The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Công bố chỉ số MEI 2014: Nhiều bộ bị điểm “xấu” về minh bạch

Hôm qua, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) vừa công bố chỉ số này. VCCI ví chỉ số này như tấm gương để các bộ soi vào sẽ thấy mình như thế nào. Vì vậy "hình ảnh nếu không đẹp thì cũng không nên giận cái gương"!

​Không có bộ nào đạt điểm tốt, một số bộ không có sự thay đổi nào so với vị trí cuối bảng từ những năm trước... Đó là một số kết quả từ "Chỉ số hiệu quả hoạt động pháp luật về kinh doanh của các bộ" (MEI) được công bố ngày 22-6.

Sau khi tạm ngừng công bố chỉ số MEI của năm 2013, năm nay Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) khảo sát và công bố chỉ số MEI về xem xét việc ban hành chính sách pháp luật năm 2014, dựa trên đánh giá của 228 hiệp hội doanh nghiệp (cấp tỉnh, vùng và cả nước), đại diện cho trên 409.000 hội viên.

Hầu hết chỉ đạt điểm trung bình

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - phó ban pháp chế VCCI, đại diện nhóm khảo sát, thay vì chỉ công bố một bảng xếp hạng như trước, năm nay có năm bảng xếp hạng, mỗi bảng theo một tiêu chí. Theo đó, với chỉ số "Hiệu quả soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật", Bộ Kế hoạch - đầu tư đứng đầu, tiếp theo là Bộ Tư pháp, Bộ NN&PTNT và cuối bảng là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch (VH-TT&DL).

Với chỉ số "Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật" (đánh giá tính minh bạch; tính thống nhất, khả thi và công bằng; tính hợp lý), Bộ NN&PTNT được xếp đứng đầu, tiếp theo là Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Giao thông vận tải... Ba bộ đứng cuối bảng là Xây dựng, Tài nguyên - môi trường và Bộ Y tế. Tại chỉ số "Hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật" (đánh giá việc hướng dẫn thi hành văn bản pháp luật, trách nhiệm giải trình...), Ngân hàng Nhà nước được xếp đầu tiên, tiếp theo là Bộ Giao thông vận tải... Ba bộ cuối bảng là VH-TT&DL, Y tế và Tài nguyên - môi trường...

Theo bà Thu Trang, nếu so với MEI 2012, hầu hết các bộ đều chỉ đạt điểm trung bình hoặc dưới trung bình, kết quả công bố năm nay có sáng hơn khi "4 trong 5 chỉ số đã tăng điểm". Tuy nhiên, nếu tính cả năm bảng xếp hạng, chỉ có một chỉ số có bộ đạt điểm khá (7 điểm), còn lại hầu như chỉ trung bình khá, chưa bộ nào đạt điểm tốt. "Có nghĩa các bộ còn rất nhiều việc phải cố gắng" - bà Trang nói.

Đối với những băn khoăn rằng liệu trả lời của các hiệp hội có đáng tin, bà Trang cho biết MEI đã khảo sát ý kiến của các hiệp hội với số lượng lớn nhất từ trước đến nay. 71% các hiệp hội trả lời đã có kinh nghiệm hoạt động trên 10 năm - đủ kinh nghiệm để không đặt kỳ vọng quá cao, không quá khắt khe với các bộ. Chỉ vài hiệp hội liệu đánh giá có khách quan, bà Trang khẳng định trung bình mỗi câu hỏi về một bộ có đánh giá của 81 hiệp hội, nhờ đó "giúp kết quả đủ khách quan ở mức cần thiết".

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, phát biểu tại buổi công bố MEI 2014 - Ảnh: Quốc Tuấn

"Tấm gương" để soi lại mình

Chính sách pháp luật có vai trò rất quan trọng đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như sự phát triển. Tuy nhiên, chỉ có Bộ Giao thông vận tải vượt lên, từ vị trí nhóm cuối bảng năm 2012 lên nhóm đầu bảng, theo như bà Trang, cho thấy "nơi nào có quyết tâm cải cách, tình hình sẽ cải thiện".

Trong khi đó, nhiều bộ mà chính sách được ban hành sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh như Công thương, Tài chính... lại được xếp hạng không cao, đặc biệt kết quả khảo sát cho thấy có điểm tối lại liên quan sự... không minh bạch.

Hiện VN đã có quy định phải công khai dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhưng thông tin có chất lượng, có tóm tắt, phân tích... thì chưa. Đặc biệt, hầu như không có cơ chế nào để đo đếm việc thực hiện. Do đó, với các tiêu chí như hình thức lấy ý kiến, thời hạn góp ý, cách thức tiếp thu... không bộ nào đạt điểm khá, thậm chí có 6/14 bộ điểm dưới trung bình.

Ba bộ đứng cuối bảng là Y tế, Thông tin - truyền thông cũng như VH - TT&DL gần như không có thay đổi nào về vị trí so với MEI 2012, ngay hai bộ đứng đầu cũng giảm điểm so với năm 2012. Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng cần xem MEI như tấm gương để các bộ soi vào sẽ thấy mình như thế nào. "Hình ảnh nếu không đẹp thì cũng không nên giận cái gương", đồng thời bày tỏ kỳ vọng các bộ tiếp tục tinh thần cải cách bởi "cuộc sống đã khó khăn rồi, đừng làm khó nhau nữa".

Bà Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho biết bà đã xin phép nghỉ thảo luận chiều 22-6 để đến lễ công bố này. Kết quả MEI 2014 cho thấy nhiều bộ đã có nỗ lực nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Dẫn trường hợp thông tư tặng điểm cho bà mẹ VN anh hùng đi thi đại học, bà Nga đặt câu hỏi: các cụ có đồng ý không, hay nên tập trung đảm bảo y tế, chăm sóc tinh thần? Để khắc phục tình trạng chính sách sai phải rút lại, bà Nga cho rằng phải chỉ rõ được người chịu trách nhiệm. "Chứ việc quy cho văn thư, đánh máy... khó có thể được chấp nhận" - bà Nga nói.

Theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI, qua khảo sát chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã phát hiện cải cách ở các địa phương đang chững lại do những hạn chế về thể chế từ cấp trung ương. Trong khi MEI đã phản ánh bức tranh toàn diện về hoạt động pháp luật của các bộ ngành trong con mắt của cộng đồng doanh nghiệp.

"MEI không phải báo cáo của các cơ quan Chính phủ tự khen mình, mà là sự ghi nhận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp qua thực tiễn sản xuất kinh doanh của họ. Đây là tín hiệu tích cực từ cuộc sống" - ông Lộc nói.

Chỉ số MEI đưa ra năm bảng xếp hạng riêng cho các bộ, gồm:

- Soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật

- Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật

- Công khai thông tin, tuyên truyền và phổ biến pháp luật

- Tổ chức thi hành pháp luật

- Rà soát, kiểm tra, tổng kết thi hành pháp luật.

(Nguồn: VCCI)

* Ông Nguyễn Mạnh Dũng (tổng giám đốc Công ty Namilux):

Doanh nghiệp không biết kêu ai

Khi ban hành chính sách, cơ quan quản lý cần biết doanh nghiệp gặp khó khăn gì. Tuy nhiên, hiện không ít chính sách mới ban hành không rõ ràng, doanh nghiệp gặp khó mà không biết kêu ai.

Chẳng hạn, nghị định 107 được ban hành vào năm 2009 trên cơ sở dự thảo của Bộ Công thương, trong đó đòi hỏi thương nhân xuất nhập khẩu gas phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký xuất khẩu nhập khẩu gas; có cầu cảng thuộc hệ thống cảng biển VN, có kho tiếp nhận gas tối thiểu 3.000m3; có tối thiểu 300.000 bình gas các loại... Trong khi đó, là doanh nghiệp sản xuất bếp gas du lịch, chúng tôi chỉ cung cấp lon gas xài một lần rồi bỏ, không phải là bình gas lớn nên không thể đáp ứng các điều kiện đó. Dù có trình bày với cơ quan quản lý, nhưng cho đến nay mọi việc vẫn không thay đổi gì.

Doanh nghiệp buộc phải nhập lon gas từ công ty khác khiến chi phí giá thành đội lên thêm 2%, nhưng chịu thiệt thòi là người tiêu dùng khi chi phí phát sinh chuyển vào giá bán.

N.Bình ghi

* Ông Vũ Ngọc Bảo (phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và bột giấy VN):

Chính sách làm khó doanh nghiệp

Quy định buộc doanh nghiệp sản xuất giấy phải ký quỹ khi nhập khẩu giấy phế liệu đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Việc tăng cường kiểm soát về mặt nhà nước đối với việc nhập khẩu phế liệu là cần thiết, nhưng chỉ nên áp dụng những biện pháp hợp lý, chứ không thể sử dụng các hình thức phức tạp như giấy xác nhận, ký quỹ...

Chưa hết, doanh nghiệp ngành giấy cũng đang "rất mệt" với dự thảo (lần 3) thông tư quy định nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng do Bộ Khoa học và công nghệ đang tiến hành lấy ý kiến.

Theo tôi, nếu bắt buộc phải ban hành thông tư thì không áp dụng tiêu chí về thời gian sử dụng, mà chỉ áp dụng một tiêu chí về chất lượng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng, trong đó quy định cụ thể các chỉ tiêu về tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng... đối với các máy móc, thiết bị và dây chuyền sản xuất ở các ngành công nghiệp.

* Phó tổng giám đốc một doanh nghiệp ngành thép:

Chưa lắng nghe ý kiến doanh nghiệp

Việc nghị định quản lý chất thải và phế liệu vừa được Chính phủ ban hành, theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và môi trường, trong đó bắt buộc doanh nghiệp sản xuất phải ký quỹ tối đa 20% trên tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu trên 500 tấn là điều vô lý, nếu không muốn nói là không thể thực hiện được.

Nếu không nhập phế liệu lấy gì để luyện ra thép, khi mà nguồn cung trong nước chỉ mới đáp ứng được rất ít? Nếu dùng tư duy ký quỹ để ràng buộc một hành vi nào đó, chẳng lẽ tất cả các ngành đều có thể áp dụng phương thức này?

Với vai trò tham mưu, lẽ ra Bộ Tài nguyên và môi trường phải lắng nghe các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, của hiệp hội. Đằng này, Hiệp hội Thép VN đã phải đấu tranh rất nhiều trong suốt quá trình hình thành dự thảo, khi dự thảo ban đầu buộc doanh nghiệp phải ký quỹ đến 80%. Nhưng cho dù là 20% hoặc thấp hơn nữa, chính sách như vậy không hề thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, mà làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

T.V.N. ghi

* Ông Nguyễn Huy Quang (vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế):

Đây là một chỉ số đáng buồn

Tôi có việc bận không tham dự buổi công bố báo cáo này, cũng chưa nhận được kết quả điều tra chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật của 14 bộ mới được công bố. Tôi sẽ xem cụ thể lại về phương pháp điều tra, các đối tượng điều tra, các chỉ số của cuộc điều tra như thế nào...

Theo tôi, để đánh giá điều này, thông thường các cơ quan điều tra sẽ dựa trên nhiều chỉ số như chất lượng xây dựng văn bản pháp luật, việc thực thi các văn bản pháp luật đó, rồi thời gian trả lời các đề nghị của doanh nghiệp, ví dụ văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu 10 ngày trả lời thì mình lại mất 15 ngày mới trả lời, như vậy chất lượng thực thi cũng là thấp.

Tôi sẽ nắm lại tất cả những vấn đề cụ thể trong cuộc điều tra này, chắc chắn chúng tôi sẽ có những đề xuất để thay đổi những vấn đề còn chưa đạt, chưa tốt nếu có. Tôi cho đây là một chỉ số đáng buồn...

L.ANH ghi

* Ông Tăng Thế Cường (chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Tài nguyên - môi trường):

Sẽ tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu

Chúng tôi biết có một số chỉ số ở lĩnh vực đất đai, khoáng sản bị chấm điểm thấp, nhưng những nội dung bị chấm điểm thấp cũng có cơ sở vì mong muốn quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo hiệu quả kinh tế về tài nguyên, đảm bảo quản lý chặt chẽ về đất lúa. Ví như nội dung về quản lý đất lúa bị doanh nghiệp chấm điểm thấp, nhưng việc quy định chặt chẽ cũng vì lợi ích của Nhà nước và người dân.

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu phải giữ bằng được 3,81 triệu ha đất lúa. Giữ được đất lúa cũng là đảm bảo lợi ích của người dân, vì vậy Chính phủ và các địa phương đều có những quy định rất chặt chẽ đối với những dự án thu hồi đất lúa, trong đó xác định rõ quy mô nào thì phải xin ý kiến Thủ tướng, quy mô nhỏ hơn thì phải có ý kiến của HĐND cấp tỉnh, thành phố. Quy định chặt chẽ như vậy cũng để hạn chế việc chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác.

Tuy nhiên, chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đánh giá của các doanh nghiệp và coi đây là kênh thông tin để tiếp tục nghiên cứu về chính sách trong quá trình quản lý, điều hành.

XUÂN LONG ghi

Theo báo Tuổi trẻ ngày 24/06/2015