The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đà Nẵng: Tiếp tục hoàn thiện chỉ số cạnh tranh

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đo lường công tác điều hành của các tỉnh, thành phố trong 10 lĩnh vực có tác động lớn đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. Năm 2016, Đà Nẵng tiếp tục giữ ngôi đầu PCI cả nước nhờ sự cải thiện đồng bộ trong đào tạo lao động, tạo môi trường cạnh tranh, giảm chi phí gia nhập thị trường… Nhưng bên cạnh đó, một số chỉ số vẫn còn thấp so với tiềm năng của thành phố.

Cận cảnh PCI Đà Nẵng

Vị thứ trên bảng xếp hạng lần này chính là nhờ sự vượt trội trong những chỉ số thành phần, nhất là những tiêu chí trước đây chỉ được đánh giá ở mức thấp hoặc trung bình. Nhờ vậy, tổng số điểm Đà Nẵng đạt được (70 điểm) vượt xa đơn vị đứng thứ hai (65,6 điểm).

Đơn cử như, chỉ số “chi phí thời gian”, năm 2015, Đà Nẵng đạt 7,50 điểm, năm 2016 tăng lên 7,74 điểm. Chỉ số “chi phí không chính thức” tăng từ 6,11 năm 2015 lên 6,51 năm 2016; chỉ số “cạnh tranh bình đẳng” tăng từ 4,77 điểm lên 5,45; “đào tạo lao động” tăng 0,36 điểm (từ 7,62 tăng lên 7,98). Đặc biệt, đánh giá ghi nhận của doanh nghiệp (DN) về những nỗ lực của chính quyền thành phố đã giúp điểm của chỉ số “tính năng động của chính quyền” tăng một cách ngoạn mục từ 6,17 năm 2015 lên 7,06 điểm năm 2016 (tăng 0,89 điểm). Đây là điều đặc biệt chỉ của riêng Đà Nẵng, bởi dù đây là chỉ số được cải thiện nhiều nhất của cả nước nhưng mức độ “nhích lên” trung bình chỉ dừng ở con số khiêm tốn 0,3 điểm.

Nói về chỉ số này, ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam nhận định: “Có thể nói đây là một trong những chỉ số quan trọng nhất của PCI. Dù địa phương có bao nhiêu chính sách đi nữa thì chính quyền cũng phải năng động mới biến chính sách thành hiện thực”. PCI đánh giá sự năng động của chính quyền qua việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh, thái độ đối với khu vực tư nhân và sự linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Đây cũng là các tiêu chí xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh mà lãnh đạo thành phố quan tâm trong nhiều năm qua.

Bên cạnh sự năng động, hai chỉ số “tính minh bạch” và “chi phí thời gian” của Đà Nẵng cũng được đánh giá khá cao so với mặt bằng chung cả nước. Ba năm trở lại đây, các thủ tục hành chính của Đà Nẵng được cải tiến đáng kể thông qua hệ thống “một cửa” và “một cửa liên thông”, trực tiếp cắt giảm thời gian chờ đợi, đi lại của người dân và DN.

Điểm số của chỉ số này cũng tăng dần theo các năm và đang ở mức 7,74. Trong khi đó, báo cáo của VCCI và USAID cho hay, tính trung bình cả nước, đây là chỉ số liên tục giảm và đang ở mức thấp lịch sử kể từ khi PCI được khảo sát trên toàn bộ các tỉnh, thành phố Việt Nam. Trong buổi tọa đàm “Cà-phê doanh nhân” do VCCI tổ chức ngay sau lễ công bố kết quả PCI 2016, mô hình “Thủ tục liên thông” tại Đà Nẵng đã được đưa ra thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác.

Tuy nhiên, như lãnh đạo thành phố từng thẳng thắn thừa nhận, Đà Nẵng từng “loay hoay” trong “cái bẫy” của những thủ tục hành chính rườm rà, thông tin về việc ban hành và thực hiện chính sách của các cấp chính quyền không được công khai, minh bạch. Tuy vậy, những năm gần đây thành phố đã có những bước tiến đáng kể. Đơn cử, năm 2016, lãnh đạo thành phố quyết liệt chỉ đạo công khai thông tin quy hoạch. Theo đó, mỗi dự án liên quan đến sử dụng đất, dù ở quy mô nào cũng đều phải qua đấu giá công khai. Nhờ đó, DN trực tiếp tham gia biết, cộng đồng DN biết, cơ quan có chức năng giám sát, phản biện biết và cộng đồng xã hội cũng biết.

Dẫu có nhiều nỗ lực cải thiện để phục vụ môi trường đầu tư cho DN, Đà Nẵng vẫn cần sự bứt phá trong một số lĩnh vực. Theo kết quả đánh giá, một vài chỉ số thành phần đã có sự sụt giảm về điểm số, trong đó có chỉ số “tiếp cận đất đai” (giảm 0,04 điểm) hay “dịch vụ hỗ trợ DN” (giảm 0,05 điểm). Thực tế, vấn đề hỗ trợ DN từng được đề cập nhiều lần trong các buổi đối thoại giữa lãnh đạo thành phố và cộng đồng DN. Nhiều DN xuất khẩu trên địa bàn Đà Nẵng “khát” thông tin về thị trường, tư vấn pháp luật…

Mặc dù thành phố có không ít đơn vị có chức năng hỗ trợ DN trong và ngoài nước, nhưng sự gia tăng nhanh chóng về số lượng DN đòi hỏi các sở, ban, hiệp hội cũng cần tăng tốc mới mong bắt kịp.

Nhìn vào bảng điểm các chỉ số thành phần, có thể thấy một số chỉ số của Đà Nẵng dù tăng nhưng vẫn còn khiêm tốn. Chia sẻ với chúng tôi, chuyên gia nhóm nghiên cứu của VCCI và USAID cho rằng, Đà Nẵng nên tiếp tục chú trọng cải thiện “chi phí không chính thức” (tăng từ 6,11 năm 2015 lên 6,51 năm 2016) và “thiết chế pháp lý” (tăng từ 6,46 năm 2015 lên 6,47 năm 2016).

TS. Edmund Malesky (Trường Đại học Duke, Mỹ – Trưởng nhóm nghiên cứu) đánh giá đây là hai chỉ số quan trọng để tạo niềm tin cho DN khi đầu tư. “Nếu có một cán bộ Nhà nước làm sai quy định pháp luật, hệ thống pháp luật cần tạo cơ chế để DN tố cáo cán bộ đó”, TS. Malesky nói.

Khai thác hiệu quả lợi thế để thu hút đầu tư

Có một thực trạng: Dù Đà Nẵng luôn dẫn đầu PCI trong nhiều năm liền, nhưng 3-4 năm trở lại đây, số dự án đầu tư có tính chiến lược vào thành phố không nhiều. Vì vậy, câu hỏi và cũng là băn khoăn của không ít địa phương: Liệu cải thiện PCI có giúp địa phương tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hay không?

Các chuyên gia khẳng định: Có bằng chứng thống kê rõ ràng về mối quan hệ chặt chẽ giữa các nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành và sự phát triển của khu vực tư nhân. Các nhà đầu tư ban đầu tạo ra các cơ hội và thị trường. Đến lượt nó, những cơ hội và thị trường này lại tạo ra điều kiện cho DN mới hình thành. Như vậy, nếu địa phương tập trung cải thiện chất lượng điều hành bây giờ thì sẽ tạo được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN sau này.

Khi được đặt câu hỏi “Nếu DN của bạn có kế hoạch mở rộng kinh doanh sang tỉnh, thành phố khác tại Việt Nam hay quốc gia khác, DN của bạn sẽ chọn đầu tư vào địa điểm nào?”, 475/3.462 DN chọn Đà Nẵng làm điểm đến. Con số này cao thứ hai cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, điểm thú vị ở đây là nếu như phần lớn DN chọn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vì các cơ hội kinh doanh (81-85%) hay quy mô thị trường (74%), thì đối với Đà Nẵng, chất lượng điều hành tốt mới chính là yếu tố thu hút các nhà đầu tư tiềm năng (65%). “Đây cũng là một yếu tố quan trọng trong thu hút đầu tư. Thậm chí, đối với các doanh nghiệp lựa chọn Singapore hay Nhật Bản, yếu tố này tương đương với lý do hàng đầu”, TS. Malesky khẳng định.

Thực tế, đối với một số nhà đầu tư, Đà Nẵng có ít lợi thế về vị trí địa lý hơn so với một số địa phương khác như Quảng Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên… Tuy nhiên, chủ trương của thành phố là không thu hút đầu tư bằng mọi giá, đặc biệt luôn đưa yếu tố môi trường lên hàng đầu.

Phân tích dữ liệu PCI 11 năm qua khẳng định cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính thông thoáng sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho các địa phương, thậm chí còn góp phần khắc phục những bất lợi về điều kiện hạ tầng hay vị trí địa lý.

XUÂN DUYÊN – KHANG NINH

VFpress