The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chỉ số PCI 2015, thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Bình Thuận trong năm 2016

Chỉ số PCI (viết tắt của Provincal Competitiveness Index hay còn gọi là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) do VCCI & USAID hợp tác xây dựng từ năm 2005 nhằm đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố của Việt Nam. Sau hơn 10 năm hình thành, PCI góp phần làm thay đổi tư duy quản lý Nhà nước tạo môi trường đầu tư hiệu quả, qua đó thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

Chỉ số PCI được đo lường dựa trên 10 chỉ số thành phần bao gồm: (1) Chi phí gia nhập thị trường thấp, (2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; (3) Môi trường kinh doanh minh bạch & thông tin công khai; (4) Chi phí không chính thức thấp; (5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; (6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; (7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề doanh nghiệp; (8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; (9) Chính sách đào tạo lao động tốt; (10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

Vừa qua Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa kỳ (USAID) công bố Báo cáo thường niên Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 ngày 31/03/2016, ghi nhận những dấu hiệu khởi sắc của môi trường kinh doanh tại Việt nam. Chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, chi phí thời gian tại các địa phương có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2015. Nhưng bên cạnh đó những nỗ lực cắt giảm chi phí không chính thức, tạo sân chơi bình đẳng, minh bạch cho khu vực tư nhân chưa phát huy hiệu quả.

Trong năm 2015, Đà Nẵng năm thứ ba liên tiếp trụ vững ở ngôi đầu bảng với 68,34 điểm. Sau Đà Nẵng là Đồng Tháp (66,39 điểm) và Quảng Ninh (65,75 điểm) đều là những tỉnh có nhiều sáng kiến cải cách hành chính và đổi mới chất lượng điều hành. Xếp trong nhóm có chất lượng điều hành tốt có Vĩnh Phúc (62,56 điểm) và Lào Cai (62,32 điểm) vốn là 2 địa phương từng đạt thành tích cao trong bảng xếp hạng PCI những năm trước.

Qua 10 năm thực hiện, báo cáo PCI là một kênh ngoài giúp các địa phương cũng như Bình Thuận đối chiếu, so sánh một cách khách quan, đáng tin cậy tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế trên địa bàn tỉnh đối với những báo cáo mang nặng tính hình thức, thành tích, ít phản ánh đúng thực chất.

Chỉ số PCI của Bình Thuận năm 2015 đạt 58,83 điểm xếp hạng 26/63, giảm 3 bậc so với năm 2014 (năm 2014: 59,16 điểm, xếp hạng 26/63). Xét trong khu vực miền Đông nam bộ, chỉ số PCI Bình Thuận năm 2013, 2014 chỉ đứng sau thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh. Trong năm 2015, Bình Thuận đứng thứ năm sau thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương và đứng trước Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Phước.

Năm 2015, Bình Thuận có 4 tiêu chí tăng điểm: tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức, hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động. Để đạt dược kết quả nêu trên, Bình Thuận trong năm 2015 luôn nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, triển khai tốt cơ chế “một cửa” cũng như “một cửa liên thông”. Chất lượng ở một số hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đã có chuyển biến, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp được thực hiện công khai, minh bạch hơn.

Bên cạnh 4 tiêu chí tăng điểm, có 6 tiêu chí giảm điểm là: Chi phí gia nhập thị trường, tính minh bạch, chi phí thời gian, tính năng động, thiết chế pháp lý, cạnh tranh bình đẳng. Điểm yếu của Bình Thuận phản ánh qua sự tinh thông nghiệp vụ, công tác của cán bộ “một cửa”; công tác kiểm tra doanh nghiệp nặng về xử phạt, chưa thực sự đồng hành cũng như chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp; tiếp cận đất đai khó khăn trong đền bù giải phóng mặt bằng…

Theo dõi xếp hạng PCI của Bình Thuận những năm qua, từ xuất phát điểm năm 2006 với thứ hạng 30, với nhiều lần tăng giảm thứ hạng đến năm 2014 vươn lên vị trí 23 xếp trong nhóm khá và xếp hạng 26 năm 2015. Bình Thuận hiểu được tầm quan trọng của chỉ số PCI cho nên từ những ngày đầu PCI được hình thành, Bình Thuận hòa mình trong dòng chảy chung của thời đại mới, nỗ lực đổi mới, cải cách thủ tục để tạo một môi trường đầu tư lành mạnh. Trong từng giai đoạn Bình Thuận đưa ra kế hoạch hành động cụ thể để nâng cao chỉ số PCI, tuy nhiên kết quả PCI trong năm 2015 không như mong đợi.

Để cải thiện môi trường kinh doanh tại Bình Thuận, góp phần nâng cao thứ hạng PCI năm 2016 theo Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm (2015-2016) và khắc phục những khuyết điểm trong chỉ số thành phần trong năm 2015 tỉnh Bình Thuận cần thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất, đổi mới tư duy, nhận thức về vai trò của doanh nghiệp. Hiện nay, vai trò kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, cán bộ quản lý chưa thay đổi nhận thức và có cách tiếp cận đúng đắn đối với doanh nghiệp dân doanh. Đây chính là cản trở chính đối với những nỗ lực cải cách của địa phương và thu hút đầu tư.

Thứ hai, phối hợp giữa các sở ngành, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp. Thiết lập và thực hiện cơ chế phối hợp đồng bộ, hiệu quả giữa các sở ngành trong tỉnh trong công tác quản lý, điều hành kinh tế.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Đây chính là chỉ huy dẫn dắt các chính sách ưu đãi đầu tư, kinh doanh, đóng vai trò không nhỏ tới sự phát triển của địa phương.

Thứ tư, xây dựng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh vững mạnh. Doanh nghiệp là những người am hiểu, phản ánh đúng đắn nhất những ưu, khuyết điểm của môi trường kinh doanh của địa phương. Những phản ánh, đóng góp của doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương.

Thứ năm, sáng tạo đổi mới trong thủ tục liên quan đến đất đai, mặt bằng kinh doanh.

Thứ sáu, kề vai sát cánh cùng nhà đầu tư. Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, hướng tới xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh, hấp dẫn là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi những nỗ lực không mệt mỏi của địa phương và cũng là cuộc đối đầu giữa những người quan tâm cải cách với những lợi ích cục bộ cản trở cải cách ./.

Thảo Ngân

Khoa NN&PL

Truongchinhtribinhthuan.vn