The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chủ tịch tỉnh cà phê và trò chuyện với doanh nhân

Với những quyết sách tích cực và dồn dập từ Chính phủ, nhiều lãnh đạo tỉnh đã thực sự thấy được vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển của tỉnh, thấy được sự cần thiết phải “gắn bó” với doanh nghiệp để họ cởi mở góp tiếng nói, hiến kế nhằm góp sức cùng sự phát triển của tỉnh.

Vai trò của lãnh đạo tỉnh và động lực của doanh nghiệp

Với sự tiên phong của lãnh đạo tỉnh, chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp đang ngày càng lan tỏa và triển khai thực hiện tốt trong toàn hệ thống.

Mới đây, tỉnh An Giang đã có chương trình chia sẻ với doanh nhân ở quán cà phê. Theo lãnh đạo tỉnh, bằng cách ngồi cà phê nhẹ nhàng, tâm tình gần gũi, doanh nghiệp có thể thoải mái trao đổi với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành về những vướng mắc trong kinh doanh, trong giải quyết thủ tục hành chính, trong mối quan hệ giữa các đơn vị với nhau. Đồng thời, hiến kế cho tỉnh những giải pháp thu hút đầu tư, cải thiện chỉ số PCI… để doanh nghiệp yên tâm đến với An Giang, mở rộng sản xuất – kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ông Lê Văn Nưng cho biết, việc duy trì mô hình này là rất cần thiết bởi có những vấn đề doanh nghiệp muốn bày tỏ, có những sáng kiến hay muốn hiến kế cho tỉnh nhưng gửi văn bản hay điện thoại thì không tiện, ngồi cà phê sẽ dễ trao đổi hơn. Doanh nghiệp đến đây không nhất thiết phải phản ánh khó khăn, vướng mắc mà chỉ cần gặp gỡ để góp ý, hiến kế cho tỉnh. Doanh nghiệp trong tỉnh có thể mời thêm doanh nghiệp ngoài tỉnh đến gặp lãnh đạo tỉnh, xây dựng ý kiến giúp tỉnh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính theo hướng thuận lợi, hiệu quả…

Khi thông tin hai chiều giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp địa phương được thông suốt thì nhũng nhiễu, phiền hà… sẽ được giảm đến mức thấp nhất. Như vậy, vai trò của người lãnh đạo được ví như phần đầu của một con tàu. Chính động lực từ đầu tàu này sẽ trở thành động lực kéo cả guồng máy thẳng tiến về đích, cùng đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp hướng đến những mục tiêu phát triển.

Không chỉ tỉnh An Giang thực hiện cách thức này, trước đó, tại Đồng Tháp, sáng nào Chủ tịch và các Phó chủ tịch cũng đến đây trực tiếp nghe và giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp. Quán cà phê này ra đời từ ý tưởng của ông Nguyễn Văn Dương (chủ tịch UBND tỉnh), nên các doanh nghiệp gọi vui đây là quán cà phê chủ tịch. Đã có rất nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã được tháo gỡ ngay tại quán này.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An ngày hôm qua (15/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc phát triển doanh nghiệp, giải quyết việc làm mới sẽ là tiêu chí chủ chốt để đánh giá thành tích chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh thời gian tới.

Thủ tướng cũng yêu cầu Nghệ An cam kết cùng Chính phủ xây dựng hệ thống chính sách minh bạch, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bảo đảm quyền tài sản của nhân dân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự. Tất cả phải hướng đến hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp yên tâm bỏ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh.

Khi Thủ tướng nhấn mạnh như vậy, có thể hiểu được tầm quan trọng của mối quan hệ gắn bó giữa doanh nghiệp và lãnh đạo các tỉnh.

Đồng thời, cũng tại buổi gặp mặt này, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới tính liên kết giữa các tỉnh với nhau. Thủ tướng nêu rõ, Nghệ An cần đẩy mạnh tính liên kết với các tỉnh lân cận để xứng đáng là trung tâm của Bắc Miền Trung. Tỉnh cũng cần đề xuất cơ chế điều phối phát triển vùng.

Nhiều trợ lực cho doanh nghiệp

Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 7 tháng qua, cả nước có 64.122 doanh nghiệp được thành lập mới và 16.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 23,3% về lượng và 54,7% về vốn so với cùng kỳ năm trước. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng qua là 1 tỷ 391 nghìn 880 tỷ đồng, tỷ trọng vốn/doanh nghiệp đạt 7,7 tỷ đồng.

Tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 6.422 doanh nghiệp và có 36.005 số doanh nghiệp gặp khó khăn và tạm ngừng hoạt động.

Mặc dù số doanh nghiệp giải thể, khó khăn và tạm ngừng hoạt động vẫn còn gia tăng, nhưng nếu tính trong tháng 7, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 16.706 doanh nghiệp, tăng 67,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số hết sức khích lệ, cho thấy niềm tin của cộng đồng vào môi trường kinh doanh tiếp tục được củng cố.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã ban hành kịp thời nhiều chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trụ vững qua sóng gió và có những bước phát triển nhất định. Cụ thể: Đầu năm 2016, Quốc hội đã tiếp tục ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế quy định giảm tiền chậm nộp thuế xuống từ 0,05%/ngày còn 0,03%/ngày từ 1/7/2016; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 tập trung vào khuyến khích và bảo hộ sản xuất trong nước hợp lý; bổ sung một số nội dung quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ. Tháng 5 vừa qua, Nghị quyết số 35/NQ-CP được Chính phủ ban hành cũng đề ra nhiều chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian qua, nhiều giải pháp tài chính nhằm khuyến khích phát triển sản xuất – kinh doanh, thu hút đầu tư đã được triển khai và đang phát huy tác dụng, góp phần hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, đã có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất – kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp giảm hàng tồn kho, tiếp cận thị trường thông qua các chính sách xúc tiến thương mại với 3 mục tiêu chính là xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu, xúc tiến thương mại thị trường trong nước và xúc tiến thương mại miền núi, biên giới, hải đảo…

Những kết quả bước đầu của năm 2016 cho thấy, các chính sách tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, trong đó có chính sách tài chính, đã có hiệu quả. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh tiếp tục được củng cố.

Chúng ta tin rằng, cùng với những trợ lực đáng kể từ Chính phủ, với sự đồng lòng chia sẻ và sát cánh giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp đã và đang làm cho môi trường sản xuất kinh doanh của mỗi tỉnh sẽ ngày càng thuận lợi hơn; doanh nghiệp sẽ ngày càng phát triển tốt hơn để vững bước tiến lên đưa đất nước ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng hơn.

Linh Nga

Enternews