The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chỉ số PCI và DDCI của Hải Phòng: Nâng cấp độ mới

Ba năm liền, Hải Phòng đều nằm trong top 10 Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Từ năm 2020, Hải Phòng đã triển khai đánh giá Năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI).
Nâng cấp để cải thiện chất lượng thực thi
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, việc Hải Phòng thực hiện và công bố DDCI là sự thể hiện cam kết cao của chính quyền Thành phố trong nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư - kinh doanh.
Theo ông Tuấn, trước đây, việc đánh giá một số yếu tố, như chất lượng điều hành, thủ tục hành chính, sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp… khá chung chung, nhưng giờ đây, cách làm của Hải Phòng là dựa trên định lượng, số liệu cụ thể, để có mục tiêu cải thiện trong thời gian tới. “Đó là ý nghĩa quan trọng nhất của việc Hải Phòng bắt đầu thực hiện và công bố DDCI”, ông Tuấn khẳng định.
Trên Bảng xếp hạng PCI năm 2020, Hải Phòng đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và thăng hạng 3 bậc so với năm 2019, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Trong khối Vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng đứng thứ 2/11 địa phương. Đây là lần thứ ba, Hải Phòng lọt top 10 tỉnh, thành phố có PCI cao nhất cả nước.
Sự thay đổi mang tính tích cực được bắt đầu thực sự từ năm 2015. Kể từ đó đến nay, Hải Phòng đã nỗ lực đưa thứ hạng PCI của mình lên vị trí khá và tốt. Năm 2019, Hải Phòng có đến 8/10 chỉ số tăng điểm và năm 2020 có 6 chỉ số tăng điểm. Trong đó, có 2/6 chỉ số tăng điểm là 2 chỉ số đã bị giảm điểm trong năm 2019 (gia nhập thị trường và chi phí thời gian).
Kết quả điều tra PCI năm 2020 của Hải Phòng cũng cho thấy, các doanh nghiệp đánh giá cao bộ máy lãnh đạo năng động và quan tâm giải quyết những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp. Những chỉ số thể hiện thái độ của chính quyền với khu vực kinh tế
tư nhân tăng tích cực. Nếu năm 2015 chỉ có 26% doanh nghiệp cho biết, họ được chính quyền quan tâm, thì năm 2020, con số này là 59%. Hoạt động đối thoại với doanh nghiệp của Hải Phòng đã được ghi nhận khi có đến 80% vướng mắc của doanh nghiệp được tháo gỡ thông qua đối thoại. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thấp hơn bình quân của cả nước.
Tuy nhiên, ông Tuấn lưu ý, Hải Phòng có một số lĩnh vực cần được cải thiện hơn trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Với tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính trong lĩnh vực này khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phiền hà. Tỷ lệ này ở Hải Phòng hiện còn cao. Cứ 10 doanh nghiệp hoạt động, thì có hơn 3 đơn vị đang gặp khó khăn về thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, những thủ tục hành chính liên quan đến phòng cháy, chữa cháy, thuế, bảo hiểm xã hội, môi trường, quản lý thị trường cũng cần phải có sự cải thiện tích cực hơn.
Trong khi dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp ở những tỉnh, thành phố lớn thường rất tốt, thì ở Hải Phòng vẫn chưa mạnh và điều đáng lo ngại nhất là trong năm 2020 có xu hướng giảm. “Điều này phản ánh nhu cầu của doanh nghiệp về những dịch vụ hỗ trợ, như tìm kiếm thông tin, thị trường tư vấn kinh doanh, đào tạo, công nghệ… cần được chú trọng hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay”, ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hải Phòng lưu ý.
Để nhanh chóng cải thiện những điểm hạn chế nói trên, ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP. Hải Phòng nhấn mạnh: “Việc đánh giá DDCI là một bước đi mạnh mẽ và nỗ lực cải cách của Hải Phòng hướng tới cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh một cách toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và doanh nghiệp đang là đối tượng chịu nhiều tổn thương”.
Theo Bảng xếp hạng DDCI năm 2020 được công bố tháng 6/2021, khoảng cách giữa đơn vị đứng đầu và đứng cuối với khối sở, ngành, hay cả với khối địa phương là không quá lớn và ít đơn vị nằm ở nhóm tốt. Điều này cho thấy, chưa có sự bứt phá lớn giữa các đơn vị.
“Kết quả đánh giá DDCI của năm 2020 và các năm sau sẽ là công cụ đo lường cụ thể để lãnh đạo Thành phố có những đánh giá chính xác hơn về bộ máy của mình. Qua đó, có những điều chỉnh kịp thời trong công tác quản lý, chỉ đạo và điều hành, nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng thực thi chính sách, chất lượng giải trình của các sở, ngành, địa phương”, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng khẳng định.
PCI và DDCI là cần thiết, nhưng chưa đủ
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hải Phòng đã có một thời gian dài phát triển chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, lợi thế vô cùng lớn của mình. Một trong những nguyên nhân là Hải Phòng chưa huy động được nhiều nguồn lực từ xã hội để đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội.
Việc Hải Phòng kiên quyết cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh thông qua bộ chỉ số PCI và DDCI sẽ giúp địa phương hình thành nét văn hóa mới. Đó là coi cải cách, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh và năng lực cạnh tranh trở thành một phong trào rộng khắp, là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục của tất cả sở, ngành, địa phương.
Nhờ môi trường đầu tư - kinh doanh đang dần cải thiện tốt, giai đoạn 2015 - 2020, Hải Phòng đã huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển đạt mức cao nhất từ trước tới nay, đạt 564.000 tỷ đồng. Cơ cấu vốn đầu tư chuyển mạnh theo hướng xã hội hóa. Trong đó, vốn khu vực ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 532.150 tỷ đồng, gấp 6,14 lần so với nhiệm kỳ trước.
Tuy nhiên, cần nhìn vào thực tế rằng, quy mô kinh tế của Hải Phòng năm 2020 đã tăng gấp 3 lần so với 2010, nhưng mới chỉ chiếm 3,66% tỷ trọng GDP của cả nước. Hay số doanh nghiệp đăng ký hoạt động là hơn 17.000 doanh nghiệp, chỉ chiếm 3% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, chưa tương xứng với một trung tâm kinh tế như Hải Phòng.
Trong nhiệm kỳ trước, Hải Phòng đã lấy lại được đẳng cấp và phong độ của mình trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, song ông Cung cho rằng, những điều này là chưa đủ, vì Hải Phòng có vai trò, vị trí và chức năng riêng trong phát triển kinh tế vùng và cả nước, mà ít địa phương nào có được.
Mục tiêu cho giai đoạn 2021 - 2025 được Hải Phòng đưa ra với những con số khá cao. Trong đó, tăng trưởng GRDP của Hải Phòng đạt bình quân tối thiểu 14,5%/năm, đến năm 2025 chiếm 6,4% GDP cả nước, 23,7% GDP Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc bộ; GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 11.800 USD/người; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 đạt 145.000 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 65.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt 1,2 triệu tỷ đồng; thu hút 12,5 - 15,0 tỷ USD vốn FDI...
Yêu cầu cao như vậy đòi hỏi Hải Phòng phải có một nền tảng thực sự tốt. Và để làm được điều này, theo ông Cung, Hải Phòng không chỉ cần cải thiện các chỉ số PCI, DDCI, mà còn phải thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ khác.
Cụ thể, Hải Phòng phải mở rộng không gian phát triển, phá bỏ giới hạn địa giới hành chính, mở ra toàn vùng và toàn cầu để đón nhận cơ hội từ những xu thế thay đổi của thời đại. Trong đó, nhấn mạnh yếu tố đô thị hóa; cơ cấu lại đầu tư và bố trí lại lực lượng sản xuất; phát triển khoa học - công nghệ... Hải Phòng cũng phải tính đến việc thử nghiệm các thể chế mới của quốc gia, một thể chế vượt trội, khác biệt để mở đường cho sự đột phá và hiện thực hóa khát vọng phát triển mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khơi dậy.