Phát biểu dẫn đề, Viện trưởng Viện CL&KHTT - TS Nguyễn Quốc Văn cho biết, chỉ số PCI là một công cụ đo lường được sử dụng để đánh giá và xếp hạnh năng lực canh tranh của các tỉnh, thành trong một quốc gia. PCI đo lường sự đa dạng và hiệu quả của các yếu tố cạnh tranh quan trọng, bao gồm chính sách, hạ tầng, điều kiện kinh doanh và khả năng thu hút đầu tư.
PCI được phân chia thành 10 chỉ số thành phần, bao gồm: Chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch và tiếp cận thông tin; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; tính năng động và tiên phong của lãnh đạo cấp tỉnh; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
“Bằng cách xếp hạng các tỉnh theo thứ tự từ cao đến thấp, PCI cung cấp thông tin định hướng cho chính quyền địa phương và nhà đầu tư về năng lực cạnh tranh của mỗi tỉnh, thành và khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương” - TS Nguyễn Quốc Văn nói.
Trong khi đó, tham nhũng là một vấn đề phức tạp và đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế và xã hội. Tham nhũng đặt gánh nặng tiêu cực lên ngân sách Nhà nước và gây mất lòng tin của người dân vào Chính phủ và hệ thống công tác. Tham nhũng ảnh hưởng đến công bằng, đạo đức, khả năng cạnh tranh và sự phát triển bền vững.
Để đối phó với tham nhũng, các biện pháp phòng, chống tham nhũng đã được triển khai trên toàn thế giới, trong đó tập trung vào tăng cường quản lý công, tăng cường tuân thủ pháp luật và tạo ra môi trường kinh doanh trong sạch.
“Chúng ta có thể thấy một mối liên hệ chặt chẽ giữa PCI và mức độ tham những tại các tỉnh ở Việt Nam hiện nay. Năng lực cạnh tranh cao thường đi đôi với mức độ tham nhũng thấp. Khi các tỉnh, thành có một môi trường kinh doanh lành mạnh, điều kiện công bằng và quản lý công hiệu quả, các cơ hội cho tham nhũng sẽ giảm đi. Từ việc thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp bền vững, các địa phương có PCI cao thường có một hệ thống quản lý công khỏe mạnh và làm việc trong một môi trường kinh doanh trong sạch. Điều này được phản ánh rõ nét qua báo cáo về chỉ số PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam từ năm 2005 cho đến nay” - TS Nguyễn Quốc Văn cho hay.
Báo cáo PCI 2022 cho thấy, có 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10/590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Theo đánh giá năm 2022, có 30 địa phương có kết quả PCI tốt nhất năm 2022, trong đó các tỉnh, thành Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu và Đồng Tháp lần lượt đứng trong tốp đầu các địa phương có chất lượng điều hành kinh tế cao nhất trong bảng xếp hạng PCI.
Theo báo cáo, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính có chuyển biến đáng kể, cho thấy công cuộc đổi mới, vì doanh nghiệp tiếp tục lan tỏa rộng khắp và nhận được sự ghi nhận của xã hội.
Đơn cử, 93% ý kiến đánh giá “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”, 91% đánh giá thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn so với quy định. Tỷ lệ doanh nghiệp phải dành hơn 10% quỹ thời gian để tìm hiểu và thực hiện quy định pháp luật giảm từ mức 26% của năm 2021 về 20% trong năm 2022.
89% doanh nghiệp đồng ý rằng “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 87% doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”.
Gánh nặng thanh, kiểm tra tiếp tục xu hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp phải đón tiếp từ 3 đoàn thanh tra trở lên trong năm qua là 7,39%.
Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp báo cáo tình trạng trùng lặp nội dung thanh tra, kiểm tra trong năm 2022 là 6 69%, giảm từ mức 13,46% của năm 2017.
Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, tồn tại trong cách hành xử, hỗ trợ doanh nghiệp. Các lĩnh vực mà thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế, phí (35% lượt doanh nghiệp lựa chọn), giải phóng mặt bằng (29%), bảo hiểm xã hội (20%), phòng cháy, chữa cháy (13%) và xây dựng (13%). “Đây chính là những lỗ hổng để phát sinh hành vi tham nhũng, tiêu cực”, TS Nguyễn Quốc Văn nhấn mạnh.
Tại tọa đàm, TS Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký VCCI chia sẻ thông điệp cụ thể mà PCI mang lại trong việc phòng, chống tham nhũng và tìm kiếm các giải pháp hiệu quả để xây dựng một nền kinh tế - xã hội lành mạnh. Theo đó, qua điều tra việc chi trả chi phí không chính thức giảm; khoảng 90% doanh nghiệp coi mức chi phí không chính thức phải trả là “chấp nhận được”; tỷ lệ doanh nghiệp có mối quan hệ với chính quyền để trúng thầu các dự án giảm…
“Những điều tra xã hội học của PCI giúp chúng ta nhận rõ những ngành nào đang có nguy cơ tham nhũng tại địa phương đó”, ông Đậu Anh Tuấn nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, PCI sẽ ngày càng quan trọng, là kênh đối thoại của các doanh nghiệp như trao quyền cho các doanh nghiệp; đánh giá thiết thực, tạo ra phản ứng cấp tỉnh định kỳ phải đánh giá, rà soát lại môi trường kinh doanh của mình; cung cấp thông tin, bằng chứng thực, tính thực về cách hành chính cấp tỉnh. Đây là cách thực cải cách kinh doanh thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Tại tọa đàm, các đại biểu cũng đã thảo luận về các yếu tố đánh giá năng lực cạnh tranh trong PCI và tầm quan trọng của các yếu tố đó trong việc tạo ra năng lực cạnh tranh, giảm thiểu tham nhũng; về mối liên hệ giữa PCI và mức độ tham nhũng; các ví dụ cụ thể về các tỉnh có PCI cao và mức độ tham nhũng thấp và kinh nghiệm để đạt được thành công này.
Đồng thời, thảo luận các giải pháp cải thiện hiệu quả phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh dựa trên các kết quả nghiên cứu PCI; các vấn đề, thách thức và cơ hội trong việc thúc đẩy hiệu quả phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh ở Việt Nam.
Theo Báo Thanh tra