Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
"Trong các năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia".
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh khi trả lời câu hỏi của báo giới về những giải pháp của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam vừa bị hạ 4 bậc xuống vị trí 60 trong Bảng xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2016 - 2017.
Bộ trưởng Dũng thông tin, trong 3 năm liền Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 (năm 2014, 2015, 2016) đề ra và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh để tham mưu, tư vấn giúp Chính phủ chỉ đạo công tác quan trọng này.
"Trên thực tế, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có nhiều cải thiện rất tích cực", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lý giải nguyên nhân khiến năng lực cạnh tranh của Việt Nam tụt 4 bậc so với năm trước, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, tuy các chỉ số của ta vẫn cải thiện hơn năm trước, nhưng tốc độ chậm hơn so với nhiều nước, nhất là chỉ số về mức độ sẵn sàng công nghệ, đổi mới sáng tạo, chất lượng kết cấu hạ tầng. Kết quả đánh giá qua các năm cũng cho thấy, Việt Nam cần phải cố gắng nỗ lực nhiều nhanh hơn nữa trong vấn đề này, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt.
" Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh", Bộ trưởng Dũng khẳng định. Theo đó sẽ tập trung thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19; khắc phục các bất cập, nâng cao chất lượng thể chế, thực hiện quyết liệt các khâu đột phá chiến lược, trong đó có hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiếp tục thực hiện nhất quán tái cơ cấu tổng thể và đồng bộ nền kinh tế, trong đó có tái cơ cấu DNNN (trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty), cơ cấu lại thị trường tài chính (trọng tâm là hệ thống NHTM và các tổ chức tài chính, xử lý hiệu quả nợ xấu…) và tái cơ cấu đầu tư (trọng tâm là đầu tư công gắn với cơ cấu lại thu chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ công); tăng cường đổi mới khu vực sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn với chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng nhanh năng suất nội bộ ngành. Phát triển mạnh khu vực tư nhân; phát huy tiềm năng thế mạnh, tăng cường hợp tác liên kết vùng, vai trò đầu tàu và tác động lan toả của các vùng kinh tế động lực.
P.L