The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đà Lạt "mơ" giống Hà Nội?

Theo quy hoạch chung TP. Đà Lạt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 sẽ có diện tích tương đương Hà Nội với 335.930 ha. Là nội dung quan trọng trong đề án "Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Lạt đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050" do Chính phủ vừa phê duyệt, tờ Tuổi trẻ đưa tin.
Trước đó, năm 2008, Hà Nội đã từng được mở rộng sáp nhập tỉnh Hà Tây và một số khu vực thuộc tỉnh Hoà Bình và nhận nhiều bất lợi.
Diện tích tương đương Hà Nội
Theo đó, quy hoạch mới bao gồm Đà Lạt hiện hữu, các huyện lân cận như Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng, Lâm Hà, phù hợp cho Đà Lạt tương lai, dự kiến có hơn 700.000 dân và phục vụ cho khoảng 10 triệu du khách/năm.
Mục tiêu của quy hoạch điều chỉnh là phát triển thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) mở rộng đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, “có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế”.
Quy hoạch Đà Lạt điều chỉnh nêu rõ, Đà Lạt trong tương lai sẽ gồm 6 đô thị vệ tinh lấy Đà Lạt hiện hữu là trung tâm. Các đô thị vệ tinh đảm nhiệm các chức năng khác nhau và cùng kết nối.
Đà Lạt (5.900 ha) là đô thị đảm nhiệm chức năng của một trung tâm hành chính, nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc.
Huyện Đức Trọng sẽ hình thành các khu đô thị là Liên Nghĩa - Liên Khương (2.600 ha) và FiNôm - Thạnh Mỹ (1.700 ha), Đại Ninh (350 ha) được định hướng trở thành trung tâm thương mại, giải trí và phát triển kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao.
Huyện Lâm Hà với đô thị Nam Ban (500 ha) sẽ là trung tâm du lịch hỗn hợp, chế biến nông sản, công viên chuyên đề nông nghiệp công nghệ cao.
Tại huyện Đơn Dương sẽ hình thành đô thị Đ’Ran (350 ha) có chức năng phát triển du lịch cảnh quan hồ. Đô thị Lạc Dương (300 ha) được định hướng hình thành vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ.
Diện tích đất nằm ngoài quy hoạch đô thị được tính toán để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào sản xuất nông sản xuất khẩu vào thị trường các nước phát triển.
Quy hoạch Đà Lạt mở rộng nhấn mạnh Đà Lạt và các đô thị vệ tinh được định hướng để kết nối phát triển cùng các tỉnh Đông Nam bộ và duyên hải Nam Trung bộ.
Hà Nội nhận bất lợi vì mở rộng
Trước đó, vào ngày 1/8/2008, Thủ đô Hà Nội chính thức được mở rộng sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết về điều chỉnh địa giới hành chính, sáp nhập tỉnh Hà Tây và một số khu vực thuộc tỉnh Hoà Bình, đưa diện tích của Hà Nội lên tới hơn 3.300 km2 và trở thành một trong số 17 thành phố, thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới.
Đánh giá về việc mở rộng Hà Nội sau 5 năm, Ủy ban Pháp luật đã nhận xét: "Không những chưa thực sự được hưởng đầy đủ những giá trị thiết yếu cho cuộc sống mà người Hà Nội vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn".
Những vấn đề khó khăn được chỉ ra như: Riêng với các chỉ tiêu phát triển, có ý kiến tại Ủy ban cho rằng tốc độ tăng trưởng chưa ngang tầm với những tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, nhất là lợi thế Hà Nội có được do điều chỉnh mở rộng thành phố. Thậm chí chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hà Nội năm 2012 chỉ đứng thứ 51/63 tỉnh, thành.
Số liệu đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 Hà Nội đã tăng lên gần 20 bậc, lên vị trí thứ 33 trên bảng xếp hạng tuy nhiên xếp hạng của Hà Nội vẫn nằm ở nhóm cuối những tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh khá và kém nhiều thành phố như Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP.HCM.
Về nguyên nhân khiến Hà Nội chưa đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng PCI, ông Edmund Malesky - thành viên nhóm nghiên cứu cho rằng việc sáp nhập với Hà Tây đã gây ra khó khăn cho Hà Nội.
Quy hoạch đất đai bị đình hoãn, sáp nhập các cơ quan hành chính sự nghiệp khiến nhiều thủ tục bị chậm trễ, nhà đầu tư bực mình, vị này cho biết.
Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn nhận định chỉ số năng lực cạnh tranh của Hà Nội thấp do sáp nhập Hà Tây là điều không bất ngờ.
"Từ năm 2008 - 2011, sau khi Hà Nội và Hà Tây sáp nhập thì hầu như mọi hoạt động, trong đó có tiếp cận đất đai đình hoãn vì thành phố phải làm lại quy hoạch. Nếu quan sát PCI những năm đó, có thể thấy chỉ số tiếp cận đất đai thấp", vị này nói.
Ông Malesky cũng phản ánh Hà Nội sau khi sáp nhập rất khó kiềm chế các chi phí bôi trơn chính thức, cải cách thể chế cũng gặp nhiều trở ngại khi các cơ quan, ban ngành cần thời gian chấn chỉnh lại.
Thậm chí đã sát nhập vào Hà Nội 6 năm nhưng một số xã ngoại thành Hà Nội đến nay vẫn chưa có nước sạch để dùng.
Cụ thể, người dân thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai, Hà Nội vẫn phải sử dụng nước lấy từ ao tù trong làng.
Cách đó không xa, tại xã Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội, gần 10.000 người dân cũng chưa một lần được nhìn thấy dòng nước sạch. Với mức giá 60 nghìn đồng/khối nước, người dân ở đây luôn phải tìm đủ mọi cách để tiết kiệm nước kể cả tái sử dụng nước đã dùng rồi.
Theo Đất Việt