Còn dư địa để cải cách thủ tục hành chính thuế
Để đạt mục tiêu vào top trung bình ASEAN-4 về môi trường kinh doanh, các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, cần tiếp tục cải cách hành chính thuế, trong đó hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Báo cáo Đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp năm 2016 vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho biết, mức độ hài lòng của doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính thuế đã tăng lên 75 điểm so với 71 điểm của năm 2014.
Con số này dựa trên các khảo sát đối với hơn 10.000 doanh nghiệp, với 88% doanh nghiệp tư nhân, 9% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 3% là các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ. Các doanh nghiệp đã tham gia trả lời về các vấn đề: Tiếp cận thông tin quy định về thuế và thủ tục hành chính thuế; Thực hiện thủ tục hành chính thuế; Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng; Thủ tục thuế điện tử; Thanh, kiểm tra thuế và giải quyết khiếu nại; Sự phục vụ của cán bộ, công chức thuế.
Doanh nghiệp đã hài lòng hơn với các thủ tục hành chính thuế |
Kết quả khảo sát cho hay, có tới 97% doanh nghiệp đánh giá các thủ tục nộp thuế hiện nay là dễ thực hiện, 92% doanh nghiệp cho rằng dễ dàng đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký thuế, 90% cho rằng dễ dàng khai thuế, kê khai quyết toán thuế. Tuy nhiên, về thủ tục miễn giảm thuế và hoàn thuế có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ thực hiện thấp nhất, chỉ đạt 70% và 62%.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế VCCI, các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá, việc miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nằm trong diện được miễn giảm thuế còn nhiều bất cập, khó hiểu dẫn đến việc cơ quan thuế và doanh nghiệp khó thống nhất được cách giải quyết. Các doanh nghiệp cho rằng, cần quy định rõ và giải thích câu từ cụ thể, dễ hiểu hơn trong các văn bản hướng dẫn của các cơ quan chức năng.
Có thể thấy rằng, kết quả khảo sát và đánh giá của VCCI khá phù hợp với tình hình thực tế khi số giờ nộp thuế tại Việt Nam đến nay đã cắt giảm được 420 giờ xuống còn 117 giờ/năm. Tuy nhiên, so với mục tiêu đạt mức trung bình của ASEAN-4 đã được cụ thể hóa trong các Nghị quyết 19/NQ-CP hàng năm, kết quả trên vẫn còn khoảng cách.
Theo ông Phạm Sỹ Danh, Chủ tịch Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), nhiều doanh nghiệp FDI cho rằng, trong các nước ASEAN, Thái Lan và Indonesia hiện đang có sức cạnh tranh cao so với Việt Nam nhờ chính sách thuế đơn giản và dễ thực hiện.
Đồng quan điểm với ông Danh, Tổng giám đốc Công ty TNHH PricewaterhouseCoopers Việt Nam Đinh Thị Quỳnh Vân cho rằng, Việt Nam nên xây dựng chế độ kế toán và chính sách thuế đơn giản cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bà Vân lý giải, các doanh nghiệp này thường hoạt động với bộ máy đơn giản và trình độ cán bộ kế toán còn thấp, do đó chính sách quá phức tạp khiến họ không tuân thủ được. Thêm nữa, rủi ro về thuế đối với các doanh nghiệp này không cao, bởi theo thống kê, 95% số doanh nghiệp hiện nay có doanh thu dưới 50 tỷ đồng/năm, nhưng chỉ đóng góp khoảng 15% số thu về thuế.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG đánh giá, mặc dù những cải cách về thủ tục hành chính thuế được ra đời, điều chỉnh bổ sung đều theo hướng tốt hơn cho doanh nghiệp, nhưng gây khó khăn về khả năng tuân thủ cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ thì khả năng sai sót là có thể xảy ra, trong khi mức phạt cho những sai sót lại rất cao.
Theo Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, với mức độ hài lòng là 75 điểm, còn rất nhiều dư địa để cải cách thủ tục hành chính thuế. “Tôi hy vọng ngành thuế sẽ tiếp tục “chụm đầu” cùng với các doanh nghiệp và chuyên gia để cùng đưa ra các giải pháp tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, từ đó thúc đẩy chuyển đổi hộ kinh tế gia đình thành doanh nghiệp, bằng cách đó thúc đẩy mạnh mẽ cải cách hành chính, đạt mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020”, Chủ tịch VCCI nói.