The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chính phủ không có chỗ để bàn lùi

Mặc dù, cộng đồng DN vẫn chưa thỏa mãn với những gì đã đạt được. Nhưng với tinh thần “Chính phủ mới không có chỗ để bài lùi” những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng đã làm ấm lòng và thực sự tiếp sức cho DN.

Tổng hợp các kiến nghị từ cộng đồng DN sau 1 năm triển khai Nghị quyết 35/NQ-CP, báo cáo của VCCI tại Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2017 cho thấy, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng đã rất sát sao, đôn đốc và giữ vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy thực hiện Nghị quyết. Tuy nhiên, tình trạng “trên bảo dưới không nghe” hay thực hiện thiếu quyết liệt ở cấp dưới đang tạo sức ì khá lớn tại nhiều nơi.

p/VCCI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành một Chỉ thị thúc đẩy Nghị quyết 35, trong đó, các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cần được làm rõ trong năm.

VCCI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành một Chỉ thị thúc đẩy Nghị quyết 35,

trong đó, các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cần được làm rõ trong năm.

Nhiều cải cách đi vào cuộc sống

Theo TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI, một số bộ ngành đã khởi động nhiều chương trình lớn, quan trọng với DN: Bộ Tài chính đã triển khai rất sớm Nghị quyết, thực hiện cải cách quyết liệt trong lĩnh vực thuế, hải quan. Bộ Công an đã tích cực triển khai áp dụng visa điện tử. Bộ Công thương bãi bỏ thông tư 37 về formaldehyde với dệt máy, bỏ thủ tục dán nhãn năng lượng, bỏ quy hoạch xuất khẩu gạo... Bộ NN-PTNT đề xuất nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nông nghiệp nông thôn… Bộ Xây dựng bỏ yêu cầu xây dựng quy hoạch 1:500 đối với dự án phát triển nông nghiệp… là những ví dụ điển hình.

Về phía địa phương, một số địa phương đi đầu trong việc triển khai Nghị quyết như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Tháp… Hà Nội đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến, đưa công cụ hỗ trợ đến tận xã, phường, khu dân cư tập trung. Quảng Ninh đi đầu trong việc tổ chức lại công tác xúc tiến đầu tư và triển khai thực hiện Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện, sở, ban, ngành. Đà Nẵng đi đầu trong việc xây dựng mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo, xử lý thủ tục hành chính theo phương châm hết việc chứ không phải hết giờ. Đồng Tháp đi tiên phong trong cơ chế đối thoại, giải quyết khó khăn vướng mắc, hỗ trợ cho DN và nhà đầu tư, duy trì “cà phê doanh nhân” hàng tuần thân thiện. Hay Cần Thơ, các cấp chính quyền không họp mà dành trọn ngày thứ Hai hàng tuần để gặp gỡ, đối thoại, giải quyết khó khăn cho DN…

Những thực tiễn tốt nói trên đang được lan tỏa đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh. Kết quả khảo sát nhanh của VCCI vào cuối năm 2016 đầu năm 2017 cho thấy có 75% DN đánh giá tác động của các nhóm nhiệm vụ giải pháp được đưa ra trong nghị quyết 35 là “tích cực”.

Yêu cầu cấp thiết giảm chi phí kinh doanh

Tuy nhiên, khảo sát của VCCI cho thấy, cộng đồng DN vẫn chưa thể thỏa mãn với những gì đã đạt được. Các DN vẫn đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các DN trong nền kinh tế đã giảm từ 6,6% năm 2012 xuống còn 3,2% năm 2015.

Trong các tháng đầu năm 2017, số lượng DN thành lập mới tuy có tăng nhưng số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể cũng bằng một nửa số lượng DN thành lập mới. Nguyên nhân chính vẫn là do môi trường kinh doanh vẫn còn vô vàn khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết, tháo gỡ.

Rõ ràng, những kết quả đã đạt được mới chỉ là bước đầu và còn quá nhỏ so với những bất cập đang còn tồn tại, đã tích tụ từ nhiều năm. Theo Báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nwớc trong khu vực như Singgapore hay Malayxia. Đặc biệt là chi phí tiếp cận điện năng của Việt Nam cao gấp gần 49 lần so với Philippin. Chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4, cao hơn 2 lần so với Singgapore. Tương tự như vậy, chi phí tuân thủ chứng từ xuất khẩu cũng gấp gần 4 lần so với Singapore và hơn 3 lần so với Philippin...

Đáng lưu ý hơn cả, chi phí không chính thức, theo kết quả nghiên cứu của Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI/2016 của VCCI, 66% trong số 11.000 DN được hỏi xác nhận họ phải trả loại phí này. Tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN vẫn phổ biến ở nhiều nơi.

Chính vì vậy, các DN cho rằng, giảm chi phí kinh doanh đang là yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, giảm chi phí không phải là tất cả. Gần đây, khi nói đến Chính phủ kiến tạo, chúng ta hay nói nhiều đến hỗ trợ, đến ưu đãi… Qua đợt góp ý kiến xây dựng Luật Hỗ trợ DNNVV vừa qua cho thấy, cái cần nhất với DN không phải là hỗ trợ, nhất là hỗ trợ về tài chính, nếu có thì hỗ trợ nên theo hướng giúp DN nâng cao năng lực về quản trị chứ không hỗ trợ trực tiếp. Hỗ trợ không nên bằng cách can thiệp hành chính vào thị trường và DN.

Cần chế tài thực thi

Các DN cần nhất là một hệ thống pháp luật về kinh doanh minh bạch và công bằng. Trong thời gian qua, việc thực hiện chủ trương không hình sự hóa đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, DN vẫn nơm nớp nỗi lo việc thực hiện chính sách thiếu nhất quán “sớm nắng chiều mưa” như câu chuyện Bộ Tài chính định tăng thuế môi trường từ 3.000 – 8.000 đồng/lít. Rồi câu chuyện hồi tố của Thông tư 130/2016 về tính thuế tiêu thụ đặc biệt xe ô tô nhập khẩu. Điều kiện kinh doanh mũ bảo hiểm trong Nghị định 87/2016 yêu cầu cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm phải có đầy đủ Thiết bị ép (đúc/đùn) và khuôn mẫu phù hợp…

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, với cơ chế phân định quyền hạn và trách nhiệm thiếu rõ ràng hiện nay, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “trên bảo, dưới không nghe” vẫn còn phổ biến ở nhiều lúc, nhiều nơi. Bài học thực tế thời gian qua cho thấy, cải cách hành chính, cải cách thể chế sẽ không thể đạt được tiến bộ, nếu không cân đong đo đếm được và lượng hóa, có cơ chế quy trách nhiệm trong việc thực hiện tới từng cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Để khắc phục việc này, VCCI kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành một Chỉ thị thúc đẩy Nghị quyết 35. Trong đó, các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể cần được làm rõ trong năm, đồng thời nêu rõ thời hạn chót cần thực hiện, quy định rõ trách nhiệm của các ngành các cấp trong khâu thực hiện và có chế tài để bảo đảm thực thi.