Chuyên gia Phạm Chi Lan: Đôi khi phải chấp nhận lùi lại
26 Tháng 9, 2014
"Năng lực cạnh tranh của chúng ta đang bị sức ép"
Đây là chia sẻ của bà Phạm Chi Lan trong cuộc thảo luận tại Việt Nam CEO Forum 2014 với chủ đề "CEO 3.0: Bước đi nào cho cuộc chơi mới?"
Theo bà Lan, Việt Nam chuẩn bị bước vào một cuộc chơi mới với sân chơi rộng hơn, cam kết sâu hơn rất nhiều, thách thức cạnh tranh nặng nề hơn nhưng Việt Nam đang ở thế khá yếu. Bản thân nền kinh tế Việt Nam so với mình trong những năm qua đang chững lại, có những cái yếu rất cơ bản, cốt lõi đang bộc lộ ra rõ hơn bao giờ hết, nó đòi hỏi chúng ta phải có thay đổi rất mạnh mẽ để cải thiện thế yếu của mình.
Cái thế yếu của mình ở đây thể hiện là sự trùng hợp tương đối của Việt Nam so với các nước xung quanh. Nếu như cách đây mấy năm chúng ta tự hào là nước thứ 2 có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực tạo nên thách thức của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc, bây giờ chúng ta đã tụt lại để Lào, Indonesia tăng cao hơn...Các nước trong khu vực như Malaysia, Singapore dù cho không có tốc độ tăng trưởng cao hơn Việt Nam thì họ lại có xuất phát điểm cao hơn Việt Nam. Tất cả những điều này tạo ra thách thức cho Việt Nam về cạnh tranh.
Những vấn đề của nền kinh tế Việt Nam trước hết là do chưa cải cách được như chúng ta mong muốn vì vậy đã tạo ra những trở ngại cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Phía doanh nghiệp, 98% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa – SMEs, đa phần là nhỏ. Việt Nam đang thiếu doanh nghiệp cỡ trung và lớn, doanh nghiệp cỡ lớn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa thể hình thành được sức mạnh doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp và nhà sản xuất, cung ứng ở Việt Nam còn thiếu liên kết để phát triển thành chuỗi, cụm trong khi thế giới ngày nay là thế giới của chuỗi giá trị. Vì vậy, năng lực cạnh tranh của chúng ta đang bị sức ép.
Không nên nói đến "thắng thua" trong các "cuộc chơi" thế giới
Tôi nghĩ trên bình diện chung chúng ta không nên nói đến thắng thua. Cuộc chơi trên thế giới đặt ra là win win – 2 bên cùng thắng, các bên cùng thắng, chứ không để bên này thắng, bên kia thua. Dù là nước nhỏ, lạc hậu hơn khi tham gia cuộc chơi với những nước tiên tiến hơn vẫn có quyền nghĩ đến phần thắng.
Vấn đề chính của Việt Nam và các doanh nghiệp nói chung đặc biệt từng doanh nghiệp là cố gắng đo, cố gắng hiểu xem trong cuộc chơi đó mình có thể thắng đến đâu và làm cách nào được thắng lợi lớn nhất có thể có. Sân chơi là sân chơi chung, thắng hay không là do mình.
Nhìn lại quá trình hội nhập của Việt Nam đến nay (ASEAN, BTA Việt Nam – Hoa Kỳ, WTO...), trong suốt thời kỳ hội nhập chúng ta không bao giờ đưa ra dự báo chỉ có thắng, mà cảnh báo 2 mặt, có những mặt được, có thể "mất" - thua thiệt khi tham gia hội nhập quốc tế. "Đấy là quy luật cuộc sống. Để đạt được mục tiêu đôi khi chúng ta phải chấp nhận lùi lại nhất là khi kinh tế Việt Nam đi theo mô hình nhiều mũi nhọn" – Bà Phạm Chi Lan chia sẻ.
Lúc này, tôi nghĩ cần bình tĩnh xem xét lại mọi thứ, những năm qua chúng ta có khó khăn nhưng cũng tốt cho các DN có thời gian tự nhìn lại mình, điều chỉnh lại mình để chuẩn bị tốt hơn. Bởi trong cuộc chơi mới chắc chắn chúng ta phải có những thay đổi cơ bản, chỉ tập trung vào những gì có thể tạo ra sức mạnh tốt nhất, vị thế tốt nhất không thể kỳ vọng chơi tất cả mọi thứ, thắng mọi thứ.
Trong hội nhập, đến năm 2015, chúng ta có thể có Hiệp định thương mại tự do - FTA với 55 quốc gia nhưng chúng ta phải nhớ làm cách nào để phát huy được lợi thế của mình và né đi sức ép cạnh tranh, cần có sự chọn lọc phù hợp với mình.
Không chỉ có TPP!
Trong cuộc chơi mới, các nước đang chuẩn bị hết sức ráo riết như Malaysia có 90% doanh nghiệp tự tin cuộc chơi mới này họ sẽ thành công, Singapore có đến 81% doanh nghiệp tham gia khảo sát tự tin vào cuộc chơi mới nhưng ở Việt Nam tỷ lệ tự tin chiến thắng là rất thấp.
Điểm mấu chốt là doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra quan tâm nhiều tới cuộc đàm phán ví dụ gần như đi đến đâu các doanh nghiệp quan tâm đến Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương - TPP nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại chưa có sự lo lắng hay chuẩn bị cho những hiệp định này.
Trong khi đó chúng ta còn Cộng đồng kinh tế Asean - AEC cái đã có cam kết rõ ràng và hiệu lực 2015. Chúng ta còn FTA Việt Nam – EU dự định sẽ ký vào cuối năm nay khi lãnh đạo cấp cao các bên đã có cam kết. Vì vậy, chúng ta quan tâm thông tin cần đầy đủ hơn. Thay vì chúng ta hỏi "bao giờ ký kết" thì chúng ta nên tự hỏi xem mình biết gì về nó, đang chuẩn bị gì, đã sẵn sàng chưa, ....
Thêm vào đó theo bà Chi Lan, ở các nước khác trong cuộc chơi mới có 2 điều họ chú trọng là Đổi mới, sáng tạo và Khởi nghiệp. Bà Lan cho rằng "khởi nghiệp" được chú trọng vì thế giới bây giờ thị trường thay đổi nhiều, nhân tố mới nhiều nên tạo ra nhiều cơ hội khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp để áp dụng cái mới, hướng đi mới cho Việt Nam.
Thanh Giang
Theo Cafe.vn
Ngày 26/09/2014