The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): DN ngày càng “dễ thở”

Sau 9 năm DN được chấm điểm năng lực cạnh tranh của chính quyền cấp tỉnh, mối quan hệ giữa DN và chính quyền đã được cải thiện theo từng cung bậc.
Cho dù, môi trường kinh doanh đầu tư có được cải thiện về mặt hình thức hay nội dung thì điều lớn nhất mà Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mang lại là các chính quyền địa phương đã bắt đầu nhận ra tư duy của một cơ quan phục vụ. Thay vì trước kia, chính quyền địa phương thường tự coi mình là cơ quan quản lý, thậm chí là cấp phát theo kiểu xin – cho. Thay đổi tư duy chính quyền cấp tỉnh Bắt đầu từ sự bỡ ngỡ, đến hiểu rồi coi trọng, Chỉ số PCI được VCCI công bố hàng năm đang ngày càng trở nên hữu ích đối với cả DN và chính quyền các cấp. PCI vừa là thước đo quan trọng để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các địa phương. Nhưng quan trọng hơn, các chỉ số thành phần của PCI đã giúp chính quyền địa phương dễ dàng nhận ra những điểm mạnh điểm yếu trong công tác điều hành để có những điều chỉnh, sửa đổi phù hợp. Năm ngoái, tỉnh Đồng Tháp đã vươn lên vị trí "quán quân" trong bảng xếp hạng PCI. Đây là kết quả của chủ trương "đồng hành cùng DN" mà các cấp lãnh đạo tại Đồng Tháp đã nỗ lực thực hiện. DN đầu tư kinh doanh tại Đồng Tháp đang ngày càng hài lòng hơn với chính quyền địa phương trong việc tạo điều kiện về phát triển sản xuất, kinh doanh. Theo ông Lê Minh Hoan - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, trong thời kinh tế khó khăn thì mọi cơ hội củaDN đều rất đáng trân trọng. Tỉnh không xem DN là đối tượng để quản lý mà chính là đối tác để đồng hành. Vai trò của DN không chỉ dừng lại ở sự đóng góp cho an sinh xã hội, tạo việc làm cho lao động mà còn là nhà tư vấn kinh tế, góp ý cho tỉnh trong xây dựng chính sách. Chính sự cầu thị của lãnh đạo tỉnh đã tạo niềm tin và động lực để các DN phát triển. Ông Hoan đặc biệt chú ý đến trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh và xem đây là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, việc đổi mới lề lối làm việc cũng có thể xem là một bước đột phá. Lãnh đạo tỉnh không tiếp cận DN theo kiểu chờ đợi mà chủ động đến DN để tìm hiểu, tháo gỡ khó khăn. Tỉnh xác định, cho dù, năm tiếp theo tỉnh Đồng Tháp có giữ được vị trí quán quân hay không nhưng từ lãnh đạo tỉnh đến các cơ quan chuyên môn vẫn luôn hướng tới tinh thần trách nhiệm và liên tục cải thiện công tác điều hành. Còn Quảng Ninh lại là tỉnh có thứ hạng PCI theo chiều hướng giảm. Tỉnh Quảng Ninh vừa bị giảm 8 bậc xuống xếp thứ 20/63. Đáng chú ý, trong số 9 chỉ số thành phần đánh giá của PCI tại tỉnh Quảng Ninh, chỉ có 2 thành phần tăng lên là tính minh bạch và thiết chế pháp lý. Còn lại, 7 trọng số thành phần khác đều giảm. Rút được bài học về sự giảm điểm, tỉnh Quảng Ninh đã và đang xây dựng một kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh này phấn đấu tăng dần điểm số và thứ hạng PCI qua từng năm, mục tiêu đến năm 2014 Quảng Ninh lọt vào nhóm 10 tỉnh, thành phố có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất cả nước và duy trì vị trí trong những năm tiếp theo. Ông Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, kế hoạch nâng cao PCI của Quảng Ninh không mang tính hình thức, mà nó thể hiện qua việc giao nhiệm vụ cụ thể và trực tiếp cho từng ngành với mục tiêu xây dựng môi trường kinh doanh của tỉnh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn và thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh. DN trông đợi gì Kết quả khảo sát PCI qua các năm cho thấy, DN kỳ vọng rất nhiều vào sự năng động và tiên phong của lãnh đạo các tỉnh. Ông Gaurav Gupta - TGĐ General Motors VN cho biết, cùng với cơ sở hạ tầng, điều hành kinh tế địa phương được coi như hạ tầng mềm, là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư. Đối với những nhà đầu tư nước ngoài, PCI giúp xác định và so sánh chất lượng môi trường kinh doanh tại các địa phương khác nhau củ a VN. Các nhà đầu tư nước ngoài sử dụng dữ liệu PCI như nguồn thông tin có giá trị cho việc xem xét ra quyết định đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại các địa phương VN. Nhà đầu tư không căn cứ vào điểm PCI của một năm mà họ nhìn vào xu hướng lâu dài. PCI thể hiện mức độ hài lòng của DN. Để cải thiện và nâng cao PCI, điều cần thiết là lãnh đạo địa phương "lắng nghe" phản ánh của DN. Theo ông Vũ Ngọc Cừ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Lào Cai, các giải pháp cải cách thủ tục hành chính cần được đẩy mạnh hơn nữa, tránh tình trạng "một cửa nhưng nhiều khóa". Chính quyền địa phương nên thành lập bộ phận tư vấn DN trong tiếp cận đất đai, đảm bảo tính công bằng khi phổ biến thông tin về dự án đầu tư.
Trong tư duy và suy nghĩ, lãnh đạo địa phương nào cũng muốn cải thiện chỉ số PCI. Nhưng có một số địa phương đã không giữ được sự bền vững của công tác cải cách do cán bộ công chức cấp cơ sở không làm tròn nhiệm vụ hoặc nhũng nhiễu DN. Bình Dương là một ví dụ, đây là tỉnh đã từng ở vị trí tốp đầu trong bảng xếp hạng nhưng gần đây liên tục tụt hạng. Ông Trần Thành Trọng - Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương nhận xét, lãnh đạo cấp trên luôn đau đáu làm sao để điều hành thật tốt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN. Tuy nhiên, một số cán bộ công chức thực thi công vụ cấp dưới, thừa hành chưa đến nơi đến chốn, còn gây ra khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, ở một số địa phương có biểu hiện của bệnh thành tích tức là tăng điểm về mặt hình thức. Ví dụ như lãnh đạo tỉnh có thể chỉ đạo các đơn vị chuyên môn họp và "tập huấn" các DN trước các đợt lấy phiếu đánh giá PCI. Cho dù, chất lượng các chỉ số không tăng nhiều nhưng họ vừa ép, vừa nịnh để DN chấm điểm cao. Thực trạng này đã được nhiều DN phản ánh, nhưng không phải ai cũng dám công khai. Với mọi sự cố gắng và nỗ lực từ đơn vị tổ chức các địa phương và DN, PCI vẫn được đánh giá là một trong những dự án đóng góp mạnh mẽ hàng đầu đối với chất lượng điều hành của chính quyền địa phương. Theo TSVũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, PCI đã trở thành tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá về năng lực, môi trường kinh doanh và các nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền địa phương cấp tỉnh. Bá Tú