The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cơ hội để Hà Nội cải thiện năng lực cạnh tranh

QĐND - Nhà đầu tư tại Hà Nội nói riêng và trên cả nước nói chung kêu ca về thời gian thực hiện những thủ tục hành chính để triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất quá dài. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 43/NQ-CP yêu cầu tiết giảm thủ tục trong lĩnh vực này. Nếu tận dụng tốt cơ hội này, Hà Nội sẽ cải thiện được đáng kể năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...
Có tình trạng "cát cứ lãnh thổ"?
Đến thăm Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội), chúng tôi rất ấn tượng với khu nhà ở dành cho công nhân ở đây. Tòa nhà dành cho công nhân cao 6 tầng, được thiết kế rất hiện đại và bắt mắt. Ở đó có cả vườn chơi cho trẻ em, có hồ điều hòa rất rộng và đẹp, những con đường thông thoáng với rất nhiều cây xanh và tượng nghệ thuật hai bên. Quả thực, đó là khu nhà ở rất lý tưởng, đặc biệt là về giá thuê nhà. Giá thuê nhà ở đây chỉ khoảng hơn 100.000 đồng/người/tháng.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Mỹ Chu Đức Lượng mở đầu câu chuyện với chúng tôi:
- Tòa nhà 6 tầng dành cho công nhân ấy, chúng tôi chỉ mất 9 tháng để xây dựng nhưng phải mất đến hai năm để làm thủ tục hành chính, mặc dù đây là dự án đã được các cấp đồng ý về mặt chủ trương!
Sở dĩ có tình trạng doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian như vậy để thực hiện thủ tục hành chính, theo ông Lượng, đó là do tình trạng “cát cứ lãnh thổ” ở các sở, ngành gây ra. Tình trạng “cát cứ lãnh thổ” ấy khiến doanh nghiệp phải trải qua tới 4 cuộc họp với 4 sở, ngành để trình bày về dự án. Điều đó vừa làm mất nhiều thời gian của chủ đầu tư, lại vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro với nhà đầu tư. Ví dụ, có khi trải qua 3 cuộc họp suôn sẻ, nhưng đến cuộc họp thứ 4 với sở, ngành cuối cùng thì chủ đầu tư không nhận được sự đồng ý. Vậy là thời gian chuẩn bị cho dự án kéo dài khoảng hai năm trời có thể bị “đổ xuống sông, xuống biển”, doanh nghiệp vừa tốn thời gian, tiền bạc cho việc chuẩn bị dự án, vừa mất đi cơ hội đầu tư cho các dự án khác. Do vậy, nếu giảm số cuộc họp từ 4 cuộc xuống còn 1 cuộc, trong cuộc họp ấy có đầy đủ đại diện các sở, ngành và cho ý kiến luôn với chủ đầu tư thì sẽ thuận lợi cho các nhà đầu tư hơn rất nhiều. "Thời gian xin chủ trương đầu tư một dự án ở Hà Nội cũng mất khoảng 2-3 tháng. Một dự án từ khi có chủ trương đến khi triển khai cũng mất ít nhất 24 tháng. Doanh nghiệp chúng tôi kỳ vọng có thể giảm thời gian này xuống còn 9-10 tháng", ông Lượng nói.
“Điểm tựa” của doanh nghiệp
Những băn khoăn của ông Lượng đã được Chính phủ nhìn ra và tìm hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Ngày 6-6 vừa qua, Chính phủ ra Nghị quyết số 43/NQ-CP "Về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh" (gọi tắt là Nghị quyết 43). Nghị quyết yêu cầu tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi; cắt giảm ít nhất 40% thời gian thực hiện gắn với tiết kiệm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế; nâng cao vị trí xếp hạng của Việt Nam về chỉ số thuận lợi kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia; thúc đẩy thu hút đầu tư, góp phần phòng, chống tham nhũng và phát triển kinh tế-xã hội. Nghị quyết này yêu cầu tối giản thủ tục hành chính, đặc biệt là chuyển việc thực hiện một số thủ tục từ nhà đầu tư cho các cơ quan quản lý Nhà nước theo đúng chức năng, nhiệm vụ.
Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Phạm Văn Khương đánh giá, Nghị quyết 43 sẽ không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai, mà còn giúp các cơ quan quản lý Nhà nước giảm áp lực giải quyết thủ tục hành chính do số lượng thủ tục hành chính giảm. Riêng với Hà Nội, nếu thực hiện tốt Nghị quyết 43 thì sẽ cải thiện được chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). “Bởi vậy, Hà Nội đã chỉ đạo các ngành, các cấp nghiên cứu, báo cáo thành phố để bãi bỏ những quy định không còn phù hợp, đồng thời sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố cho phù hợp với Nghị quyết 43”, ông Khương nói.
Ông Khương cho hay, Chính phủ đã giao các bộ, ngành sửa đổi, thay thế hoặc ban hành mới văn bản cho phù hợp với quy định của Nghị quyết 43 để báo cáo Chính phủ trước ngày 15-10 nhằm giúp Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, nghiên cứu, báo cáo UBND thành phố. Tuy nhiên, UBND thành phố đã quán triệt, nội dung nào của Nghị quyết 43 đã rõ rồi thì kiên quyết thực hiện luôn để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. “Sau khi các bộ, ngành hoàn thiện những quy định của pháp luật thì Hà Nội sẽ thực hiện ngay, đầy đủ theo các quy định mà Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành”, ông Khương khẳng định.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Tuy nhiên, ngay cả khi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đã được hoàn thiện theo tinh thần của Nghị quyết 43 thì việc áp dụng trong thực tế cũng chưa phải là sẽ hoàn toàn trơn tru, thuận lợi.
Một trong những khó khăn của Hà Nội là địa phương này vẫn đang phải triển khai rà soát, đo đạc lại toàn bộ đất đai theo quy định mới. Vấn đề xây dựng và hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu tại Hà Nội cũng đang gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt là từ sau khi sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính. Bên cạnh đó, Nghị quyết 43 cũng liên quan tới một số luật vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có Luật Đấu thầu, và cần phải chờ sự đồng bộ hóa của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có việc phải chờ một số văn bản hướng dẫn thi hành các luật mới. Đây là những lý do khiến việc thực thi Nghị quyết 43 có thể sẽ có “độ trễ” nhất định.
Ai cũng hiểu, Nghị quyết 43 là một bước tiến quan trọng trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho chủ đầu tư trong các dự án có sử dụng đất. Giới đầu tư đang trông chờ, hy vọng rất nhiều vào sự cải thiện tình hình có được từ nghị quyết này. Chỉ có nhanh chóng đồng bộ hóa các quy định, không để có khoảng trống, không để có chồng lấn, nhanh chóng và kịp thời, mới đáp ứng được kỳ vọng của giới đầu tư và cả các cơ quan công quyền.

Bài, ảnh: CHIẾN THẮNG

Theo Báo điện tử Quân đội nhân dân