The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đắk Lắk: 4 nhóm giải pháp đột phá phát triển

Từ những kết quả đạt được trong năm qua, tỉnh Đắk Lắk sẽ nỗ lực tiếp tục phát triển kinh tế gắn liền với chăm lo tốt hơn nữa đời sống nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị chia sẻ điều này trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử Chính phủ thường trú tại miền Trung-Tây Nguyên nhân dịp năm mới Đinh Dậu.

Thưa ông, nhìn lại tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 trên địa bàn Đắk Lắk, những điểm nổi bật nào theo ông là ấn tượng nhất?

Ông Phạm Ngọc Nghị: Cùng với các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh Tây Nguyên, năm 2016, Đắk Lắk cũng đứng trước nhiều khó khăn thách thức do biến động thị trường, do thiên tai...

Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự đồng thuận và chia sẻ khó khăn của các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2016 đạt được những kết quả khá tích cực.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế ổn định đi đôi với giảm nghèo bền vững, bảo đảm mọi người dân được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, mở rộng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng…

Tỉnh cũng hết sức chú trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức và dần dần lấy lại đà tăng trưởng. Trong đó, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như cà phê, tiêu, cao su... đạt được sản lượng khá, tăng nguồn thu đáng kể cho doanh nghiệp, người dân và ngân sách.

Trong 18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu có 10 chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2015, đạt và vượt kế hoạch năm 2016, nổi bật nhất là chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế đạt 7,02% (kế hoạch 7%), thu nhập bình quân đầu người đạt 36,7 triệu đồng (kế hoạch 36,3 triệu).

Đắk Lắk đã đồng hành và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Vậy tỉnh đã thực hiện những công việc cụ thể như thế nào?

Ông Phạm Ngọc Nghị: Triển khai Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, Đắk Lắk đã lồng ghép, ban hành chương trình hành động rất cụ thể.

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư thông thoáng cho các nhà đầu tư, đồng thời nỗ lực thực hiện công tác cải cách hành chính để tạo bước đột phá trong cung ứng dịch vụ công và thu hút đầu tư. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Đắk Lắk năm 2015 đã tăng 7 bậc, từ hạng 30/63 năm 2014 lên vị trí 23/63 tỉnh, thành phố. Về chỉ số hỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI, năm 2015, tỉnh Đắk Lắk xếp thứ 42/63 tỉnh, thành phố, tăng một bậc so với xếp hạng năm 2014.

Chúng tôi rất chú trọng công tác chỉ đạo, kiểm tra các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực tư nhân.

Đến cuối năm 2016 , Đắk Lắk có 720 doanh nghiệp dân doanh đăng ký mới (tăng 9,6% so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký 2.880 tỷ đồng (tăng 36,04% so với cùng kỳ). Số doanh nghiệp của tỉnh còn hoạt động là 6.238 đơn vị (51 doanh nghiệp nhà nước, 6.180 doanh nghiệp dân doanh, 07 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài); 1.088 chi nhánh và 261 văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Có thể nói đó là nỗ lực lớn và sẽ tạo đà cho Đắk Lắk có nhiều doanh nghiệp mới ra đời trong năm 2017, hoạt động có hiệu quả để góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra.

Xin ông cho biết trong năm 2017, những mục tiêu, giải pháp nào về kinh tế- xã hội sẽ được tỉnh quan tâm nhất?

Ông Phạm Ngọc Nghị: Mục tiêu hàng đầu mà chúng tôi đề ra là thực hiện tái cơ cấu, tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bảo đảm ổn định, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện tốt an sinh xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, tăng cường hiệu lực bộ máy quản lý Nhà nước.

Đảng bộ và chính quyền Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế khoảng 7,5 - 8% so với thực hiện năm 2016.

Để thực hiện có kết quả mục tiêu đó, chúng tôi tập trung vào 4 nhóm giải pháp đột phá sau:

Đẩy mạnh và hành động quyết liệt về cải cách hành chính, trong đó, cải cách đạo đức công vụ và chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức được đặt lên hàng đầu. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong quy trình xử lý công việc và trong giao dịch, nhất là trong hoạt động dịch vụ hành chính công, dịch vụ công của đơn vị sự nghiệp công cũng là yêu cầu cấp thiết.

Huy động và nâng cao hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư. Tiếp tục cải tiến và công khai hoá các quy trình, thủ tục hành chính để đơn giản hóa thủ tục đầu tư. Lãnh đạo tỉnh hàng tuần sẽ họp giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhanh chóng thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực, cụ thể .

Rà soát quy hoạch, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ sống còn của một tỉnh như Đắk Lắk, với thế mạnh là nông nghiệp, nhưng phải đối mặt với tác động của biến đổi khí hậu. Do vậy, tỉnh sẽ chấn chỉnh lại công tác quy hoạch, chỉ bố trí kinh phí rà soát, lập các quy hoạch thực sự cần thiết, hiệu quả. Thực hiện tốt chính sách tiêu thụ hàng hoá nông sản thông qua hợp đồng nhằm tạo sự gắn kết, ổn định lâu dài giữa nhà máy chế biến với người sản xuất nguyên liệu trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thành lập khu công nghiệp tập trung chế biến nông, lâm sản công nghệ cao với quy mô khoảng 325 ha.

Chú trọng công tác thu chi ngân sách Nhà nước. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ về kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước trung hạn và Đề án chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính an toàn bền vững. Trên cơ sở đó thực hiện đồng bộ các giải pháp để thu ngân sách ngay từ đầu năm, chống thất thu và nợ đọng thuế; cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước của tỉnh theo hướng hiệu quả, bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển, quản lý và quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí nói chung đúng quy định, có hiệu quả.

Đồng bào các dân tộc Đắk Lắk trong ngày hội. Ảnh: VGP/Minh Hùng

Cùng với cả nước, Đắk Lắk thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là "nhà nhà đều có Tết" như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Nghị: Năm 2016, Đắk Lắk chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, lũ lụt vì vậy đời sống của đồng bào các dân tộc gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, nguy cơ thiếu đói dịp Tết và dịp giáp hạt là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để "nhà nhà đều có Tết", Đảng bộ và chính quyền từ tỉnh và các cấp trong thời gian qua đã tập trung chăm lo Tết cho đồng bào.

Chúng tôi đã rà soát, thống kê tất cả các hộ có nguy cơ thiếu đói trong dịp Tết và trình Chính phủ hỗ trợ 500 tấn gạo và đã được phân bổ về 13 huyện để cấp cho đồng bào kịp thời, đúng đối tượng.

Ban hành mức hỗ trợ Tết cho các tập thể, cá nhân, gia đình chính sách với tổng số tiền trên 40 triệu đồng; vận động các doanh nghiệp đưa hàng hóa, các nhu yếu phẩm đến phục vụ tại chỗ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Ngoài đời sống về vật chất, chúng tôi cũng hết sức quan tâm đến đời sống tinh thần cho đồng bào, trong đó các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống... được chuẩn bị chu đáo, có chọn lọc để những ngày Tết Đinh Dậu diễn ra vui tươi, đầm ấm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Minh Hùng (thực hiện)

Báo Chính phủ