Chủ tịch UBND tỉnh: Phải xác định doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý
Tỉnh Yên Bái xếp thứ hạng 47/63, tỉnh, thành phố trên cả nước về chỉ số PCI
Phấn đấu tăng chỉ số PCI từ 4-5 bậc
Theo kết quả báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2016 do VCCI công bố tháng 3 năm 2017, tỉnh Yên Bái xếp thứ hạng 47/63, tỉnh, thành phố trên cả nước (tăng 4 bậc so với năm 2015 và 8 bậc so với năm 2014), chuyển vị trí xếp thứ hạng lên nhóm khá. Với tổng điểm 57,28 (tăng 0,64 điểm so với năm 2015), so với khu vực miền núi phía Bắc, Yên Bái xếp thứ 6/14.
So với năm 2015, tỉnh Yên Bái có 6 chỉ số tăng điểm gồm các chỉ số: Tiếp cận đất đai, tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí không chính thức, tính năng động của lãnh đạo, thiết chế pháp lý và cạnhh tranh bình đẳng, trong đó có 2 chỉ số tăng điểm cao nhất là chỉ số tính năng động của lãnh đạo và chỉ số cạnh tranh bình đẳng. 4 chỉ số giảm điểm nhẹ là các chỉ số: Gia nhập thị trường, chi phí thời gian, hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.
Điểm nhấn trong cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số PCI của tỉnh là sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Tỉnh đã tổ chức Lễ ký cam kết với VCCI về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, ban hành các văn bản, kế hoạch, chương trình hành động về nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thường xuyên gặp mặt, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo cơ chế thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Ngay từ đầu năm 2017, tỉnh đã đón tiếp và làm việc với Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI về tình hình thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và tình hình thực hiện cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước năm 2016 của tỉnh Yên Bái…
Năm 2017, tỉnh Yên Bái phấn đấu đưa chỉ số năng lực cạnh tranh PCI tăng từ 4-5 bậc so với năm 2016. Để hoàn thành mục tiêu này, ngoài việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp đến các cấp, các ngành, cái cách thủ tục hành chính cũng vẫn tiếp tục được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện mục tiêu PCI năm 2017 của tỉnh. Trong đó tỉnh sẽ rà soát lại các thủ tục hành chính, loại bỏ các cơ chế chính sách không phù hợp, thiếu tính khả thi làm cản trở đến hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp; Xây dựng phong cách phục vụ của bộ máy chính quyền theo hướng thân thiện, chuyên nghiệp và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp…
Xác định doanh nghiệp là đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý
Tại hội nghị đánh giá công tác cải cách hành chính và nâng cao chỉ số PCI vừa qua, đồng chí Đỗ Đức Duy – Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc thực thi các nhiệm vụ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh thời gian qua. Điều đó được thể hiện ở kết quả đánh giá của VCCI, Yên Bái xếp thứ 47/63 tỉnh thành phố, tăng 4 bậc so với năm 2015 và 8 bậc so với năm 2014 trong đó có nhiều chỉ số thành phần tăng mạnh. Đó là những tín hiệu tích cực thể hiện sự nỗ lực của tỉnh Yên Bái trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, chỉ số PCI của tỉnh đã cải thiện, song có thể cải thiện được hơn nữa. Có nhiều chỉ tiêu thành phần vẫn chưa thể hiện được sự quyết tâm cao. Khẳng định vai trò của doanh nghiệp đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đồng chí đề nghị: “Chúng ta phải xác định quan điểm từ chỗ quản lý doanh nghiệp sang cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, hướng dẫn, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp, cụ thể là thực hiện thủ tục hành chính cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ để phục vụ từ lúc đăng ký đến quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Điều đó có nghĩa là doanh nghiệp đến với chúng ta không phải là đối tượng quản lý nữa mà là đối tượng phục vụ.”
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh ta còn nhiều hạn chế, trong đó một bộ phận cán bộ công chức chưa năng động, chưa có thái độ thân thiện với doanh nghiệp, nhiều trường hợp ở cấp tỉnh có nhiều sáng kiến, chủ trương trong hỗ trợ doanh nghiệp nhưng khi đến các sở, ngành, địa phương thì chủ trương đó lại không đến được với doanh nghiệp. “Cho nên chúng ta phải thay đổi căn bản quan điểm tiếp cận doanh nghiệp, phải xác định doanh nghiệp là đối tượng hỗ trợ, đồng hành, giúp cho doanh nghiệp đăng ký và phát triển trên địa bàn tỉnh.”.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương phải chú trọng hơn nữa đến tuyên truyền phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp, nhất là đối tượng cán bộ quản lý doanh nghiệp. Đồng chí cho rằng, các doanh nghiệp ở Yên Bái chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, cho nên trình độ hiểu biết về pháp luật, về thủ tục hành chính, về đầu tư kinh doanh của đội ngũ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp còn hạn chế, do đó phải tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để cho doanh nghiệp hiểu, làm đúng, đến đúng nơi, đến đúng chỗ.
Nhiệm vụ quan trọng nữa mà đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đó là: Phải thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch mọi vấn đề liên quan đến thành lập doanh nghiệp như thủ tục hành chính, các quy định về phí và lệ phí, các vấn đề liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế…Tất cả các thông tin này phải được công khai trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Trang Thông tin điện tử của các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố để doanh nghiệp được tiếp cận, nghiên cứu. Bên cạnh đó đổi mới, đa dạng hóa các hình thức đối thoại, gặp gỡ, tiếp nhận thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp để từ đó có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp; Tiếp tục thực hiện chương trình Cà phê doanh nhân, làm tốt việc tiếp nhận và trả lời câu hỏi người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh.