The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Còn say sưa thành tích, sẽ bị bỏ lại phía sau

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương kể, trong hội nghị các nước Asean về môi trường kinh doanh diễn ra tại Lào, đại biểu của Indonesia lên phát biểu, kể lể về thành tích đạt được, sau đó đến cuối mới đề cập tới những điều chưa làm được. Đại biểu của Việt Nam tương tự, đại biểu Lào cũng như vậy… nói chung đều tự hào về những việc mình đã làm. Chỉ có đại biểu Singapore phát biểu nói thẳng luôn, chúng tôi còn nhiều điều chưa làm tốt, cải cách vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của các doanh nghiệp, mà không hề kể lể tý nào về thành tích.
Ông Hiếu kể câu chuyện này không phải là để phủ nhận những cải cách về môi trường kinh doanh chúng ta đã đạt được thời gian qua. Nhưng cần phải thay đổi tư duy, nếu không lại “dễ dàng ngủ quên trên chiến thắng”, khó có thể tiếp tục đẩy mạnh cải cách.
Hãy xem Singapore, theo xếp hạng của ngân hàng thế giới (Doing Business) từ 2016 đến nay có môi trường kinh doanh tốt đứng đầu Asean và đứng thứ 2/190 nền kinh tế toàn thế giới. Còn Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 70, Indonesia vị trí 73 và Lào vị trí 154.
Báo cáo “Chương trình cải cách môi trường kinh doanh: góc nhìn của doanh nghiệp 2020” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 20/4/2021, cho thấy đà cải cách đang chững lại.
Chẳng hạn chỉ số khởi sự kinh doanh và đăng ký thành lập doanh nghiệp năm 2020 có 72,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá tốt và rất tốt. Con số này giảm so với 77,3% của năm 2019. Chỉ số nộp bảo hiểm xã hội không thay đổi so với năm 2019 với 59,7% cho là thủ tục tốt và rất tốt. Tiếp cận vốn tín dụng 2020 cũng “dẫm chân tại chỗ” khi chỉ có 60,2% doanh nghiệp đánh giá tốt và rất tốt. Kết quả khảo sát cho thấy, các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng chưa bao giờ thực sự dễ dàng đối với các doanh nghiệp. Cải cách tư pháp trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp hợp đồng có tăng điểm nhưng không đáng kể, chỉ có 58,4% doanh nghiệp cho biết tòa án giải quyết tốt và rất tốt tranh chấp hợp đồng và phá sản doanh nghiệp, con số này năm 2019 là 57,7%. Đặc biệt là tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh tăng lên mức 59%, trong khi năm 2018 là 48% và 2019 là 52%.
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 15/4/2021 cho thấy, điểm số PCI đã giảm nhẹ so với năm 2019 và các “ngôi sao cải cách”, những tỉnh dẫn đầu trong bảng xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh đã ít có sự bứt phá hơn, cho thấy đà cải cách có phần chững lại. Các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực hải quan, thuế, an toàn phòng chống cháy nổ, bảo hiểm xã hội, thành lập doanh nghiệp, vẫn gây nhiều khó khăn phiền hà nhất. Chỉ số tính minh bạch của nhiều địa phương đã giảm mạnh trong năm 2020. Có tới 57,4% DN phản ánh, cần có mối quan hệ với cán bộ cơ quan chính quyền, để có được các tài liệu của địa phương.
Một lĩnh vực có chuyển động tích cực nhất thời gian qua là cắt giảm điều kiện kinh doanh, theo VCCI cũng “đạt đỉnh” vào năm 2018, từ năm 2019, sự nhiệt tình của các Bộ, ngành đã giảm đi đáng kể. Trong khi vẫn còn nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không hợp lý, không minh bạch, không khả thi. Không những thế, công cuộc cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hỗ trợ DN gia nhập thị trường vẫn chưa thực chất. Các bộ, ngành khẳng định đã cắt giảm được tới 60% điều kiện kinh doanh nhưng đó là trên giấy tờ, còn thực tế chỉ được khoảng 30-40%. Thủ tục gia nhập thị trường của DN vẫn còn rắc rối và chồng chéo. Còn nhiều quy định thừa, không rõ ràng và phức tạp, liên quan tới quy hoạch đất đai, xây dựng, môi trường,... vẫn đang tồn tại. Đây chính là rào cản với các DN khi tham gia thị trường, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đánh giá.
Giám sát cải cách trên công cụ số
Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2020 (Doing Business 2020), do Ngân hàng Thế giới công bố cuối năm 2019 cho thấy, Việt Nam 2 năm liền bị tụt bậc. Từ vị trí 68/190 năm 2018 giảm xuống 69/190 vào năm 2019 và giảm tiếp xuống vị trí 70/190 vào năm 2020. Một số chỉ số của Việt Nam luôn ở vị trí nửa cuối bảng xếp hạng gồm: nộp thuế và bảo hiểm xã hội vị trí 109, khởi sự kinh doanh vị trí 115, giải quyết phá sản doanh nghiệp vị trí 122. Việt Nam xếp thứ 5 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaisia, Thái Lan và Brunei. Tuy nhiên, khoảng cách với top 3 là khá xa. Thái Lan giữ vị trí thứ 21/190, Malaisia vị trí 12/190 và Singapore vị trí thứ 2/190.
Theo ông Phan Đức Hiếu, cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua diễn ra không đều. Có những bộ ngành cải cách rất nhanh, có bộ, ngành gần như đứng im, không có sự chuyển biến. Theo Doing Business, có chỉ số tăng cao như tiếp cận điện năng từ 135 lên 27, nhưng có những chỉ số lại tụt hạng như phá sản doanh nghiệp từ vị trí 104 tụt xuống 122, hay giải quyết tranh chấp hợp đồng từ vị trí 47 xuống vị trí 68… Trong 3 năm 2018, 2019 và 2020 Việt Nam đều tăng điểm số từ 66,77 lên 68,36 và lên 69,80 nhưng lại tụt hạng. Điểm số tăng không đáng kể, thể hiện động lực cải cách đã chững lại và bị các nước khác vượt lên. Một số quy định cải cách vẫn không thắng được độ ì, tính cát cứ do một vài bộ, ngành quản lý, cố níu kéo quyền lợi.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu Chính phủ đề ra lọt vào tốp 4 môi trường kinh doanh hấp dẫn nhất khu vực ASEAN, đang gặp khó. Trước hết Việt Nam cần vượt qua Brunei hiện xếp vị trí thứ 66/190, nhưng hai năm liền tụt bậc. Thực tế, dù môi trường kinh doanh đã tốt lên nhưng chưa như kỳ vọng, đà cải cách ngày càng chững lại. Xét trong cạnh tranh trực diện với các nước cùng khu vực, chúng ta tiến lên nhưng nước khác tiến nhanh hơn thì Việt Nam tiếp tục bị bỏ lại phía sau. Môi trường kinh doanh của Việt Nam còn khoảng cách xa so với Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Mục tiêu vào ASEAN 4 trở nên thách thức hơn khi trong giai đoạn mới sau tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tác động của Covid-19 khiến cho các nước càng cải cách mạnh mẽ hơn để thu hút đầu tư, phục hồi kinh tế. Trong giai đoạn mới, Việt Nam cần phải rà soát lại các mục tiêu của từng chỉ số đã đề ra để xem kết quả và thực tế cải cách; đo lường khoảng cách so với các nước top trên và với chính mục tiêu của mình đề ra… Từ đó xây một lộ trình cải cách với nội dung, thời hạn và mục tiêu cụ thể để thực hiện một cách quyết liệt nhất.
Nhưng để không còn cảnh nói không làm, hay trên nóng dưới lạnh để rồi ‘chưa được như kỳ vọng’ trong cải cách kinh doanh cần một bộ công cụ giám sát và cảnh báo sát sao và thường xuyên... Đó có thể là bộ giải pháp điều hành và giám sát thông minh (IOC). Hệ thống này có khả năng giám sát và quản lý từ cấp tổng quan đến chi tiết từng tình huống như: các chỉ tiêu đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội; giám sát trực quan trên bản đồ số. IOC sẽ cho phép thực hiện phân tích dữ liệu lớn để đưa ra các cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đảm bảo tính chân thực, chính xác, minh bạch…
Với cảnh báo tự động trên nền dữ liệu lớn sẽ giúp các cấp lãnh đạo có cái nhìn tổng quan, toàn diện để đưa ra quyết định nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức trong quá trình giám sát, điều hành công việc. Theo đó, người đứng đầu có thể theo dõi các số liệu được cập nhật liên tục, thậm chí theo thời gian thực trên máy tính hoặc trên điện thoại di động. Lãnh đạo có thể điều hành các công việc ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời gian nào dựa trên dữ liệu, thông tin nhanh chóng và chính xác.