The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cơ chế đặc thù có giúp địa phương “cất cánh”?

Việc Đảng và Nhà nước mạnh dạn trao cơ chế đặc thù cho một số địa phương đang kỳ vọng tạo động lực cho các địa phương “cất cánh”.

Cho đặc thù nhưng cần phải cân đối

Trong phiên họp thứ 50, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý nới khung đặc thù về tài chính, ngân sách cho Đà Nẵng, để thành phố này có nhiều nguồn lực hơn cho đầu tư, phát triển.

Theo đó, trong khuôn khổ phiên họp, UB Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc và thông qua đề xuất nâng mức dư nợ vay của Đà Nẵng lên không quá 40%, tức là cao hơn quy định của luật 10% và thấp hơn hai thành phố Hà Nội, TP.HCM 20% (hiện là 60%). Đồng thời, nhất trí con số thưởng vượt thu ngân sách cho thành phố Đà Nẵng là 70%.

Về con số này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu quan điểm: “Đà Nẵng xứng đáng được hưởng cơ chế đặc thù, nhưng chỉ mở mức độ nào đó, chứ không thể bằng Hà Nội và TP.HCM được. Không nên vung tay quá nhiều. Vung quá nợ công tăng cao thì Đà Nẵng sẽ gánh chịu hậu quả. Đặc thù có thể là 40% (Luật Ngân sách nhà nước cho phép 30%). Mức đặc thù thêm 10% so với hiện tại là ổn”.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ cần cân đối, tính toán vì nhiều tỉnh, thành cũng sẽ xin cơ chế đặc thù, cần phải hài hòa giữa các địa phương.

Cơ chế đặc thù mới sẽ được áp dụng cho Đà Nẵng từ ngày 1/1/2017 theo đúng tinh thần Luật Ngân sách Nhà nước 2015” – Phó Chủ tịch quốc hội khẳng định.

Cơ chế đặc thù có giúp địa phương “cất cánh”?

Trước Đà Nẵng, Quảng Ninh cũng đã triển khai và được “hưởng lợi” lớn từ việc triển khai cơ chế đặc thù. Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2428/QĐ-TTg về 6 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và 2 nhóm cơ chế riêng cho Khu kinh tế Vân Đồn.

Theo đó, Quảng Ninh được phép thành lập Công ty đầu tư tài chính nhà nước để huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội quan trọng; Được ứng trước vốn kế hoạch từ nguồn vốn ngân sách trung ương, vốn trái phiếu Chính phủ của năm sau; Được phát triển khu công nghiệp Việt Hưng trở thành khu công nghiệp chuyên sâu; Được hỗ trợ một phần vốn từ nguồn ngân sách trung ương và các nguồn vốn hợp pháp khác trong kế hoạch hàng năm giai đoạn 2015 – 2020 để đầu tư các dự án, công trình trọng điểm sau: Các dự án, công trình hạ tầng: Đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng; đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; cảng biển Hải Hà; Các dự án, công trình khoa học và công nghệ, môi trường: Dự án Bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, Dự án Bảo vệ môi trường Vịnh Bái Tử Long; Ưu tiên vận động và thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho một số dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của tỉnh Quảng Ninh ; Được xem xét hỗ trợ đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (PPP) đối với một số công trình hạ tầng quan trọng của Tỉnh….

Sau khi được hưởng “ưu đãi” từ cơ chế đặc thù, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện cụ thể các nhóm cơ chế trên và giành được nhiều thành tựu đáng khích lệ.

Năm 2015, chỉ số lạm phát của Tỉnh được kiềm chế; môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được duy trì ở “top” đầu cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn tăng so với cùng kỳ, nhất là thu nội ước đạt 19.900 tỷ đồng, tăng trên 24% so với cùng kỳ – số thu cao nhất từ trước tới nay.

Tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt trên 11%, cao nhất trong 4 năm qua và cao nhất trong các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; cơ cấu kinh tế tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực: Nông lâm thủy sản chiếm 6%; công nghiệp – xây dựng chiếm 50,6%; dịch vụ chiếm 43,4%…

6 tháng đầu năm 2016, GRDP tăng 9,2%, cao hơn cùng kỳ năm trước (8,9%), trong đó, giá trị tăng thêm của 3 khu vực kinh tế tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Quảng Minh đang phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm đạt từ 10-10,5%.

Còn đối với Đà Nẵng, những ưu đãi về cơ chế, chính sách đặc thù, vừa được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua hứa hẹn sẽ là động lực giúp Đà Nẵng tiếp tục giữ vị trí 1 trong 10 địa phương có số thu cao nhất cả nước năm 2015, trở thành thành phố động lực của khu vực, thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Ông Huỳnh Đức Thơ, chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nhìn nhận, cơ chế đặc thù sẽ giúp địa phương phát huy các thế mạnh sẵn có, có thêm các nguồn lực để “đột phá”, thúc đẩy phát triển mạnh và bền vững kinh tế , xã hội.

Như vậy, sẵn các nền tảng phát triển bền vững, ổn định cộng thêm cơ chế đặc thù được Đảng và Nhà nước tin trưởng trao cho, các địa phương này được kỳ vọng sẽ cất cánh, trở thành các đầu tầu kinh tế để kéo kinh tế khu vực cùng đi lên.

Nha Trang

Enternews