The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chính sách tạo động lực phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thống kê của Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong 5 năm qua (2011-2015) cả nước đã có thêm 380.000 DN nhỏ và vừa được thành lập, vượt 30.000 DN so với mục tiêu đã đề ra cho cả giai đoạn.

Như vậy, tính đến nay, cả nước đang có 535.000 DN nhỏ và vừa hoạt động, chiếm 98% tổng số DN đang hoạt động. Một kết quả đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo báo cáo tổng kết kế hoạch phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2011-2015 và kế hoạch giai đoạn 2016-2020 mới đây: khối DN nhỏ và vừa đóng góp khoảng 45% GDP, 31% tổng số thu ngân sách và chiếm khoảng 35% vốn đầu tư của cả cộng động DN, tạo việc làm cho hơn 5 triệu người.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, kết quả này vẫn chưa xứng với tiềm năng. Cục Phát triển Doanh nghiệp đã tổng hợp và nêu ra một loạt nguyên nhân “ngăn cản” sự phát triển, lớn lên của DN nhỏ và vừa: bên cạnh hạn chế về vốn và kinh nghiệm, các DN nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin; nguồn lực để “hấp thụ” chính sách hỗ trợ còn yếu; tình hình đầu tư phát triển không ổn định. Ngoài ra, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành đối với DN nhỏ và vừa còn chưa hiệu quả, chưa thực sự quan tâm và chủ động dành nguồn lực hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển; tiến độ triển khai các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa còn chậm; nhiều chương trình hỗ trợ tập trung theo chiều rộng mà chưa hướng vào chiều sâu…

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban pháp chế VCCI nhận xét: “DN nhỏ và vừa ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế nhưng “sức khỏe” lại ngày càng yếu đi”. Bằng chứng là, trong năm 2014 VCCI đã tiến hành cuộc khảo sát từ 8.000-10.000 DN nhỏ và vừa, kết quả thu được là, đa phần DN nhỏ và vừa gặp khó khăn về tài chính. Cụ thể, nếu 76% DN lớn của Việt Nam vay vốn được từ ngân hàng thì tỉ lệ này dành cho DN vừa là 72%, DN nhỏ 60% và DN siêu nhỏ chỉ ở mức 38%.

Không chỉ khó tiếp cận vốn, DN nhỏ và vừa còn phải chi trả các loại phí không chính thức lên đến 10% doanh thu trung bình một năm. Trong khi đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đuợc hưởng ưu đãi đầu tư nhưng DN trong nước lại được hưởng rất ít. Mặc dù đã có chính sách song năng lực yếu nên DN cũng không tiếp cận được các chính sách. Bên cạnh qui định chung, bản thân các DN còn phải chịu áp lực từ sự phân biệt của cơ quan địa phương, nơi họ hoạt động. Với qui mô nhỏ, DN tư nhân khó nhận được sự chú ý của các cơ chế ưu ái của địa phương. Do đó, khi đánh giá thái độ của chính quyền địa phương đối với khu vực tư nhân thì chỉ có 36% DN siêu nhỏ có sự hài lòng.

Từ thực tế này, có thể thấy mục tiêu phát triển DN nhỏ và vừa giai đoạn 2016-2020 được đặt ra là khá tham vọng. Theo Cục Phát triển DN, sẽ có khoảng 450.000 DN nhỏ và vừa thành lập mới, đưa tổng số DN nhỏ vừa hoạt động vào cuối năm 2020 lên tới 750.000 DN. Tỉ trọng đầu tư của DN nhỏ và vừa trong khối DN là 50%; tỉ lệ lao động làm việc trong các DN nhỏ và vửa trong cộng đồng DN là 50%; tỉ lệ đóng góp của DN nhỏ và vừa trong ngân sách nhà nước là 35%.

Tuy nhiên, cơ sở đưa ra những tính toán này là thời gian qua, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng, ban hành nhiều chính sách cở mở, thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển, trong đó có các DN nhỏ và vừa. Đơn cử, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được Chính phủ cho phép thành lập Quỹ Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Theo đó, với nhiệm vụ quản lí và sử dụng 2.000 tỉ đồng vốn do ngân sách nhà nước cấp, cùng với việc tiếp nhận các nguồn vốn trong và ngoài nước khác theo quy định, Quỹ sẽ cho vay đối với DN nhỏ và vừa theo phương thức ủy thác cho ngân hàng. Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh tối đa bằng 70% tổng mức đầu tư của từng dự án, phương án (nhưng không quá 30 tỉ đồng).

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vưa cũng đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, gấp rút hoàn thiện để kịp trình Chính phủ vào tháng 7/2016 và Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại kì họp thứ 2 vào tháng 10/2016. Nhằm mục tiêu hoàn thiện khung pháp lí cho việc tập trung các nguồn lực hỗ trợ DN nhỏ và vừa phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế, những quy định của Luật sẽ thay thế cho Nghị định 59/2009/NĐ-CP của Chính phủ về trợ giúp phát triển DN nhỏ và vừa.

Theo ông Hoàng Văn Sơn – Trưởng văn phòng Luật VNC, cho rằng, vấn đề cải cách thủ tục hành chính cần được ưu tiên hàng đầu. Vì Luật hiện hành có rất nhiều quy định phức tạp đối với DN nhỏ và vừa. Chẳng hạn như, DN nhỏ và vừa cần có bộ hồ sơ về kế toán đơn giản hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tham gia đấu thầu các dự án đầu tư, vay vốn ở các tổ chức tín dụng. Nếu vẫn đối xử với DN nhỏ và vừa như các thành phần kinh tế khác thì với tầm vóc của mình các DN nhỏ và vừa khó thích ứng./.

Trần Trọng Triết

Doanh nghiệp Đầu tư