The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chuyện PCI ở Vĩnh Phúc Kỳ 1: Không sợ tụt hạng, chỉ lo tụt hậu

Sốc vì tụt hạng

Khi hỏi về trường hợp Vĩnh Phúc, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn - chuyên gia PCI - chia sẻ ngắn gọn, đây là địa phương tích cực nhất trong việc đón nhận và phản hồi thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp. Phải chăng bấy nhiêu sự cải cách đó là đủ để Vĩnh Phúc thành công? Và liệu quãng thời gian 3 năm gần có phải kỳ tích của địa phương này?

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Tài, thật ra vị trí thứ 6, thứ 4 hay bất cứ thứ hạng nào, thì đó cũng không phải là đích đến của Vĩnh Phúc. Toàn hệ thống chính trị quyết tâm đi nhanh, theo đúng hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh các khóa gần đây đã ban hành. Nói một cách ngắn gọn thì có 3 đầu mục đáng chú ý, đó là cải thiện môi trường thu hút, quản lý đầu tư; dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế thành công, và song hành 2 nhiệm vụ trên là bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân. Bởi vậy, trăn trở của địa phương chỉ là phải biến cho được danh hiệu PCI “chất lượng điều hành rất tốt” kia trở thành sức hút thực sự với nhà đầu tư phù hợp, từ đó cùng chung tay xây dựng Vĩnh Phúc thật sự thịnh vượng, văn minh.

“… Vị trí thứ 43 khiến chúng tôi thật sự mất bình tĩnh! Vì trên thực tế, từ khi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thống nhất tinh thần dịch chuyển cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, thì việc coi trọng doanh nghiệp, nhà đầu tư luôn được đặt lên hàng đầu. Mặt khác, PCI được VCCI thực hiện độc lập, các chỉ số cấu thành từ phản hồi của doanh nghiệp, thế nên câu chuyện tụt hạng khiến hệ thống chính trị vô cùng sốt ruột” - Phó Giám đốc Nguyễn Đức Tài nhớ lại. Lãnh đạo ngành kế hoạch và đầu tư Vĩnh Phúc khẳng định, PCI đánh giá khá tổng thể công tác tổ chức, điều hành, rồi thủ tục hành chính, hay kể cả năng lực điều hành của chính quyền địa phương. Chỉ số này được cơ quan độc lập tìm hiểu độc lập và thực tế trong nhiều năm qua PCI đánh giá sát thực tế công tác điều hành của chính quyền địa phương. “Trong 2 năm sau đó là quá trình trăn trở của lãnh đạo tỉnh chúng tôi, lo lắng và tìm mọi giải pháp để có thể cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục những cái tồn tại và tạo những cái tối đa cho DN. Việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh này không phải là chính quyền hay các cơ quan nhà nước tự cho điểm cho mình mà là doanh nghiệp cho điểm,” ông Tài chia sẻ.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì kiểm tra tình hình hoạt động KCN Bình Xuyên

Ảnh: Trọng Hiếu

Nhìn mới về những vấn đề cũ

Xuất phát từ tư duy “nhà đầu tư đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, toàn hệ thống chính trị đã vào cuộc… “PCI xuống, cũng đồng nghĩa với niềm tin của nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp vào địa phương giảm sút. Lãnh đạo tỉnh cho triển khai ngay rất nhiều giải pháp cụ thể như: cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính về đầu tư, thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Vinh Phuc) trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh. Ban này có bộ phận giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư theo cơ chế một cửa liên thông (MCLT), và xây dựng một loạt chương trình hành động để cải thiện chỉ số PCI,” Giám đốc IPA Vĩnh Phúc Nguyễn Tiến Hạnh bổ sung thông tin. Một trong những giải pháp mà lãnh đạo tỉnh tâm đắc nhất là đã giao nhiệm vụ cho IPA hai công việc song song: Một là, xúc tiến đầu tư; hai là, đóng vai trò chủ đạo là hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp hay gọi cách khác là xúc tiến đầu tư tại chỗ, trong đó việc tập hợp các vướng mắc của DN để báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết kịp thời. Bộ phận MCLT tư vấn, hướng dẫn cụ thể về quy trình, thủ tục đầu tư, nộp hồ sơ TTHC và nhận kết quả tại đây. Do vậy đã hạn chế tối đa sự phiền hà, nhũng nhiễu đối với doanh nghiệp. Sự có mặt của IPA giống như một mệnh lệnh, báo hiệu sự thay đổi mạnh mẽ của lãnh đạo tỉnh và tất cả sở, ngành liên quan và cấp huyện phải thay đổi cung cách làm việc.

Một nguyên lãnh đạo Vĩnh Phúc cho biết, vào năm 2013 rất nhiều cuộc họp kéo dài đến nửa đêm, có căng thẳng, có chất vấn và có quy trách nhiệm cụ thể… nhưng căng thẳng đó, chất vấn đó là để làm sao mổ xẻ nguyên nhân cốt lõi dẫn đến thực trạng trên. Thường trực Tỉnh ủy đã giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh khẩn trương làm rõ nguyên nhân, đồng thời tìm giải pháp đồng bộ mang tính đột phá nhằm nâng cao PCI của tỉnh. Quan điểm chung là phải cải thiện tư duy, nhận thức về PCI, về xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư. PCI chỉ là điều kiện cần, nhưng PCI cũng là thông tin ban đầu, dẫn đến những điều kiện đủ khác để nhà đầu tư tìm đến mình. Bài học mà tỉnh rút ra là phải luôn đồng hành với doanh nghiệp, coi thành công của doanh nghiệp là thành công và niềm tự hào của tỉnh, đồng thời xử lý triệt để những hạn chế, bất cập nảy sinh nhằm phát triển bền vững.

“Nếu như thời điểm tách tỉnh (năm 1997), Vĩnh Phúc là tỉnh thuần nông, thu ngân sách dưới 100 tỷ đồng, thì đến nay tỷ trọng công nghiệp - xây dựng đã chiếm hơn 62,1%. Từ 2004, tỉnh tự cân đối được ngân sách và có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Đến năm 2015, thu ngân sách của Vĩnh Phúc đạt gần 25,5 nghìn tỷ đồng. Tỉnh đã “lột xác” hoàn toàn nhờ biết tận dụng tối đa lợi thế nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng thủ đô Hà Nội và nhờ có các chính sách thu hút đầu tư đúng đắn” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành.

Ghi chép của Lê Tùng