The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Chuyện PCI ở Vĩnh Phúc Kỳ cuối: Biến PCI thành động lực phát triển

Xây dựng nền hành chính phục vụ

Khái niệm về một nền hành chính công phục vụ không mới, nhưng để thực hiện quả không dễ dàng. Mới đây, trong một lần trả lời phỏng vấn Báo Đại biểu Nhân dân, Đại biểu QH Trần Du Lịch đã lật lại vấn đề trên, đồng thời cho rằng, nhiệm kỳ tới đây lãnh đạo đất nước cần coi cải cách hành chính là ưu tiên hàng đầu. Trong chương trình hành động của Vĩnh Phúc, không lãnh đạo nào phát ngôn, nhưng toàn hệ thống chính trị đều ngầm hiểu: sự thay đổi trong hướng tiếp cận xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là nền tảng của cải cách hành chính toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Doanh nghiệp và nhà đầu tư luôn được tỉnh Vĩnh Phúc coi trọng

“Tỉnh không can thiệp về mặt pháp lý nhưng tỉnh can thiệp về mặt thời gian. Thậm chí việc cán bộ, công chức UBND tỉnh phải làm việc ngoài giờ, làm việc thứ Bảy, Chủ nhật giờ đã không còn xa lạ với Vĩnh Phúc. Vì sao? Vì chúng tôi xác định các doanh nghiệp, nhà đầu tư chính là người mang lại sự thịnh vượng cho Vĩnh Phúc, mang lại cuộc sống cho nhân dân, cho chính công chức nhà nước. Nói đến Vĩnh Phúc, phát triển không phải bộ máy công quyền làm nên mà do người dân, do các nhà đầu tư, các tổ chức kinh tế chung tay, trong đó các DN là trung tâm” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành nêu bật quan điểm của lãnh đạo tỉnh.

Lâu nay khi đề cập đến quản lý nhà nước, mọi người thường nghĩ tới mệnh lệnh hành chính và sự thực thi. Chính tư duy dần không còn phù hợp đó đang trở thành lực cản cho những địa phương tham vọng. Quan điểm của lãnh đạo Vĩnh Phúc là phải thay đổi tư duy từ nền hành chính mệnh lệnh kế hoạch hóa, để chuyển nhanh sang nền hành chính phục vụ. Chính vì vậy, cấp trên cấp dưới đôi khi phải gây sức ép lên nhau, để làm sao phục vụ tốt nhất cho mục tiêu chung.

Nói về chuyện thứ bậc PCI, Phó Chủ tịch Lê Duy Thành phân tích: “Năm 2013 Vĩnh Phúc từ vị trí 43 nhảy lên 26, chúng tôi bớt lo lắng, nhưng chưa thật phấn khởi. Một năm sau đó, từ 26 lên thứ 6, tâm lý cũng như vậy. Còn năm 2015, Vĩnh Phúc vinh dự leo lên thứ 4, và đó là thành tích khiến bộ máy công quyền vô cùng lo lắng. Để vượt lên thứ hạng như vậy là công lao của toàn hệ thống chính trị, nhưng để duy trì vị trí đó, Vĩnh Phúc phải làm gì? Chiếm được không khó, mà giữ được hay không mới là yếu tố quyết định. Bởi vì nền hành chính phục vụ không thể hình thành trong 1 năm, 2 năm, mà nó là cả một quá trình, đó phải trở thành cái nếp, thành tư duy, nhận thức của cả hệ thống chính trị thì mới có thể duy trì được. Chúng tôi xác định phải cố gắng ngay sau khi VCCI công bố Vĩnh Phúc đứng thứ 4 năm 2015. Chỉ đạo đầu tiên của lãnh đạo tỉnh không phải là tổ chức tiệc hoan hỷ mà siết chặt nền hành chính này theo hướng tốt hơn. Tôi luôn tâm sự với anh em là cải cách, dù đúng hướng, nhưng mới chỉ bước những bước đầu tiên. Đây là cuộc chiến và cán bộ, công chức của tỉnh phải là những chiến binh thực thụ, cùng lao vào với chỉ huy!”

Không phát triển kinh tế bằng mọi giá

Những năm gần đây, Vĩnh Phúc thu hút được nhiều dự án về du lịch, dịch vụ như: Flamingo Đại Lải Resort, FLC Vĩnh Thịnh Resort, Tam Đảo, Tây Thiên... qua đó tạo việc làm cho một số lao động địa phương và có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Với quan điểm phát triển kinh tế bền vững, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa-xã hội, những chủ trương, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân và tỉnh sẽ tiếp tục là “điểm đến” của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một chỉ số quan trọng cấu thành PCI là năng lực điều hành, năng lực tổ chức thực hiện của chính quyền. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc hy vọng PCI sẽ là cơ hội để các cơ quan, sở, ngành lấy làm thước đo, làm mục tiêu cho mình. Để làm được điều đó, tất cả cấp lãnh đạo, tham mưu đều phải tự thân vận động, tự thay đổi, luôn có cách nhìn không cũ về những điều không mới. Công việc đang làm hằng ngày nhưng tư duy, nhận thức phải thay đổi, tạo ra môi trường tốt nhất cho tỉnh nói riêng và đất nước nói chung. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho rằng, hiệu quả của việc thu hút đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quan điểm nhất quán của lãnh đạo tỉnh là không phát triển kinh tế bằng mọi giá. Thu hút đầu tư phải hướng tới phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người dân... Vĩnh Phúc quyết tâm và đang đi đúng hướng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiều nhiệm kỳ gần đây, với 3 đầu mục đáng chú ý, xuyên suốt. Đó là cải thiện môi trường, thu hút, quản lý đầu tư; dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế thành công, và song hành 2 nhiệm vụ trên là bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Xin được mượn thông điệp của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì gửi đến nhà đầu tư, doanh nghiệp để kết thúc bài viết này. “Chúng tôi xin cám ơn tất cả các DN đã kề vai sát cánh cùng Vĩnh Phúc trong suốt thời gian qua, để tạo ra sự phát triển phồn vinh, bền vững cho tỉnh. Chính quyền, nhân dân Vĩnh Phúc khẳng định sẽ luôn luôn đứng bên cạnh doanh nghiệp, nhà đầu tư để tháo gỡ mọi khó khăn và đồng hành trên con đường phát triển”.

Ghi chép của Lê Tùng