Cơ quan nhà nước chưa cung cấp đúng thông tin doanh nghiệp cần
Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, các cơ quan nhà nước vẫn chỉ cung cấp thông tin theo ý chủ quan của mình chứ không phải theo nhu cầu thông tin của doanh nghiệp. Hiện chưa có trường hợp nào bị xử phạt vì cố tình không công khai thông tin theo quy định.
Tiếp cận thông tin vẫn là rào cản doanh nghiệp
Bên lề hội thảo “Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp” diễn ra sáng nay, 11/7/2016, tại Hà Nội, ICTnews có cuộc trao đổi nhanh với Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà về câu chuyện doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận thông tin từ phía các cơ quan nhà nước.
Theo quan sát của ICTnews, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực kêu gọi và thúc đẩy các Bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử. Hiện tại, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều có đã cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử để cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo khảo sát do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện mới đây khi tiến hành Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2015, khó tiếp cận thông tin về chính sách, pháp luật vẫn là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với các dự án đầu tư của Trung ương, tỷ lệ đánh giá khó và không thể tiếp cận thông tin của doanh nghiệp siêu nhỏ lên tới 67%, doanh nghiệp nhỏ là 65%, doanh nghiệp vừa là 62%, doanh nghiệp lớn là 61%.
Đối với các bản đồ và quy hoạch sử dụng đất, các tỷ lệ tương ứng là 59% - 58% - 59% và 48%. Đối với các kế hoạch về các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, các tỷ lệ tương ứng là 56% - 54% - 49% và 52%. Đối với các chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, các tỷ lệ tương ứng là 47%, 44%, 39% và 36%.
Có khoảng 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết phải cậy nhờ các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Ngay cả với doanh nghiệp quy mô lớn, tỷ lệ này lên tới 79%.
Với khả năng tiếp cận thông tin như vậy, các doanh nghiệp khó có thể dự đoán được những thay đổi trong quy định pháp luật cũng như việc thực thi chúng trên thực tế. Đáng lo ngại, chỉ 7% doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, và 8% doanh nghiệp quy mô vừa cho biết họ có thể dự đoán được việc thực thi của các tỉnh, thành phố đối với quy định pháp luật của Trung ương. Tỷ lệ doanh nghiệp lớn có thể đoán được việc thực thi này cũng chỉ đạt 14%.
Trong một môi trường kinh doanh khó đoán định về việc thay đổi hoặc thực thi chính sách, hoạt động của doanh nghiệp rõ ràng gặp rất nhiều khó khăn.
Cơ quan nhà nước chưa cung cấp thông tin doanh nghiệp cần
Trao đổi với ICTnews về hiện trạng nêu trên, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Lê Mạnh Hà nói: “Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 36a về chính phủ điện tử, chúng ta đã cố gắng công khai đến mức tối đa nhất các thông tin cho doanh nghiệp. Ví dụ như thủ tục hành chính, tiến độ giải quyết hồ sơ của từng doanh nghiệp đều đã được công khai lên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, người ta có thể theo dõi được cả một tỉnh có bao nhiêu % hồ sơ quá hạn giải quyết, quá hạn ở lĩnh vực nào, thậm chí truy vết trách nhiệm đến từng chuyên viên chịu trách nhiệm xử lý hồ sơ”.
Tuy nhiên, ông Lê Mạnh Hà cũng thẳng thắn đồng tình với nhận định của ICTnews về việc doanh nghiệp đang cần những thông tin khác nữa, chẳng hạn theo khảo sát của VCCI và USAID thì doanh nghiệp cần những thông tin như các bản đồ và quy hoạch sử dụng đất, những dự án đầu tư của Trung ương tại địa phương, những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới, những chính sách ưu đãi của địa phương... Phải chăng cần có sự điều chỉnh trong việc cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho trúng, đúng, sát với nhu cầu thông tin của doanh nghiệp?
“Trong thời gian tới, Chính phủ điện tử phải cố gắng theo đúng hướng đó. Các địa phương, Bộ, ngành phải công khai những nội dung rất cụ thể. Trong hướng dẫn, yêu cầu sẽ phải cụ thể hơn về các lĩnh vực công khai thông tin, theo sát nhu cầu của doanh nghiệp. Giờ các cơ quan nhà nước mới chỉ cung cấp thông tin theo chủ quan chứ không phải theo nhu cầu của doanh nghiệp. Sắp tới chắc sẽ phải thu thập nhu cầu của doanh nghiệp xem họ cần gì”.
Quay lại với câu chuyện công khai minh bạch thông tin cho doanh nghiệp là chuyện đã quá cũ, đã từng được nói đến rất nhiều lần, nhưng đến giờ rất nhiều doanh nghiệp phải kêu ca về chuyện khó tiếp cận thông tin, ông Lê Mạnh Hà cho biết thêm: “Thực ra với các dự án đầu tư vẫn yêu cầu phải công khai thông tin nhưng trên thực tế lại không phải thế. Hiện vẫn chưa có trường hợp nào bị xử phạt về việc không chịu cung cấp thông tin công khai theo đúng quy định vì không có quy định xử phạt hành vi này”.
Cũng theo ông Lê Mạnh Hà, hiện có thể áp dụng hình thức xử lý hành vi cố tình không công khai minh bạch thông tin như đối với hành vi không chấp hành chỉ đạo, không chấp hành kỷ luật của cơ quan nhà nước.
Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã dành riêng Điều 15 quy định về việc hỗ trợ thông tin và tư vấn. Theo đó, nhà nước hỗ trợ cung cấp thông tin phục vụ sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm: Thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Thông tin về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; Thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa... Tuy nhiên, TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI đề nghị phải quy định cụ thể hơn về nội dung và hình thức cần công khai thông tin bởi tính rõ ràng, minh bạch của các quy định rất quan trọng.
Ngọc Mai