The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chính quyền phục vụ

Cam kết phục vụ cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã được chính quyền xác lập bằng những kế hoạch hành động cụ thể. Nhưng liệu những nỗ lực ấy có thể mang đến sự thịnh vượng, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư… vẫn là câu chuyện đang được luận bàn.

Cuộc đua đường trường

Chỉ số PCI năm 2015 ghi nhận về sự thăng hạng vượt bậc của Quảng Nam (xếp thứ 8/63 tỉnh, thành và thứ 2 vùng duyên hải miền Trung). Đây là kết quả, nỗ lực hiện thực hóa các nghị quyết, quy định, chỉ thị hay các “sáng kiến” cải thiện môi trường đầu tư. Song, thứ hạng ấy chưa làm thỏa mãn khi vẫn còn đến 4 chỉ số (gia nhập thị trường, cạnh tranh bình đẳng, hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý) giảm điểm. Điều này cho thấy sự vận hành các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn còn nằm trong giai đoạn thử nghiệm. Sau những hội nghị phân tích PCI, thông qua những cuộc tiếp doanh nghiệp định kỳ, cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp vẫn trong quá trình tiếp diễn. Và mới đây, 3 cuộc “cà phê doanh nhân” chuyên đề về dệt may, da giày, chăn nuôi và vật liệu xây dựng, dù chưa biết các kiến nghị về chính sách ưu đãi, cạnh tranh lành mạnh hay những ách tắc về thủ tục vận chuyển gia súc… đã được giải quyết hay chưa, nhưng chính quyền đã thức nhận cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI là một cuộc chạy đua đường trường.

Dự kiến vào tháng 3.2017, tại Quảng Nam sẽ diễn ra hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch biển miền Trung. Diễn đàn này sẽ kết nối quan hệ hợp tác, phát triển với sự tham dự của 450 chuyên gia quốc tế, nhà đầu tư tài chính, doanh nghiệp. Đây sẽ là cơ hội để Quảng Nam giới thiệu chủ trương cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút các dự án đầu tư vào Quảng Nam bằng những dự án tạo giá trị gia tăng, những ngành có giá trị cao hơn, chấm dứt tình trạng thu hút theo số lượng.

Ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng doanh nghiệp giờ có quá nhiều kênh thông tin để tương tác với chính quyền và cơ quan quản lý. Hiện, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động, phấn đấu từ năm 2016 luôn đứng trong nhóm có chỉ số tốt (đạt từ 60 điểm trở lên), luôn lọt vào tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số PCI cao nhất nước. Chính quyền xác định những chính sách không thể thời vụ mà xuyên suốt trong cả quá trình phát triển. Những kiến nghị của doanh nghiệp không được giải quyết dứt điểm thì tất cả sáng kiến cải thiện cũng sẽ chỉ mang tính hình thức, lấy điểm nhất thời. Vì vậy, không ít những tồn tại, khó khăn từ doanh nghiệp đã được mổ xẻ, phân tích để cải thiện trong sự kết hợp thống nhất, kịp thời giữa các cơ quan công quyền trên tinh thần phục vụ. Không chỉ thành lập Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh chính thức vận hành từ ngày 1.1.2017 để cắt giảm 30% thời gian thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà khá nhiều chương trình cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, kết nối giao thương hay cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà đầu tư đã được mở. Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh, hàng loạt cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp bằng việc đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trực tiếp giải quyết cho doanh nghiệp đã được thực hiện. Hiện 99% hồ sơ ở cấp xã và 97% hồ sơ cấp huyện đã được giải quyết đúng thời hạn. Hơn 60 đầu việc của UBND tỉnh giao cụ thể cho các ngành, địa phương để làm cơ sở triển khai, theo dõi kiểm tra giám sát cải thiện môi trường đầu tư đang trên tiến trình hoàn tất đúng hạn và hanh thông.

Chờ hiệu lực cải thiện

Doanh nghiệp nhận định, quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp được xem như cánh cửa mở để xác lập niềm tin và tái khởi động tinh thần khởi nghiệp. Song, doanh nghiệp cũng cho rằng các chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần có hệ thống đánh giá, theo dõi giám sát kết quả thực thi. Cần có cuộc điều tra cụ thể của tổ chức độc lập đối với doanh nghiệp và người dân để đánh giá một cách khách quan, trung thực những kết quả của cải cách.

Cải thiện môi trường đầu tư là câu chuyện dài, một cuộc đua đường trường không dễ dàng cho bất cứ địa phương nào khi tất cả tỉnh, thành khác đều bước vào cuộc cạnh tranh. Cái đích cuối cùng của việc cải thiện này chắc chắn không nằm ngoài mục đích thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư bên ngoài từ doanh nghiệp và các dự án. Liệu những cải cách này có thể tạo thêm sự hấp dẫn đầu tư hay không? Hiện tại các cơ quan quản lý, xúc tiến đầu tư vẫn chưa thể đưa ra những dự báo lạc quan về viễn cảnh thu hút đầu tư trong tương lai. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng trong khi chờ đợi dấu hiệu khả quan của nền kinh tế, một trong những ưu tiên hàng đầu của Quảng Nam là nâng cao hiệu quả các dự án còn hiệu lực, cải cách thể chế chính sách kinh tế và thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động xúc tiến, thu hút, triển khai các dự án đầu tư, tạo một hành lang pháp lý cho nhà đầu tư yên tâm đầu tư và mở rộng dự án.

Một Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh hay các cải cách của một chính quyền “phục vụ” vẫn đang tiếp tục thực hiện, phải đợi đến kết quả khảo sát PCI năm 2016 và kết quả thu hút đầu tư mới biết được công cuộc cải thiện môi trường đầu tư có thành công hay không. Tuy nhiên, một vấn đề cũng cần đặt ra là đã có ai mở những cuộc khảo sát, tham vấn ý kiến từ doanh nghiệp cần gì hoặc mở một nghiên cứu độc lập về cái giá phải trả để mời gọi một dự án đầu tư là đắt hay rẻ so với lợi ích thực mà dân địa phương được hưởng lợi từ dự án? Không thực hiện được điều này, việc cải thiện môi trường đầu tư sẽ khó khăn.

Ông Võ Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư Quảng Nam: “Tiếp tục làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp”

P.V: Thưa ông, hiện kết quả thu hút đầu tư vẫn chưa như mong muốn. Có phải do các dự án mời gọi chưa hấp dẫn hay môi trường đầu tư chưa tốt?

* Những dự án Quảng Nam đưa ra mời gọi đầu tư đều phù hợp với định hướng phát triển và hấp dẫn nên nhiều nhà đầu tư đã nghiên cứu. Tuy nhiên, do dự án lớn nên nhà đầu tư nghiên cứu kỹ, cần nhiều thời gian, thậm chí còn đề xuất nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cao hơn mức bình thường thì mới bảo đảm điều kiện cần và đủ để triển khai dự án. Có thể thực tế, quy hoạch ngành, lĩnh vực chưa thật sự cụ thể. Trong quy hoạch có, nhưng chọn địa điểm trên thực tế lại chồng lấn với quy hoạch khác hoặc không bảo đảm giao thông để triển khai dự án. Một vấn đề khác là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khá cao làm cho nhà đầu tư cân nhắc khi lựa chọn địa điểm đầu tư.

P.V: Dự báo thu hút đầu tư và “chìa khóa” để khai thông?

* Sẽ khá hơn do có nhiều nhà đầu tư đang nghiên cứu, khảo sát danh mục cũ và nhiều nhà đầu tư khác đã đến tìm hiểu, xúc tiến vào Quảng Nam. Trong điều kiện cơ chế ưu đãi đầu tư gần như ngang nhau giữa các địa phương thì một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến quyết định chọn địa điểm đầu tư là thái độ, cách hành xử đối với các nhà đầu tư. Quảng Nam đã ban hành nhiều kế hoạch hành động cụ thể cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư. Thực hiện đồng bộ các kế hoạch này cùng với việc đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ nhà đầu tư, đẩy mạnh bồi thường, giải phóng, tạo ra mặt bằng sạch… sẽ góp phần quan trọng cho việc thu hút đầu tư.

Để thu hút đầu tư hiệu quả, Quảng Nam xác định thế mạnh, đối tác chiến lược, nhà đầu tư tiềm năng, chủ động củng cố và thiết lập mối quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện kinh tế và ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài, thông qua các tham tán đầu tư; kết nối với các cơ quan chuyên trách xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam và các công ty tư vấn trong và ngoài nước để phối hợp quảng bá và xúc tiến đầu tư vào Quảng Nam; hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục để nhà đầu tư sớm triển khai dự án; đồng thời chú trọng công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để nhà đầu tư tái đầu tư trên địa bàn tỉnh... Ngoài ra, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ, tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đang thực hiện dự án tại Quảng Nam mở rộng đầu tư, tăng công suất, đổi mới công nghệ..., làm tiền đề để họ tự tin giới thiệu các nhà đầu tư mới vào Quảng Nam. Nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và lựa chọn đối tác cụ thể để trực tiếp đến trụ sở chính của nhà đầu tư để giới thiệu dự án và mời gọi đầu tư. Các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tổ chức các chương trình, hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp theo lĩnh vực và chuyên đề để lãnh đạo các cấp lắng nghe, từ đó sẽ có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phù hợp. Tiếp tục làm cầu nối hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin cần mua, bán, cơ hội giao thương để giúp doanh nghiệp tìm đầu ra sản phẩm…

TRỊNH DŨNG

Báo Quảng Nam