The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh: Thu trên 8 nghìn tỷ đồng nợ thuế

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thu được 8.191 tỷ đồng nợ thuế.

tune
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong khen thưởng cá nhân và tổ chức thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.
Trong 3 tháng còn lại, đơn vị triển khai một loạt biện pháp xử lý nhằm đảm bảo số tiền nợ thuế giảm ở mức thấp nhất và hạn chế không để phát sinh thêm nợ mới, với mục tiêu tổng nợ thuế không vượt quá 5% so tổng thu ngân sách năm 2017.
Nợ thuế giảm 7,2%

Theo báo cáo của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, toàn địa bàn hiện có 202.582 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Trong đó, số DN tăng thêm là 31.723 DN và số DN giảm là 17.780 DN. Riêng trong 2 tháng 7 và 8/2017 đều có số DN phát sinh tăng cao từ đầu năm đến nay (tăng trên 2.000 DN). Địa bàn có số lượng DN tăng cao nhất là quận 1, quận Gò Vấp và quận Tân Bình...

Chia sẻ về tình hình nợ thuế cũng như các giải pháp xử lý, ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, công tác quản lý thu nợ thuế được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2017. Vì vậy ngay từ đầu năm, đơn vị đã tích cực thực hiện việc rà soát, phân loại tiền thuế nợ đúng tính chất nợ theo quy trình quản lý nợ thuế; tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế đối với các khoản tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp và các khoản thu liên quan về đất theo quy định. Để triển khai các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế năm 2017 đạt hiệu quả cao, đơn vị còn thực hiện một số biện pháp như: Thông báo công khai thông tin các DN nợ thuế lên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai biện pháp ngăn chặn tạm dừng xuất cảnh đối với những đối tượng được quy định ở Luật Quản lý thuế, Nghị định 83/2013/NĐ-CP.

“Chính nhờ vậy mà tổng số nợ thuế (có khả năng thu) phát sinh trên toàn địa bàn tính đến ngày 30/9/2017 đã giảm được 7,2% so với nợ thuế tại thời điểm 31/12/2016, ở mức 10.072 tỷ đồng, tương đương giảm 782 tỷ đồng. Về kết quả thu nợ thuế của năm 2016 chuyển sang năm 2017, tổng thu mà đơn vị thực hiện được là 8.191 tỷ đồng, trong đó thu bằng biện pháp quản lý nợ 5.146 tỷ đồng và thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế 3.045 tỷ đồng”, ông Tâm nói.

Không để nợ thuế vượt quá 5% tổng thu

Có thể nói, TP. Hồ Chí Minh thời gian qua đã tập trung nhiều biện pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện cho DN phát triển sản xuất kinh doanh. Công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được triển khai đồng bộ ở các sở, ngành, trong đó cơ quan thuế tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách hành chính với chủ trương giảm thời gian, chi phí làm thủ tục kê khai, nộp thuế… đã tạo niềm tin cho DN đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít khó khăn như sức cạnh tranh của các DN vừa và nhỏ trên địa bàn hạn chế; môi trường đầu tư, kinh doanh chưa chuyển biến tích cực ở một số lĩnh vực; tình trạng ùn tắc giao thông, ngập lụt vẫn còn tiếp diễn; thời tiết cực đoan diễn ra phức tạp… đã phần nào làm hạn chế đến kết quả sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tác động đến nguồn thu và là một trong nhiều yếu tố tạo ra nợ thuế.

Để xử lý, ông Trần Ngọc Tâm cho biết, trong những tháng còn lại của năm, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai công tác thu nợ đúng quy trình, quy định và thực hiện các biện pháp xử lý nợ thuế có hiệu quả nhằm đảm bảo số tiền nợ thuế phải giảm ở mức thấp nhất, hạn chế không để phát sinh thêm nợ mới, với chỉ tiêu tổng nợ thuế đến 31/12/2017 không vượt quá 5% so tổng thu ngân sách năm 2017. Một loạt các giải pháp được ông Tâm nêu ra như xây dựng kế hoạch và tăng cường biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định; triển khai đồng bộ việc rà soát 100% các khoản nợ thuế, phân loại cụ thể từng khoản nợ thuế, thường xuyên đối chiếu nợ nhằm hạn chế nợ sai, nợ chờ xử lý… và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng những người nộp thuế cố tình dây dưa nợ thuế, nợ thuế lớn, thời gian nợ thuế kéo dài.

“Chúng tôi đã giao nhiệm vụ đôn đốc thu nợ thuế đến tất cả các đơn vị. Trong đó, yêu cầu cần chú trọng một số vấn đề như xác định cụ thể số nợ để xây dựng kế hoạch thu nợ cụ thể trong 3 tháng cuối năm. Kế hoạch cũng phải nêu rõ số lượng DN cần cưỡng chế, số nợ thuế phải thu… và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó là triển khai rà soát, hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, thủ tục giải quyết các hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ thuế và gia hạn nộp thuế theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, các sở, ban, ngành liên quan trong việc đôn đốc thu, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật”, ông Tâm khẳng định.

Đỗ Doãn