Công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2013
31 Tháng 3, 2014
Ngày 20/3, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2013. Đến dự có TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông David B.Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam; đại diện nhiều tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCI tỉnh Thái Nguyên.
Đây là năm thứ 9, VCCI tổ chức công bố báo cáo thường niên nhằm cập nhật kết quả, điều tra, khảo sát đối với hơn 8.000 doanh nghiệp trong nước và khoảng 1.600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhìn chung, điểm số PCI 2013 không có sự khác biệt lớn so với năm 2012, hầu hết các địa phương đều có sự cải thiện đáng kể. Do vậy, đây là năm đầu tiên có giá trị trung vị cao nhất kể từ khi tiến hành khảo sát (47 điểm). Bên cạnh đó, bảng xếp hạng PCI năm nay ghi nhận những thay đổi đáng kể: từ vị trí thứ 12 của năm 2012, Đà Nẵng quay trở lại vị trí quán quân với 66,45 điểm; như vậy Đà Nẵng từng có 3 năm liên tiếp từ 2008 - 2012 giữ vị trí quán quân PCI cả nước. Vị trí đầu bảng của năm 2012 là Đồng Tháp, sang năm nay giảm xuống thứ 5,năm nay tỉnh Quảng Ninh vươn lên đứng trong nhóm 4 tỉnh xếp hạng PCI cao nhất.
Nếu như năm 2012, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nằm trong top khu vực hấp dẫn nhất cả nước theo điều tra của PCI, thì trong năm 2013, các tỉnh vùng Duyên hải miền Trung lại có được sự bứt phá, trong 3 tỉnh đứng đầu cả nước thì có 2 tỉnh đến từ khu vực này, đó là Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Bênh cạnh đó, một điểm tích cực dễ nhận thấy trong năm nay là sự tăng hạng của hai trung tâm kinh tế của cả nước là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, TP Hồ Chi Minh tăng 3 hạng, nằm trong Top 10 tỉnh, thành phố có PCI cao nhất cả nước, trong khi đó Hà Nội từ vị trí 52 của năm 2012, tăng lên vị trí 33. Đối với khu vực phía Bắc, dù vẫn thuộc vùng có chỉ số thấp nhưng theo nhận định thì các địa phương trong vùng đã có những bước chuyển mình đáng kể.
Tại Lễ công bố, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: "PCI năm nay đã kịp thời điều chỉnh, bổ sung chỉ số mới, đó là chỉ số cạnh tranh bình đẳng. Sự thay đổi này không làm mục đích thay đổi khái niệm vị trí trên Bảng xếp hạng nhưng góp phần loại bỏ những yếu tố không thích hợp, tạo nền tảng phát triển bền vững, đồng thời chỉ rõ mối quan hệ giữa hai khối kinh tế doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh.
Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm thực hiện PCI nhận định: năm 2013, các doanh nghiệp vẫn vất vả để duy trì hoạt động. Năm 2013, chỉ vẻn vẹn 6,4% doanh nghiệp trong nước tăng quy mô đầu tư và 6,2% doanh nghiệp tăng quy mô lao động. Các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự lạc quan khi chỉ có 32,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết có ý định kinh doanh trong vòng 2 năm tới.
Ở một khía cạnh khác, nhóm khảo sát PCI cũng tiến hành khảo sát đối với nhóm đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI cho thấy: Việt Nam được đánh giá tích cực hơn so với các quốc gia cạnh tranh về sự ổn định của chính sách, vai trò của doanh nghiệp trong hoạch định chính sách. Tuy nhiên, một số chính sách về thuế, chất lượng dịch vụ hành chính công của nước ta lại đang là điểm yếu của Việt Nam. Năm nay, nhóm khảo sát đã đưa ra sự so sánh giữa Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, kết quả này cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến sau Trung Quốc, Thái Lan, thậm chí là Campuchia.
Theo bà Sherry Boger - Đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ, Tổng giám đốc Intel Việt Nam cho biết: "Việt Nam hiện đã gia nhập WTO, kết nối với thế giới bằng các mối quan hệ song phương và đa phương. Trong năm qua, đã có nhiều cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp được tổ chức, song cải thiện tính minh bạch, phát triển nhu cầu thông tin của doanh nghiệp vẫn là vấn đề cần giải quyết".
Đối với tỉnh Thái Nguyên, dù chưa phải là vị trí cao trong Bảng xếp hạng nhưng sự cải thiện rõ rệt về điểm số của các chỉ tiêu thành phần đã chứng tỏ những nỗ lực to lớn của chính quyền tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp. So với năm 2012, năm nay chỉ số tiếp cận đất đai, tính minh bạch, tính năng động hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý của Thái Nguyên đều tăng điểm khá mạnh. Đặc biệt, chỉ số thiết chế pháp lý năm 2012 ở mức 2,71 thì năm nay đã vươn lên mức 5,25 điểm. Đây được nhận định là chỉ số thấp và khó tăng điểm tại nhiều địa phương. Ngay sau lễ công bố, Thái Nguyên cũng đã đưa ra những giải pháp cho vấn đề này năm 2014.
Qua 9 năm thực hiện nghiên cứu và công bố Chỉ số PCI đã thể hiện rõ sự quan tâm ngày càng cao của các các địa phương và những tác động của chỉ số này. Tuy còn chịu nhiều khó khăn song các tỉnh, thành phố đã có nhiều cách thức khác nhau để nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh của mình. Trong bối cảnh triển vọng kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn, thì những phân tích sát thực về các vấn đề hiện tại như Chỉ số CPI vẫn được xem là những thước đo có giá trị./.
Theo thainguyentv.vn