Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và bức tranh về môi trường kinh doanh tỉnh Đắk Nông năm 2014
Theo đánh giá của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh Đăk Nông năm 2014, đạt 53.9 điểm (Giảm so với năm 203 là 0.78 điểm); xếp hạng 57/63 tỉnh, thành phố (giảm 07 bậc so với năm 2013). Trong đó, có 05 chỉ số giảm điểm so với năm 2013, gồm:
- Chỉ số tiếp cận đất đai đạt 5.83, giảm 0.72 điểm.
- Chỉ số tính minh bạch, đạt 5.98, giảm 0.55 điểm.
- Chỉ số chi phí không chính thức đạt 4.96, giảm 0.35 điểm.
- Chỉ số về tính năng động, đạt 4.44, giảm 0.02 điểm.
- Chỉ số về đào tạo lao động, đạt 4.21, giảm 0.36 điểm.
Qua đánh giá, có thể thấy môi trường kinh doanh tỉnh Đăk Nông vẫn còn nhiều điểm cần cải thiện. Có thể dẫn ra đây một số dẫn chứng về sự đánh giá của Doanh nghiệp đối với bức tranh về môi trường kinh doanh tỉnh Đăk Nông, như sau:
1. Việc cung cấp dịch vụ thông qua bộ phận một cửa cho doanh nghiệp chưa hiệu quả, thủ tục hành chính chưa được niêm yết, công khai đầy đủ, chỉ có 56% doanh nghiệp đánh giá thủ tục tại bộ phận Một cửa được niêm yết công khai. Năng lực am hiểu chuyên môn, kỹ năng giao tiếp và trách nhiệm của cán bộ một cửa còn hạn chế, có 44% cán bộ tại bộ phận Một cửa am hiểu về chuyên môn, có 57% cán bộ tại bộ phận Một cửa nhiệt tình, thân thiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận Một cửa chưa thực sự hiệu quả, có 33% doanh nghiệp đánh giá là ứng dụng công nghệ thông tin tại Bộ phận một cửa tốt.
2. Thời gian và chi phí gia nhập thị trường cao so với các tỉnh, thành trong cả nước: Số ngày thực hiện đăng ký doanh nghiệp trung bình là 13 ngày. Thời gian thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp là 6 ngày. Thời gian chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trung bình là 30 ngày. Có 14% doanh nghiệp phải chờ đợi hơn một tháng hoàn tất các thủ tục để chính thức hoạt động (so với một số tỉnh, tỷ lệ này là 2%). Có 5% doanh nghiệp phải chờ hơn 03 tháng hoàn tất các thủ tục để chính thức hoạt động (rất nhiều tỉnh, thành thì tỷ lệ này là 0%).
3. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin và giải quyết thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai: có 18% doanh nghiệp ngoài quốc doanh không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng mặt bằng kinh doanh. Có 28% doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào. Có 38% doanh nghiệp có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện do thủ tục hành chính rườm rà và lo ngại cán bộ nhũng nhiễu. Có 72% doanh nghiệp đồng ý sự thay đổi khung giá đất phù hợp với sự thay đổi giá thị trường. Như vậy, việc tiếp cận thông tin và giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đất đai vẫn là một khó khăn và trở ngại lớn đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
4. Hiện tượng cán bộ, công chức sách nhiễu khi thực hiện các TTHC và giải quyết công việc liên quan đến doanh nghiệp vẫn diễn ra. Dẫn đến doanh nghiệp phải chi trả nhiều chi phí không chính thức và không thoả đáng: Có 11% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức. Có 65% doanh nghiệp cho rằng có hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục. Có 65% doanh nghiệp cho rằng công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả chi phí không chính thức. Có 65% doanh nghiệp đồng ý cho rằng cán bộ nhà nước làm việc hiệu quả; 56% doanh nghiệp không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký. Những con số trên đã chứng tỏ rằng nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại khi giải quyết các TTHC.
5. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp: Có 43,33% doanh nghiệp cho rằng dịch vụ Giáo dục phổ thông do các cơ quan Nhà nước tại địa phương cung cấp là tốt hoặc rất tốt. 20,65% doanh nghiệp cho rằng dịch vụ Dạy nghề do các cơ quan nhà nước tại địa phương cung cấp được đánh giá tốt và rất tốt. Có 30% doanh nghiệp đã từng sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh. Tổng chi phí kinh doanh dành cho đào tạo lao động, đạt 59, 9%; có 4% lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đào tạo nghề ngắn và dài hạn trên tổng lực lượng lao động. Như vậy, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh thấp, doanh nghiệp khi muốn sử dụng phải đào tạo và tái đào tạo, chi phí kinh doanh tăng, năng suất lao động giảm, lợi nhuận kinh doanh giảm và dẫn đến cơ hội mở rộng sản xuất kinh doanh giảm.
Nhìn lại qua các năm, chỉ số năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của tỉnh Đăk Nông đã có sự cải thiện đáng kể (từ 37.96 điểm năm 2007 tăng lên 53.9 điểm năm 2014), tuy nhiên, sự cải thiện đó chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh còn thấp, hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức gây khó khăn, sách nhiễu đối với Doanh nghiệp vẫn còn; chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn thấp,… Điều đó đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cần chủ động rà soát và phân loại doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để có giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp; chỉ ra được các "nút thắt" trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đối với các cơ quan, đơn vị thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp phải nắm bắt những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong từng quý, từng năm và từng giai đoạn để có những định hướng cụ thể, cùng với doanh nghiệp giải quyết những khó khăn. Thiết lập hệ thống thông tin cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp như: thông tin về thủ tục hành chính, thông tin về chính sách đầu tư, thông tin về giá cả thị trường, thông tin về quy hoạch, kế hoạch và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, thông tin quy hoạch đất; thông tin về các loại thuế liên quan doanh nghiệp,... Để có hình thức cung cấp phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức là "phục vụ người dân, doanh nghiệp", tận tình, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp trong từng khâu, từng bước công việc. Từng cơ quan, đơn vị phải kiên quyết xử lý những hành vi kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức rà soát, loại bỏ những thủ tục hành chính không phù hợp, không cần thiết đối với doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, xây dựng, thuế, tác động môi trường,.... Quy trình, thời gian, trách nhiệm giải quyết TTHC phải được cụ thể hoá và công khai bằng nhiều hình thức để doanh nghiệp theo dõi và nắm bắt.
Với quyết tâm và nỗ lực của chính quyền tỉnh, việc cải thiện chỉ số PCI cũng đồng nghĩa với việc tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện, thông thoáng, bình đẳng để doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp chung cho sự phát triển của tỉnh nhà.
Tin bài: Đậu Thị Hương
theo Sở nội vụ tỉnh Đắk Nông ngày 07/07/2015