Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2013: Đà Nẵng quán quân, Hà Nội "lẹt đẹt" thứ 33
24 Tháng 3, 2014
Đánh mất phong độ trong hai năm 2011- 2012, Đà Nẵng đã nhanh chóng lấy lại vị trí quán quân những địa phương có năng lực cạnh tranh tốt nhất cả nước (PCI) 2013. Trong khi đó, dù thăng hạng tới 18 bậc, Hà Nội vẫn lẹt đẹt ở vị thứ 33.
Sáng 20/3, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 đã chính thức được công bố với ngôi vị quán quân thuộc về Đà Nẵng. Các ngôi vị tiếp theo thuốc về Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre và Quảng Ngãi.
Theo nhận xét của ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng ban Pháp chế (VCCI), Giám đốc dự án PCI, nếu như năm ngoái cả nước không có tỉnh nào lọt vào nhóm xuất sắc thì năm nay có tới 7 tỉnh lọt vào Top này.
Cho đến trước năm 2011, Đà Nẵng liên tục giành vị trí thứ nhất hoặc thứ hai trong bảng xếp hàng PCI hàng năm. Chuỗi thành tính này bị gián đoạn trong hai năm từ 2011-2012, thậm chí, trong năm 2012, địa phương này còn bị tụt xuống thứ hạng 12 với tổng điểm giảm còn 61,71 điểm. Sau 2 năm tụt hạng, Đà Nẵng đã trở lại vị trí dẫn đầu PCI 2013.
Trong khi đó, Thừa Thiên Huế cũng lấy lại được vị thế với thành tích xuất sắc. Kể từ năm 2007, chỉ duy nhất một lần tỉnh này rơi khỏi nhóm 25 tỉnh có điểm số cao nhất và nằm trong nhóm Tốt. Tuy nhiên, hiện nay, Thừa Thiên Huế đã có những cam kết mạnh mẽ về việc cải thiện điểm số PCI. Cũng từ năm 2007, địa phương này đã ban hành văn bản kế hoạch, nghị quyết và 3 Quyết định của UBND tỉnh về cải thiện PCI.
Hai tỉnh miền Trung có điểm số trên 65 và vượt trội so với các tỉnh khác ngay trong nhóm có chất lượng điều hành Rất tốt.
Ngoài ra, nhóm Rất tốt chưa bao giờ vắng bóng các trường hợp thành công từ khu vực ĐB Sông Cửu Long: Đồng Tháp (63,35 điểm), Kiên Giang (63,55 điểm).
Theo thông tin từ cơ quan xếp hạng, kể từ lần đầu công bố CPI đến nay, Đồng Tháp chưa bao giờ xếp hạng dưới 11, và đã từng đạt thành tích cao nhất là vị trí số 1 vào năm 2012.
Bất ngờ duy nhất trong nhóm dẫn đầu là Quảng Ngãi với vị trí số 7. Đây được coi là một bước tiến nổi bật của tỉnh, vốn thường đứng ở vị trí trung bình, với điểm số 38,5 từ năm 2006-2012 và chưa bao giờ vượt quá vị trí thứ 18.
Thủ đô Hà Nội, mặc dù thăng hạng tới 18 bậc so với năm ngoái, nhưng vị thứ vẫn rất "lẹt đẹt" ở vị trí 33, xếp loại "Khá" cùng với Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai...
Báo cáo Chỉ số PCI 2013 là tập hợp “tiếng nói” của 8.093 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đồng thời, báo cáo cũng phản ánh cảm nhận của 1.609 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam, góp phần hoàn thiện bức tranh tổng thể về môi trường kinh doanh tại Việt Nam dưới góc độ một điểm đầu tư quốc tế.
PCI 2013 bổ sung thêm chỉ số mới “cạnh tranh bình đẳng” nhằm phản ánh yêu cầu của công đồng doanh nghiệp về một môi trường kinh doanh bình đẳng. Mặc dù vậy, chỉ số vẫn đảm bảo cách xếp hạng nhất quán và hợp lý, chú trọng đến những lĩnh vực quản lý quan trọng đối với doanh nghiệp và cần cải cách
Chỉ số “cạnh tranh bình đẳng” được sử dụng lại và cải thiện sau khi bị loại bỏ từ năm 2009. Vào thời điểm năm 2009, doanh nghiệp Nhà nước do địa phương quản lý không còn vai trò áp đảo trong môi trường kinh doanh cấp tỉnh nữa. Lúc đó, cơ quan xếp hạng cho rằng, diễn biến này báo hiệu sự chấm dứt đối với tình trạng chính quyền địa phương ưu ái DNNN.
Trên thực tế, ưu đãi của chính quyền đối với DNNN vẫn tiếp diễn, thậm chí còn ở mức độ lớn hơn. Năm 2013, 31% doanh nghiệp cho biết việc các DNNN được ưu ái trong lĩnh vực tiếp cận đất đai, tính dụng và mua sắp công là một trở ngại lớn cho hoạt động của họ.
Ngoài ra, hàng năm, điều tra PCI đều sử dụng “nhiệt kế doanh nghiệp” để đo lường triển vọng kinh doanh trong 2 năm tới. Sự lạc quan đã sụt giảm đáng kể trong vài năm gần đây, giảm từ mức 76% năm 2006 trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xuống mức 33% ở khối doanh nghiệp trong nước vào 28% ở khối doanh nghiệp nước ngoài.
Bích Diệp