The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI 2012: Nổi trội ĐBSCL

6/10 tỉnh đứng đầu cả nước trong xếp hạng PCI 2012 là các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong đó tỉnh Đồng Tháp lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng. Hai vị trí kế tiếp là An Giang và Lào Cai, quán quân của bảng xếp hạng năm ngoái.
Chất lượng điều hành nói chung tại các tỉnh ở Việt Nam có xu hướng sụt giảm và điều đáng chú ý là không có tỉnh nào đạt ngưỡng 65 điểm, nhóm điểm ở mức “Rất tốt” trong xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2012 (PCI 2012), đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông David D. Shear nhận xét tại lễ công bố PIC 2012 diễn ra tại Hà Nội sáng 14/3/2012.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng ban phụ trách, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị đồng tổ chức điều tra xếp hạng, điểm số của tỉnh trung vị về chất lượng điều hành đã giảm xuống còn 56,2 điểm so với mức 59,15 điểm của năm 2011.
Trong top 5 các tỉnh dẫn đầu trong danh sách xếp hạng PCI 2012, ngoài Đồng Tháp, An Giang, Lào Cai còn có Long An và Bắc Ninh. Như vậy 3/5 tỉnh có thứ hạng cao nhất cả nước vẫn thuộc về các tỉnh ĐBSCL.
Hai tỉnh có thứ hạng thành tích tốt trước đây nhưng tụt hạng vào năm ngoái là Bình Định Và Vĩnh Long năm nay lại vươn lên trở lại nhóm dẫn đầu.
Trong khi đó, Bình Dương và Đà Nẵng, các nhóm luôn đi đầu trong các năm trước lại tụt giảm về thứ hạng.
TP. HCM đã tăng hạng một cách đáng kể, từ mức 20 của năm 2011 lên mức thứ 13 của năm nay trong khi Hà Nội lại giảm thứ hạng thảm hại, từ mức 36 của năm trước xuống vị trí 51 của bảng xếp hạng 2012 năm nay.
Tương tự như vậy, các tỉnh phía Bắc nói chung và các tỉnh miền núi phía Bắc có mức xếp hạng thấp trong khi các tỉnh miền Nam và đặc biệt các tỉnh ở khu vực ĐBSCL lại có mức tăng hạng rõ rệt.
Có tới 9/13 tỉnh, thành ở ĐBSCL có chỉ số xếp hạng PCI 2012 ở mức tốt và 3 tỉnh còn lại ở mức khá.
Trong khi vùng Đông Nam Bộ chỉ có 2/8 tỉnh, thành được xếp hạng ở mức tốt (Đồng Nai và TP. HCM, 5/8 tỉnh có mức khá và có 1 tỉnh (Tây Ninh) có chỉ số PCI ở mức trung bình.
Tại vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ số PCI còn tệ hơn nhiều. Chỉ có đúng tỉnh Bắc Ninh có chỉ số được xếp hạng tốt, còn lại có tới 8/11 tỉnh, thành (trong đó có Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh) có chỉ số xếp loại khá và 2 tỉnh (Nam Định và Hà Nam) có chỉ số CPI ở mức trung bình.
Đánh giá về chỉ số PCI 2012 nổi trội của các tỉnh ĐBSCL, ông Edmund Malesky, GS. TS. Kinh tế chính trị (Đại học Duke), Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho biết không phải năm nay các tỉnh ĐBSCL có chỉ số PCI ở mức cao. Nhưng điều đáng chú ý là “Chỉ số PCI của các tỉnh này tăng đều trong những năm gần đây và năm nay các tỉnh ĐBSCL có số lượng đứng trong tốp hàng đầu nhiều nhất, với 3/5 tỉnh nằm trong top 5 và 6/10 tỉnh nằm trong top 10 của toàn quốc”.
Quan trọng là lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL biết cách học lẫn nhau và cùng nhau cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, GS. Malesky nói.
Kết quả điều tra PCI 2012 cũng cho thấy doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều cảm thấy kém lạc quan hơn về triển vọng kinh doanh so với các năm trước. Sự lạc quan của doanh nghiệp đã giảm từ mức 76% ở thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) xuống mức thấp kỷ lục 33% vào năm 2012, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét.
Ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho rằng khi triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn thì những phân tích sát thực về thách thức hiện tại là rất có giá trị.
Do vậy, theo ông thì “Cải thiện chất lượng điều hành kinh tế là yếu tổ then chốt đối với năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững ở Việt Nam”.
Điều này đòi hỏi cam kết của lãnh đạo chính quyền các cấp nhằm giải quyết các khó khăn bất cập trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính và tham nhũng trong mua sắm công, ông nói.
Báo cáo PCI 2012 phản ánh cảm nhận của 8.000 doanh nghiệp dân doanh trên khắp 63 tỉnh, thành toàn quốc về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh tại các địa phương mà doanh nghiệp hoạt động.
Theo kết quả điều tra PCI 2012, doanh nghiệp đánh giá các lĩnh vực còn kém ở Việt Nam là giá đền bù đất đai chưa phù hợp thực tế, doanh nghiệp giảm niềm tin và ít sử dụng các thiết chế pháp lý địa phương để giải quyết tranh chấp, ít sử dụng và chưa hài lòng về chất lượng dịch vụ của chính quyền các tình.
Báo cáo PCI 2012 cũng giới thiệu kết quả điều tra PCI lần thứ ba đối với 1.540 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang hoạt động tại Việt Nam, phân tích nhận định của các doanh nghiệp này về rủi ro trong môi trường đầu tư tại Việt Nam.
PCI là điều tra toàn diện nhất về môi trường kinh doanh cấp tỉnh, được VCCI và VNCI (Dự án Sáng kiến Cạnh tranh Việt Nam) thực hiện từ năm 2005 tại Việt Nam với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
Nguồn tin: Hoàng An - diendandautu.vn