Bảng xếp hạng chỉ số DCI năm 2016 của các Sở, ngành.
Tham dự phiên họp có các đồng chí Thường trực HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các thành viên UBND tỉnh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban, ngành và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố. Năm 2016 là năm đầu tiên tỉnh Bắc Ninh tổ chức khảo sát thực hiện bộ chỉ số DCI. Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh được giao tiến hành khảo sát đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, sản xuất kinh doanh trên địa bàn của tỉnh thông qua 02 hình thức: khảo sát qua đường bưu điện và khảo sát điện tử qua đường Email.
Cuộc khảo sát tập trung thu thập ý kiến của doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành của các Sở, ngành theo 7 Chỉ số thành phần liên quan tới môi trường kinh doanh gồm: Tiếp cận thông tin; Tính minh bạch; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ doanh nghiệp và Thiết chế pháp lý. Trong năm 2016, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh mới thực hiện đánh giá đối với các Sở, ngành. Từ năm 2017, sẽ thực hiện đánh giá đầy đủ đối với các Sở, ngành và UBND cấp huyện và công bố vào tháng 11 hàng năm theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Theo bảng xếp hạng nhóm Sở, ngành giải quyết công việc liên quan nhiều đến doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước tỉnh dẫn đầu với 69,79 điểm; kế đến là Công an tỉnh với 69,29 điểm; Ban quản lý các KCN có số điểm cao thứ ba với 68,90 điểm. Cục Thuế tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư là 2 đơn vị đứng cuối cùng với số điểm tương ứng là 66,02 điểm và 64,18 điểm. Đối với nhóm Sở, ngành giải quyết công việc liên quan ít đến doanh nghiệp, Cục thi hành án tỉnh dẫn đầu với 70,87 điểm; tiếp theo là Sở Y tế với 70,77 điểm. Sở Tư pháp đứng cuối cùng với 68,71 điểm.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, tuy thứ bậc khác nhau nhưng đa số các Sở, ngành đều có những chỉ tiêu thuộc nhóm dẫn đầu như Cục Thuế tỉnh dẫn đầu về đối thoại doanh nghiệp, dễ tiếp cận tài liệu; Sở Thông tin và Truyền thông dẫn đầu về chất lượng Website; Ban Quản lý các KCN tỉnh có tính sáng tạo về giải quyết các vấn đề mới, lắng nghe trong đối thoại doanh nghiệp. Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh ghi nhận và đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh từ khi thành lập đến nay đã giúp lãnh đạo tỉnh nhận diện rõ hơn về những ưu, nhược điểm trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, cùng với PCI, PAPI, ICT index, Chỉ số DCI là kênh đánh giá khách quan giúp các Sở, ngành, địa phương nhìn nhận lại những kết quả công việc đã làm được trong năm. Đây được coi là một trong những giải pháp đột phá, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng quản lý điều hành thích ứng với giai đoạn mới.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, nhất là các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng… là những đơn vị liên quan trực tiếp tới doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, hướng tiếp cận để khắc phục những tồn tại, cải thiện thứ hạng năng lực cạnh tranh. Phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh tổ chức các hội thảo phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần liên quan đến ngành mình để cho cán bộ, nhân viên nhận thức được trách nhiệm trong việc cải thiện, nâng cao các chỉ số. Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh cùng chung tay tháo gỡ những rào cản cho doanh nghiệp, góp sức xây dựng tỉnh Bắc Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh bổ sung thêm Sở Ngoại vụ và Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy tỉnh để chấm điểm trong năm 2017.