The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chủ tịch Phòng Thương mại - công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc: Không thể chèo thuyền thúng ra biển lớn

Là người đã cùng các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chọn 13/10 hàng năm là ngày doanh nhân Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc là người đầu tiên đưa ra thông điệp “Doanh nhân - người lính thời bình”để tôn vinh các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Cùng với một số đại biểu quốc hội khóa XIII, ông Lộc đã vận động thành công để doanh nghiệp, doanh nhân lần đầu tiên trong lịch sử được hiến định tại Hiến pháp 2013 cùng các giai tầng khác như công nhân, nông dân, trí thức. Ông Lộc nói, tất cả những nỗ lực đều nhằm mục đích giúp đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, để họ không phải chèo thuyền thúng ra khơi trên biển lớn.
Ông là người có nhiều nỗ lực trong nhiều năm trong việc đấu tranh để vai trò doanh nhân được khẳng định và thừa nhận. Hiện tại, ông thấy họ đã được thừa nhận một cách xứng đáng chưa?
Trước hết, vai trò và vị trí của doanh nhân trong công cuộc kiến quốc đã được xác định từ mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bác Hồ đã gửi thư cho giới công thương, khẳng định giới công thương phải có trách nhiệm xây dựng một nền kinh tế vững vàng và thịnh vượng. Bác khẳng định: “Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Nhưng rất tiếc, sau đó, vì nhiều lý do, giới doanh nhân không có điều kiện lớn mạnh. Có thời kỳ, thậm chí, họ bị miệt thị và phân biệt đối xử với những danh xưng “con phe, con buôn”, hoặc là đối tượng bị cải tạo trong các cuộc cải tạo công – thương nghiệp. Rất may, từ khi đổi mới 1986 diễn ra, khi Việt Nam chấp nhận cơ chế kinh tế thị trường, vai trò của doanh nghiệp – doanh nhân đã được khẳng định lại. Cách đây 10 năm, ngày Doanh nhân được ấn định, có Luật Doanh nghiệp. Vừa qua, Quốc hội cũng lần đầu tiên hiến định trong Hiến pháp vai trò của doanh nhân. Hiện tại, doanh nhân được xem là lực tượng tiên phong trong quá trình đất nước phát triển và hội nhập.
Tôi nghĩ, đã có một chặng đường dài để vai trò doanh nhân được khẳng định. Về cá nhân, tôi đã hài lòng với hành trình để doanh nhân được trả lại đúng vị trí của mình
Ông nhìn nhận như thế nào về ưu và khuyết điểm chính của giới doanh nhân Việt Nam?
Việt Nam là một trong số các quốc gia có tốc độ phát triển doanh nghiệp thuộc loại cao của thế giới. Trong suốt những năm qua, có gần 800 ngàn doanh nghiệp tư nhân được thành lập theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện chỉ còn 500 ngàn doanh nghiệp. Và trong số nửa triệu doanh nghiệp ấy, có rất ít những doanh nghiệp lớn.
Cần chú ý là Việt Nam chưa có được thế hệ các nhà công nghiệp, chưa có những thương hiệu có sức mạnh để cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác toàn cầu. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là những doanh nghiệp siêu nhỏ, chiếm 99%.
Ngoài ra, chúng ta cũng chưa có một số lượng đủ lớn các doanh nghiệp cỡ vừa. Doanh nghiệp lớn đã thiếu, nhưng doanh nghiệp cỡ vừa cũng rất ít ỏi. Chính sách phải được thiết kế đủ mạnh để doanh nghiệp từ nhỏ lên vừa, từ vừa lên lớn. Tránh tình trạng khi hội nhập sâu, doanh nhân phải chèo thuyền thúng ra khơi trên biển lớn.
Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được công bố hàng năm gần như đã trở thành “sách trắng” về môi trường kinh doanh Việt Nam. Tuy vậy, nghiên cứu uy tín này đôi khi vẫn vấp phải những phản ứng từ các chính quyền địa phương. Ý kiến ông ra sao?
Trước hết, ý kiến khác nhau của các địa phương hay các đối tượng nghiên cứu về kết quả điều tra là chuyện bình thường. Chúng tôi chưa bao giờ mong 100% các địa phương đồng ý hoàn toàn với các chỉ số PCI hàng năm mà bộ phận nghiên cứu của VCCI đưa ra. Có đồng ý, có phản đối, thế mới là điều tra xã hội học.
Tuy nhiên, quan trọng vẫn là ý kiến của số đông. Đa phần chính quyền tỉnh, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang tích cực sử dụng PCI. Điều quan trọng nghiên cứu PCI của VCCI đã xuất từ trải nghiệm khách quan của các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Chúng tôi muốn có một thước đo độc lập đánh giá chất lượng điều hành cấp tỉnh trên cơ sở tập hợp và phân tích ý kiến của khu vực này, đo xem sự hài lòng và đánh giá của họ đối với các chính quyền địa phương ra sao.
Vì sao VCCI chọn khu vực tư nhân làm điểm nghiên cứu chính để phản ánh chất lượng điều hành của chính quyền, mà không phải là các khu vực khác?
Tiếng nói của khu vực này rất quan trọng, có tính quyết định đến sự phát triển kinh tế đất nước. Bởi cần hiểu, mọi nền kinh tế quốc gia có mạnh hay không, phát triển bền vững hay không sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân rất nhiều. Khu vực doanh nghiệp nhà nước sẽ thu hẹp, chỉ còn giữ lại trong các lĩnh vực then chốt, các lĩnh vực dịch vụ công quan trọng hay quốc phòng – an ninh… còn tất cả đều thuộc về khu vực tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài. Vì thế, chúng tôi muốn có tiếng nói từ khu vực này, chúng tôi coi đó là thước đo quan trọng về chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền. Trải nghiệm của các doanh nghiệp dân doanh quy mô vừa và nhỏ cũng rất quan trọng, chính họ là người trải qua nhiều các thủ tục hành chính các cấp, và đa phần không được ưu ái như các doanh nghiệp quy mô lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Về khía cạnh kỹ thuật nữa là đầu tư nước ngoài chỉ tập trung trung vào khoảng hơn 10 tỉnh thành phố của Việt Nam mà thôi, trong khi PCI đánh giá toàn bộ 63 tỉnh, thành phố.
Vẫn có những ý kiến đáng chú ý về cách đánh giá của VCCI, chẳng hạn, với một địa phương phát triển công nghiệp và thu hút vốn FDI từ lâu, các khu công nghiệp đã gần đầy, thì hiển nhiên, các điều kiện và mong muốn thu hút vốn sẽ khác với các địa bàn khó khăn. Đã khó khăn thì buộc phải dễ dãi trong các thủ tục. Việc xếp những tỉnh, thành này cùng một nhóm để điều tra có hợp lý không? VCCI có muốn cải tiến gì thêm với PCI? PCI chỉ là thước đo đánh giá về chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền, đây chỉ là một yếu tố trong nhiều yếu tố mà nhà đầu tư cân nhắc khi quyết định đầu tư. Trong bảng xếp hạng PCI chúng tôi loại trừ ra những khác biệt về vị trí địa lý, sự phát triển của cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, quy mô thị trường… của các tỉnh những yếu tố vốn ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư của các nhà đầu tư. Thông điệp của chúng tôi là nếu cải thiện chất lượng điều hành tốt hơn nữa thì các địa phương vốn có những thuận lợi về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng… còn có thể thu hút nhiều nguồn vốn hơn nữa, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư có chất lượng cao.
PCI là một tập hợp tiếng nói của các doanh nghiệp dân doanh trên địa bàn một địa phương, phản ánh kỳ vọng của họ, mong muốn của họ để chính quyền tham khảo. Nhiều năm liền theo quan saát của chúng tôi thì những địa phương đứng đầu bảng xếp hạng không nhất thiết là những địa phương dễ dãi, lỏng lẻo trong thực hiện quy định hay có chính sách phá rào. Đây là những địa phương mà các doanh nghiệp dân doanh hài lòng từ trải nghiệm qua hoạt động của họ ở đây.
Chúng tôi mong rằng với những địa phương như Đồng Nai, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài hài lòng mà cả hệ thống các doanh nghiệp dân doanh quy mô vừa và nhỏ cũng đều hài lòng về chất lượng dịch vụ hành chính của chính quyền ở đây. Đây mới là yếu tố bền vững nhất.
Dĩ nhiên là bản thân bộ chỉ số PCI cần phải tiếp tục được hoàn thiện hơn, về hệ thống chỉ tiêu, về phương pháp đánh giá … Chúng tôi muốn xây dựng để PCI trở thành thước đo, chuẩn mực nhằm thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh của các tỉnh.
Trong cuộc phỏng vấn công bố chỉ số PCI năm 2013 vào đầu năm nay, ông nói, cải cách vẫn chưa làm được gì nhiều với vấn đề “xương xẩu” nhất. Vậy, chúng ta cần làm gì?
Đó là về thể chế. Phải nói là trong quá trình cải cách, có một số vấn đề liên quan đến các thiết chế cơ bản vẫn chưa được cải thiện nhiều. Ví dụ: quản lý sử dụng đất đai; cải cách hành chính, thiết chế pháp lý… Tất cả những điều đó cần có thời gian. Cũng như ở giới doanh nghiệp, yêu cầu cải tiến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng, nâng cao năng lực của doanh nghiệp tư nhân… cũng cần có thời gian. Do đó, với những vấn đề quan trọng của thể chế, cần có thời gian.
Tuy vậy, có nhiều doanh nghiệp tư nhân thờ ơ với hoạt động nhà nước, hội thảo, hiệp hội… Ông nghĩ thế nào về điều này? Phải làm sao để các hiệp hội thực sự hiệu quả, chứ không phải chỉ là nơi để doanh nhân “vui vẻ” với nhau mỗi năm vài lần cho “có tụ”?
Đúng là phải khẳng định, có một bộ phận doanh nghiệp tư nhân tích cực tham gia các cuộc khảo sát, đối thoại hay xây dựng chính sách bằng tất cả tâm huyết. Trong những năm qua, có gần 9 ngàn doanh nghiệp tư nhân tham gia các khảo sát của PCI hàng năm.
Tuy nhiên, vẫn còn 1 bộ phận thờ ơ. Có hai lý do, một là, ý kiến của họ có thực sự được lắng nghe không? Không phải lúc nào Chính phủ hay các chính quyền địa phương đều có sự lắng nghe nghiêm túc, thực sự hoặc đồng hành một cách thực lòng với họ. Thứ 2, là các doanh nghiệp có ý thức được trách nhiệm và sự đóng góp của mình trong việc hình thành một môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh và có tính cạnh tranh cao hay không? Trách nhiệm xây dựng một môi trường như thế, không phải thỉ thuộc về các cơ quan nhà nước. Nếu họ thờ ơ, thì cơ quan chính quyền cũng chẳng có động lực để cải thiện. Chúng ta cần sự tham gia thực sự từ hai phía.
Ông có góp ý gì cho môi trường kinh doanh của Đồng Nai?
Thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của các hiệp hội đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp là điều cần thiết. Các hiệp hội sẽ giữ vai trò cầu nối, phát đi các ý kiến, thông điệp của giới doanh nhân đến chính quyền, và ở nhiều trường hợp, họ có vai trò tham mưu trong cải thiện mỗi trường kinh doanh trong tỉnh. Về cá nhân, tôi rất mong Đồng Nai và một vài tỉnh công nghiệp khác, sẽ trở thành cái nôi nuôi dưỡng một thế hệ các nhà công nghiệp tầm cỡ của Việt Nam.
.....
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông Vũ Tiến Lộc đã có những hoạt động có tác động lớn tới sự phát triển doanh nghiệp và môi trường đầu tư của Việt Nam. Là một tiến sỹ kinh tế kiêm chính khách, ông đã trực tiếp chủ trì và chỉ đạo thực hiện các chương trình phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, xây dựng hệ thống hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức của giới chủ ở Việt Nam. Ông đã chỉ đạo nghiên cứu và công bố xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tạo động lực cho quá trình cải cách, nâng cao năng lực điều hành kinh tế tại các địa phương.