Đắk Lắk tạo động lực phát triển từ cải cách hành chính
01 Tháng 11, 2021
UBND tỉnh Đắk Lắk xác định cải cách hành chính là khâu đột phá để tạo động lực phát triển, tỉnh quyết tâm nâng cao hiệu quả, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo.
Cải thiện từng ngày
Những năm qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực không ngừng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Liên tiếp trong nhiều năm, các chỉ số liên quan đến cải cách hành chính của Đắk Lắk đều có chuyển biến tích cực.
Năm 2020, Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) của Đắk Lắk xếp hạng 45/63 tỉnh thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2019; Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2019 và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2019. Những tiến bộ cụ thể đó thể hiện quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Đắk Lắk trong công tác cải cách hành chính.
Từ năm 2017, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.
Đây là cơ sở quan trọng để UBND tỉnh định kỳ đánh giá, xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính ở các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố. Toàn tỉnh đã kiểm tra 189 đợt tại 100% sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện và phần lớn UBND cấp xã.
UBND tỉnh Đắk Lắk đã cụ thể hóa các cơ chế chính sách, ban hành trên 1.220 văn bản chỉ đạo, điều hành, đôn đốc hoạt động cải cách hành chính. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong thực hiện cải cách hành chính; họp mặt doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc; đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công vào hoạt động; đưa chữ ký số vào xử lý, ban hành văn bản… Đến cuối năm 2020, tỉnh đã đạt 3/4 mục tiêu cải cách theo Nghị quyết của Tỉnh ủy ban hành.
Ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk cho biết, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và cải cách hành chính tạo nền tảng quan trọng để thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư, góp phần đưa Đắk Lắk phát triển. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp và nhà đầu tư đánh giá cao nỗ lực cải cách hành chính của tỉnh, số vốn đầu tư vào Đắk Lắk ngày càng tăng cao.
Trong năm 2021, dù ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng Đắk Lắk đón nhận làn sóng đầu tư mới, thu hút dòng tiền từ các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, phát triển đô thị, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất sản phẩm nông nghiệp… Trong những tháng đầu năm 2021, tỉnh đã quyết định chủ trương đầu tư cho 10 dự án, với tổng số vốn trên 10.185 tỷ đồng, tăng hơn 9.400 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 6 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhiều doanh nghiệp lớn như Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Đầu tư Alphanam, Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Holdings… đã đến Đắk Lắk và đề xuất đầu tư dự án, trong đó Tập đoàn Trung Nam và Tập đoàn Xuân Thiện đang đầu tư xây dựng các dự án ngàn tỷ tại đây.
Tạo động lực từ cải cách
Có nhiều bước tiến cụ thể trong cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư của Đắk Lắk, song vẫn còn đó những điểm nghẽn trong công tác này. Chính vì vậy mà Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định cải cách hành chính là khâu đột phá, tạo động lực phát triển của tỉnh.
Để cụ thể hóa nhiệm vụ đột phá cải cách hành chính trong nhiệm kỳ 2020-2025, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch cải thiện Bộ chỉ số PAPI, PAR Index, SIPAS (chỉ số hài lòng), đổi mới cách đánh giá xếp hạng chỉ số cải cách hành chính ở từng sở, ngành, địa phương; gắn cải cách hành chính với lộ trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp.
UBND tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu đến năm 2025, PAR Index phải nằm trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu. Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phải áp dụng trên 50% tổng số hồ sơ giao dịch; 80% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến phải ở mức độ 3,4; 50% thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành tham mưu giải pháp nâng cao Chỉ số PAPI, Chỉ số PAR Index, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chỉ số đánh giá, xếp hạng công tác cải cách hành chính trên địa bàn cũng được UBND tỉnh ban hành để đánh giá kết quả cải cách hành chính cấp sở, địa phương.
Quan trọng hơn, tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Yêu cầu các sở, ngành và địa phương giải quyết những bất cập do quy định chồng chéo trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai và tài nguyên môi trường.
Áp dụng chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, phấn đấu đến cuối năm 2021 có 25% thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích…
Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, ông Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh, để công tác cải cách hành chính tích cực hơn, lãnh đạo các sở, ngành, cơ sở cần tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, chỉ đạo nghiêm túc việc cải thiện các chỉ số PAPI, PAR Index, SIPAS, bộ chỉ số chuyển đổi số áp dụng cho đơn vị.
Để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong thực thi, UBND tỉnh đang tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra.
Nỗ lực và quyết tâm cao, tỉnh Đắk Lắk đang hướng đến cải thiện cả về “chất” và “lượng” trong cải cách hành chính và môi trường đầu tư; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo cho công tác cải cách, từ đó tạo đột phá cho sự phát triển bền vững vùng đất trung tâm của Tây Nguyên này.