The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chỉ số DDCI thấp, lãnh đạo cấp sở cả đêm “không ngủ”

Nhiều địa phương trăn trở thực hiện DDCI, có lãnh đạo sở cả đêm không ngủ được khi chỉ số DDCI thấp. Một môi trường kinh doanh thuận lợi không chỉ đánh giá bằng Nghị quyết hay chương trình hành động, bằng phát biểu của lãnh đạo mà phải là sự vận hành của bộ máy chính quyền cấp cơ sở, của các sở ngành, cấp quận huyện, của từng công chức…
Đó là nhận định của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại “Tọa đàm về xây dựng và phát triển Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện (DDCI)” chiều 20/1.
Việc thực hiện đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện theo chỉ số cạnh tranh cấp sở, cấp huyện đã là chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2018/ NQ-CP.
Chỉ số DDCI được xây dựng nhằm đo lường chất lượng quản lý, điều hành kinh tế của các cơ quan chính quyền cấp huyện và sở, ngành – những cấp chính quyền có quan hệ trực tiếp với các cơ sở kinh tế trên địa bàn như hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã và các nhà đầu tư.
VẪN CÒN NHIỀU THÁCH THỨC
Thống kê chưa đầy đủ của VCCI cho thấy, hiện nay có 54 tỉnh, thành trên cả nước đã hoặc đang thực hiện bộ chỉ số DDCI. Song cách thức để thực hiện tốt hơn bộ công cụ này là vấn đề được đặt ra.
7 năm triển khai DDCI, bà Vũ Kim Chi, Phó Trưởng Ban thường trực, Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh Quảng Ninh, nhớ lại năm đầu tiên khi Quảng Ninh triển khai thí điểm DDCI với một số sở ngành. Khi công bố xong một vài lãnh đạo địa phương, sở ngành lúc đó rất bất ngờ với kết quả và không được vui.
“Nhưng đây cũng chính là động lực cho họ cải thiện, bởi họ không vui chứng tỏ họ cảm nhận, quan tâm tới chỉ số này. Đến bây giờ, chính các sở ngành, địa phương này đã dẫn đầu về DDCI. Chứng tỏ DDCI đã tạo sự chuyển động trong nhận thức từ trên xuống dưới, đặc biệt cấp sở ban ngành và địa phương. Đồng hành với sự tiến bộ của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là có một phần kết quả của sự triển khai DDCI của Quảng Ninh”, bà Chi chia sẻ.
Mặc dù thành công là vậy, nhưng bà Chi cho rằng, quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn. Làm sao thu được nhiều phiếu khảo sát của doanh nghiệp, chất lượng phiếu tốt và đánh giá kết quả một cách độc lập, khách quan nhất mới là quan trọng.
Bên cạnh đó, còn số lượng không nhỏ doanh nghiệp cũng chưa nhận thức rõ được vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của mình khi tham gia khảo sát DDCI. Tỷ lệ phiếu thu về mới đạt 30-35%, trong đó vẫn còn nhiều phiếu chưa đủ thông tin hoặc thông tin điền chưa đáp ứng nhu cầu.
Một số cơ quan sở, ngành và địa phương chưa thực sự chủ động vào cuộc đồng bộ và chưa quan tâm, phân tích sâu kết quả DDCI để có giải pháp cụ thể, sáng tạo trong năm tiếp theo.
Chưa có chế tài để tạo áp lực lên các cơ quan, đơn vị nếu có thứ hạng thấp, chủ yếu là phụ thuộc vào thái độ, nhận thức và lòng tự trọng của cơ quan, đơn vị khi được đánh giá. Cũng như chưa có sự chuẩn hóa về mặt lý thuyết để có thể xây dựng hoàn chỉnh bộ công cụ DDCI.
Đến hết năm 2021 có 9/11 tỉnh, thành khu vực Miền Trung – Tây Nguyên triển khai DDCI. Qua quá trình hỗ trợ triển khai, ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI tại TP. Đà Nẵng đánh giá, DDCI đã tạo những chuyển biến tích cực, rõ nét trong thái độ, tư duy và hành động của các sở, ban, ngành và huyện, thị, của mỗi cán bộ trong bộ máy chính quyền.
Nhưng việc triển khai DDCI không dễ. Đó là gặp sự phản ứng thậm chí phản đối của đơn vị được đánh giá khi có kết quả chưa cao. Một số đơn vị có ý kiến cho rằng, việc đánh giá của doanh nghiệp là cảm tính, chưa khách quan, chưa chính xác… đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm như phản ánh về chi phí không chính thức, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp chưa tin kết quả điều tra có làm thay đổi thực tế điều hành của cơ quản lý hay không. Họ còn e ngại trong cung cấp thông tin vì sợ các cơ quan quản lý gây khó dễ…
TẠO SỨC LAN TOẢ RỘNG HƠN
Để việc triển khai DDCI có hiệu quả cao, có sức lan toả lớn ông Tuân cho rằng, cần sự quyết tâm và ủng hộ triển khai DDCI của lãnh đạo tỉnh, thành phố. Việc triển khai DDCI cần xuất phát từ bối cảnh thực tế của địa phương, nguồn lực tổ chức thực hiện cũng như các vấn đề quan tâm của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.
Đồng thời, cần có cơ quan chủ trì độc lập, có khả năng và kinh nghiệm, hiểu biết về doanh nghiệp, đảm bảo tối đa tính khách quan khi thực hiện. Minh bạch trong triển khai là yếu tố cốt lõi.
“Ở một số địa phương, mức độ tham gia của các hiệp hội doanh nghiệp vào triển khai DDCI còn mờ nhạt. Do đó, cần nâng cao hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình triển khai DDCI”, ông Tuân đề xuất.
Hơn nữa, công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng trong nâng cao nhận thức, tạo sự lan truyền về DDCI. Truyền thông DDCI ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên mới chỉ dừng lại ở việc thông báo kết quả công bố. Chính vì vậy cần có chiến lược truyền thông bài bản, chuyên nghiệp về DDCI.
Bà Chi cho rằng cần phải tiếp tục nghiên cứu, chuẩn hóa bộ chỉ số DDCI để phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt bối cảnh 4.0 cũng như dịch bệnh Covid-19 làm thay đổi nhiều phương thức hoạt động của doanh nghiệp. Nên cách thức vận hành để phục vụ đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp là một trong những nội dung rất quan trọng.
Do đó, theo bà Chi giai đoạn tới cần nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các sở, ban, ngành và UBND các địa phương trong triển khai DDCI. Công nhận kết quả khảo sát DDCI hàng năm như là một trong những tiêu chí KPI đánh giá, xếp loại các cơ quan đơn vị được đưa vào khảo sát DDCI.
Ông Đậu Anh Tuấn đồng tình, cần tạo ra sức ép cho bộ máy, cho hệ thống khi đó mới tạo ra sự thay đổi tích cực theo hướng đảm bảo “ngũ thật”: suy nghĩ thật, nói thật, hành động thật, có kết quả thật, người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật.