The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Thành công của nhà đầu tư là thành công của Khánh Hòa

Nói về chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ DN cũng như những giải pháp của tỉnh Khánh Hòa trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định: “Khánh Hòa luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh, luôn đồng hành, tham gia định hướng, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực cho nhà đầu tư”.

Đề cập đến những lợi thế và tiềm năng của tỉnh Khánh Hòa trong thu hút đầu tư, ông Lê Đức Vinh – Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Khánh Hòa là tỉnh có vị trí chiến lược trong giao thương kinh tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và thu hút vốn đầu tư, chất xám, nguồn nhân lực; do có vị trí trung tâm các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ; đường biển của Khánh Hòa – Việt Nam gần với tuyến hàng hải quốc tế nên thuận lợi cho phát triển cảng biển, vận chuyển hàng hóa và du lịch đường thủy.

Cùng với đó, Khánh Hòa có khí hậu nhiệt đới gió mùa, ôn hòa, ít bão lụt, thiên tai. Có 3 vịnh biển nổi tiếng: Vịnh Nha Trang – một trong những vịnh biển đẹp nhất Thế giới, Vịnh Cam Ranh và Vịnh Vân Phong có mớn nước sâu, kín gió nên tỉnh Khánh Hòa có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là lĩnh vực du lịch – dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp đóng tàu và hình thành các cảng biển mang tầm Quốc tế.

Đặc biệt, Khánh Hòa còn là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực khu vực miền Trung và Tây Nguyên: với cơ sở đào tạo sẵn có và đa dạng loại hình đào tạo: 07 trường đại học, 06 trường cao đẳng, 04 viện nghiên cứu, 09 trường trung học chuyên nghiệp, 49 cơ sở dạy nghề, tỉnh Khánh Hòa đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của các nhà đầu tư.

Cụ thể, thu hút đầu tư của Khánh Hòa có điểm gì khác biệt so với các địa phương khác, thưa ông?

Khánh Hòa đã ban hành Nghị quyết 02/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016 của HĐND tỉnh Khánh Hòa về danh mục dự án các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội giai đoạn 2016 – 2020 được Quỹ đầu tư phát triển Khánh Hòa đầu tư trực tiếp, cho vay và được ngân sách tỉnh cấp bù lãi suất như đầu tư xây dựng phát triển nhà ở xã hội, hạ tầng khu dân cư, khu tái định cư, khu công nghiệp, bệnh viên, trường học… và đặc biệt, cấp bù 100% lãi suất vay từ Quỹ đầu tư phát triển Khánh Hòa đối với các dự án nước sạch nông thôn trong trường hợp ngân sách không có nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Quyết định 131/2009/QĐ-TTg ngày 2/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Ở Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh không ngồi chờ các nhà đầu tư đến mà chúng tôi chủ động tìm nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên.

Quyết định số 11/2016/QĐ-UBND ngày 17/6/2016 của UBND tỉnh Khánh Hòa quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất, thuê nhà, cơ sở hạ tầng đối với dự án đầu tư công trình thuộc lĩnh vực: Giáo dục – Đào tạo, dạy nghề; y tế; văn hóa; thể dục thể thao; môi trường; giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có mức ưu đãi như sau: miễn tiền thuê đất đối với tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, trừ các phường thành phố Nha Trang; giảm 50% tiền thuê nhà đối với các dự án đầu tư tại các phường thuộc thành phố Nha Trang; giảm 50% tiền thuê nhà hiện có của nhà nước để thực hiện dự án xã hội hóa,…

Với việc Việt Nam trở thành thành viên của TPP và AEC, ông có tin tưởng vào nội lực của DN tỉnh nhà trước những cơ hội lẫn khó khăn, thách thức mà hội nhập mang lại?

Tôi cho rằng cạnh tranh là điều cần thiết để DN học cách lớn mạnh và tồn tại, và quan trọng nhất là cần chuẩn bị sẵn sàng tâm thế cho điều đó.

Việc gia nhập TPP và ACE được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội lớn cho các DN, tạo cơ hội cho các DN được hưởng ưu đãi về thuế quan, mở rộng cơ hội giao thương, thu hút vốn FDI, liên kết, hợp tác để hiện đại hóa sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực và tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi do TPP và ACE mang lại thì vẫn kèm theo không ít khó khăn thách thức khi DN trong nước phải chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các DN nước ngoài, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa được xem là đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tham gia sân chơi này.

Cơ hội không biến thành lợi ích và đôi khi chính thách thức lại làm nên cơ hội. Cơ hội là rất nhiều, nhưng thách thức cũng rất lớn, việc tận dụng được đến đâu những lợi ích mà TTP và AEC mang lại đều phụ thuộc rất lớn vào những hành động của Nhà nước và DN. Tôi nghĩ Chính phủ khi quyết định tham gia vào TPP và AEC thì đều có nghiên cứu và xem xét lợi ích mang lại và sẽ có sự định hướng đúng đắn cho các DN. Do đó, tôi tin tưởng cơ hội sẽ nhiều hơn, và tôi nghĩ được hay mất nói cho cùng nằm ở sự chuẩn bị chu đáo của DN, càng chu đáo càng được nhiều hơn mất.

Qua kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và qua chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của DN trên địa bàn tỉnh, tôi tin tưởng và nội lực cũng như sức cạnh tranh của DN Khánh Hòa trong tình hình hội nhập TPP và AEC hiện nay.

Khánh Hòa đã và đang đề ra các kế hoạch hành động như thế nào để tạo môi trường kinh doanh tốt hơn cho DN khi đến tỉnh nhà, thưa ông?

Với mục tiêu, đến năm 2020, DN trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, toàn tỉnh có trên 15.000 DN đang hoạt động, trong đó có 2% doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Chương trình hành động nhằm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo nguyên tắc: Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm; Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo và lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ;…

Khánh Hòa luôn xác định: thành công của nhà đầu tư là thành công của Khánh Hòa. Từ đó, nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, vừa qua UBND tỉnh Khánh Hòa và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã ký bản cam kết về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp tại TP HCM. Cụ thể, đơn giản hóa các thủ tục hành chính: giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh, rút ngắn thời gian đối với các thủ tục: cấp giấy phép xây dựng tối đa 14 ngày, thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu, dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu, tăng cường đối thoại giữa chính quyền tỉnh và doanh nghiệp ít nhất 2 lần/năm,…

Đặc biệt, tôi xin nhấn mạnh là ở Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh không ngồi chờ các nhà đầu tư đến mà chúng tôi chủ động tìm nhà đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư vào những ngành nghề, lĩnh vực được ưu tiên. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, việc hỗ trợ DN luôn là điều chúng tôi chú trọng và quan tâm, luôn tạo những điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động sản xuất kinh doanh thành công tại tỉnh Khánh Hòa.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Phước

Enternews