, ICT index, chỉ số DCI là kênh đánh giá khách quan giúp các Sở, ngành, địa phương nhìn nhận lại những kết quả công việc đã làm được trong năm. Đây được coi là một trong những giải pháp đột phá, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý điều hành thích ứng với giai đoạn mới.
Từ PCI đến DCI là một bước tiến mới về phương pháp cải thiện môi trường kinh doanh, thể hiện sự tôn trọng của chính quyền tỉnh đối với tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Mai

Báo Bắc Ninh