The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013: Đà Nẵng trở lại số 1, Ninh Thuận rớt thê thảm!

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm thứ 9 là chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố Việt Nam. Báo cáo PCI năm 2013 cũng là "tiếng nói" của 8.093 doanh nghiệp (DN) tại 63 tỉnh, thành phố và cảm nhận của 1.609 DN có vốn đầu tư nước ngoài. FDI). Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, tính minh bạch và thể chế pháp lý VN còn yếu, và đặc biệt "chi phí bôi trơn" của các DN ngày càng trầm trọng.
Trong báo cáo nêu rõ triển vọng kinh doanh năm 2013 của VN chưa thực sự lạc quan với mức tăng trưởng khiêm tốn. Năm 2013, chỉ có 6,4% DN trong nước tăng quy mô đầu tư và 6,2% tăng quy mô lao động. Ở khu vực DN FDI, 33,4% DN tăng quy mô lao động nhưng chỉ có 5,1% DN tăng quy mô đầu tư. Thêm vào đó, niềm tin của DN đã sụt giảm đáng kể trong vài năm gần đây, giảm từ 76% năm 2006 khi VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) xuống còn 33% ở khối DN trong nước và 28% ở khối DN nước ngoài.
Với điểm số PCI trên 65, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã vượt trội các tỉnh khác trong nhóm có chất lượng điều hành “Rất tốt”. Liên tục nằm trong nhóm dẫn đầu, riêng năm 2012, Đà Nẵng tụt hạng thấp xuống còn 12/63. Nhưng năm 2013, Đà Nẵng đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục để trở lại vị trí số 1.
Trả lời PV Báo Lao Động, ông Văn Hữu Chiến - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho rằng, chỉ số CPI tụt hạng trong năm 2012 đã thúc đẩy thành phố có những giải pháp tích cực. Đà Nẵng đã rà soát 9 chỉ số, tổ chức hội thảo để DN có thể tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng. Thành phố có các chính sách hỗ trợ DN, cải cách thủ tục hành chính và đưa ra các ưu đãi để giúp DN đạt được chỉ tiêu chiến lược.
Trả lời câu hỏi tính minh bạch của TP.Đà Nẵng đã cải thiện như thế nào, ông Chiến cho biết: Các DN đánh giá chỉ số tính minh bạch từ quy hoạch, tiếp cận đất đai, xây dựng đều được cải thiện và thực hiện đúng quy định. Chỉ số chi phí không chính thức về tham nhũng của Đà Nẵng nâng lên mức 7,5 trong năm 2013.
Còn Quảng Ninh đã bứt phá ngoạn mục khi thăng hạng lên vị trí thứ 4 trong năm nay (từ vị trí 20 năm 2012). Ông Nguyễn Văn Đọc - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh - cho biết, tỉnh đã áp dụng 3 giải pháp chính: Lập kế hoạch KTXH; quy hoạch tốt KTXH, bởi chỉ có quy hoạch tốt mới có dự án tốt; cải cách hành chính.
Khu vực ĐBSCL năm nay tiếp tục góp mặt tỉnh Đồng Tháp (63,53 điểm) và Kiên Giang (63,55 điểm). Trong đó Đồng Tháp chưa bao giờ xếp dưới hạng 11 và từng đạt vị trí số 1 vào năm 2012. Kiên Giang cũng vươn dần lên thứ hạng cao trong nhiều năm liên tiếp (xếp thứ 6/63 năm 2012).
Hà Nội: “Chi phí bôi trơn” ngày càng trầm trọng
Hà Nội dù tăng 18 bậc từ vị trí 51 (năm 2012) lên vị trí 33 (năm 2013), nhưng một số chuyên gia đánh giá: Thứ hạng này chưa xứng đáng với vị trí và tiềm năng của thủ đô. Lý giải cho điều này, ông Edmund Malesky - GS-TS kinh tế, Đại học Duke, Hoa Kỳ, trưởng nhóm nghiên cứu PCI - cho rằng, có 3 vấn đề chính Hà Nội cần cải thiện.
Đó là tính minh bạch, ngân sách và quy hoạch thành phố nên được công bố công khai trên mạng để người dân được tiếp cận.
Thứ hai, do Hà Nội là trung tâm đô thị lớn có nhiều khó khăn đặc thù, việc sáp nhập Hà Nội và Hà Tây đã gây ra khó khăn lớn về đất đai, tiếp cận đất đai, xây dựng trung tâm bộ máy cơ quan nhà nước.
Yếu tố cuối cùng được ông Edmund Malesky đánh giá là nhạy cảm và gây ảnh hưởng lớn tới chỉ số PCI Hà Nội là chỉ số về chi phí không chính thức, tiền lót tay và “chi phí bôi trơn” ngày càng trầm trọng. Trong khi chỉ số này tại các thành phố khác trên cả nước đều được cải thiện, thì chỉ số của Hà Nội liên tục suy giảm xuống chỉ còn 4,63 điểm trong năm 2013.
Các tỉnh có chỉ số PCI rớt thê thảm trong năm 2013 như: Ninh Thuận tụt 34 bậc, xuống vị trí 52; Sơn La tụt 33 bậc, xuống vị trí 55 năm 2013; Hòa Bình tụt 21 bậc, xuống vị trí 62 năm 2013. Đáng chú ý là tỉnh An Giang đang nằm trong top dẫn đầu ở vị trí thứ 2 (năm 2012) đã rớt xuống vị trí 23 (năm 2013)... Một số chuyên gia cho rằng, nguyên nhân khiến các tỉnh vị rớt thứ hạng PCI là do đưa ra quá nhiều hứa hẹn về cải cách, tạo kỳ vọng lớn cho các DN, nhưng thực tế lại không làm được.
Bà Sherry Boger - Tổng Giám đốc Intel Products Vietnam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Vietnam) - cho rằng, minh bạch và thể chế pháp lý VN còn yếu. Tính minh bạch ở Việt Nam hiện mới ở mức độ 1. Điều này đòi hỏi cơ quan nhà nước VN cần cố gắng nhiều hơn nữa. Theo bà Sherry Boger, yếu tố thúc đẩy cải cách như WTO không còn đủ để thúc đẩy sự phát triển của VN, đã đến lúc VN cần phải lấy lại đà đổi mới mạnh mẽ như trước đây.
.........
Top 10 chỉ số PCI năm 2013: Đà Nẵng (66,45 điểm), Thừa Thiên - Huế (65,56 điểm), Kiên Giang (63,55 điểm), Quảng Ninh (63,51 điểm), Đồng Tháp (63,35 điểm), Bến Tre (62,78 điểm), Quảng Ngãi (62,60 điểm), Thanh Hóa (61,59 điểm), Cần Thơ (61,46 điểm), TPHCM (61,19 điểm). L.h
Ông Mai Triều Quang - TGĐ Cty CP tư vấn và đầu tư xây dựng ECC: Đà Nẵng đứng đầu danh sách PCI là hợp lý
Việc Đà Nẵng đứng đầu trong báo cáo PCI năm 2013, là hợp lý thôi. Cty chúng tôi nhiều năm qua hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm ở nhiều tỉnh miền Trung, nên có điều kiện để so sánh và thấy được cung cách làm việc của bộ máy hành chính Đà Nẵng năng động, cán bộ công chức có năng lực, thái độ làm việc nhiệt tình, chuyên nghiệp. Tôi cho rằng, Đà Nẵng còn xứng đáng ở vị trí đầu trong chỉ số PCI đó là do chuyện nhũng nhiễu, vòi vĩnh khi giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ công chức là khá hiếm hoi, dù rằng có những việc họ phải bỏ nhiều công sức, thời gian hơn theo yêu cầu; môi trường cho DN tiếp xúc, giải quyết công việc được bố trí hợp lý, minh bạch và hệ thống được kiểm tra thường xuyên. N.T.H ghi
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Chỉ số PCI được nhắc tới nhiều trong phát biểu của các tỉnh, nhưng lần đầu tiên Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 quy định rõ về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, yêu cầu cải thiện chỉ số PCI của các địa phương và đưa định lượng cụ thể. Trong thông điệp đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ khẳng định năng lực cạnh tranh tốt sẽ tạo cơ hội để vươn lên, phát triển nhanh và bền vững. Điều đó thể hiện rõ Chính phủ ghi nhận đóng góp và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người dân và DN. Lan Hương
An Giang tụt hạng là phải
Ông Nguyễn Hữu T - Giám đốc một DN ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - cho biết: “DN chúng tôi rất quan tâm đến chỉ số PCI, vì nó liên quan đến chất lượng điều hành kinh tế cũng như môi trường kinh doanh. Chỉ số PCI hạng 23 của An Giang – dù được coi là “khá” nhưng so với năm 2012 đã “tụt dốc không phanh”. Cá nhân tôi cho rằng, chỉ số này phản ánh đúng thực chất của tỉnh khi từ hạng 2 năm 2012 tụt luôn 21 bậc trong năm 2013. DN sợ nhất là ngành thuế, khi mà cán bộ không phải là nghiêm khắc, mà là hà khắc. Còn lĩnh vực quản lý thị trường thì cán bộ vòi vĩnh ở đủ ngành nghề. Đầu năm 2013, tỉnh phải thành lập đoàn thanh tra để thanh tra hoạt động của quản lý thị trường, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Tôi đang kinh doanh ở An Giang, nhưng cũng đã thành lập một DN ở tỉnh khác và dễ thở hơn nhiều”.
Hữu Danh