The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đăk Nông: Quyết liệt triển khai nhiều giải pháp cải thiện chỉ số PCI

Thực hiện phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển kinh tế, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh (PCI) tỉnh Đắk Nông năm 2016. Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu, chuyên gia về những giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI của tỉnh trong thời gian tới.

Tính minh bạch có vai trò mấu chốt

Năm 2015, số điểm PCI Đắk Nông là 48,96 điểm, đứng ở cuối cùng bảng xếp hạng trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong 10 chỉ số thành phần thì tỉnh có tới 9 chỉ số giảm điểm. Trong đó, tính minh bạch là 1/10 chỉ số thành phần mà Đắk Nông đã giảm nhiều điểm nhất.

Nếu như năm 2013, chỉ số này đạt 6,53 điểm thì đến năm 2014 còn 5,98 điểm và năm 2015 giảm mạnh xuống còn 5,41 điểm. Đây là nội dung đã được các cán bộ của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) coi là điểm mấu chốt đầu tiên mà tỉnh Đắk Nông cần tập trung giải quyết.

Cũng theo VCCI thì hầu hết doanh nghiệp cho rằng, họ cần có mối quan hệ để có được tài liệu của tỉnh hay phải thương lượng với cán bộ thuế là phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh. Do tính minh bạch không cao nên sự hài lòng của doanh nghiệp về chất lượng các dịch vụ hành chính của tỉnh còn ở mức rất thấp. Cụ thể, doanh nghiệp đánh giá cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả giảm.

Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Ngọc Lan, cán bộ VCCI, thuộc nhóm nghiên cứu, đánh giá PCI Đắk Nông, thì việc cung cấp thông tin trên các trang thông tin điện tử của địa phương, sở, ngành của Đắk Nông cần có những cách tiếp cận đặc thù hơn đối với những nhóm doanh nghiệp cụ thể.

Hầu hết thông tin thường chỉ cung cấp các văn bản, chính sách, các quyết định, thông tư và đối với những doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp có trình độ học vấn còn tương đối hạn chế thì cách thức cung cấp thông tin cho họ như thế là rất khó nắm bắt. Do vậy, có thể mô hình hóa, sơ đồ hóa những thông tin cung cấp những văn bản, chính sách một cách đơn giản nhất, dễ hiểu nhất cho tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp đi lên từ các hộ nông dân, hộ gia đình để họ nhìn vào hiểu được, tiếp cận được nhanh chóng.

Cũng về vấn đề này, ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Công ty CP Năng lượng Tân Việt Đức (Đắk R’lấp) cho rằng: “Chính việc tính minh bạch không cao đã làm cho doanh nghiệp phải bỏ một khoản khá lớn chi phí không chính thức để tránh sự nhũng nhiều, phiền hà, gây khó của cán bộ khi làm hồ sơ, thủ tục. Theo tôi, để cải thiện được chỉ số PCI, đội ngũ cán bộ thực thi công vụ phải thật sự có tâm, có tầm. Những nơi phát hiện ra việc nhũng nhiễu, gây khó thì phải có sự kỷ luật để răn đe thì mới mong đem lại sự hài lòng cho doanh nghiệp”.

Phát huy vai trò của người đứng đầu

Theo các chuyên gia tại hội thảo thì tỉnh cần tập trung vào thủ tục hành chính phiền hà nhất, cụ thể như thuế, phí, lệ phí, đất đai, giải phóng mặt bằng, cảnh sát giao thông....Cùng với đó, tỉnh cần tập trung vào giải quyết những khó khăn chính mà doanh nghiệp đang gặp phải. Đầu tiên là về vốn, hỗ trợ doanh nghiệp, thủ tục hành chính, giảm bớt gánh nặng thanh tra, kiểm tra.

Về khuyến nghị đối với tỉnh trong việc cải cách thủ tục hành chính, ông Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Chi nhánh VCCI tại Đà Nẵng cho rằng: “Tỉnh nên triển khai mô hình lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân bằng việc lắp đặt hệ thống máy móc tại các điểm giao dịch. Khi giao dịch xong thì người dân, doanh nghiệp bấm máy đánh giá với các mức độ khác nhau. Qua đó, tỉnh có thể biết thực tế mức độ phục vụ như thế nào để có kế hoạch cải thiện phù hợp. Cùng với đó, vai trò của người đứng đầu trong việc gương mẫu thực hiện, giám sát, kiểm tra đối với việc thực thi công vụ của cấp dưới gắn với thi đua khen thưởng hằng năm là rất quan trọng”.

Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cũng cho biết: “Khi vai trò người đứng đầu được phát huy tốt hơn trong việc cải thiện môi trường đầu tư thì sẽ tạo được sợi dây liên kết, cầu nối thân thiết hơn với doanh nghiệp để có thể tạo được niềm tin của doanh nghiệp vào các chủ trương, chính sách, đồng thời tham vấn tốt ý kiến, hiến kế của doanh nghiệp đối với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội địa phương hằng năm”.

Về quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh, tỉnh đã ban hành Kế hoạch 217a/KH- UBND để cải thiện môi trường kinh doanh nhằm cải thiện chỉ số PCI của cấp tỉnh. Trên cơ sở kế hoạch này, tỉnh ban hành các văn bản xử lý các công việc cụ thể để với mục tiêu chung, đặt ra các chỉ tiêu trong từng thang điểm đánh giá của chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh và giao nhiệm vụ cho từng sở, ngành, địa phương. Sở Nội vụ cũng sẽ xây dựng chế tài về đánh giá cán bộ, công chức cuối năm, liên quan đến việc đánh giá nhiệm vụ về việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh trên từng lĩnh vực công tác, từng sở, ngành, địa phương.

Đồng chí Trần Xuân Hải, UVTVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định:

Toàn bộ hệ thống chính trị phải xem doanh nghiệp là người bạn đồng hành của mình. Và như vậy thì những cái vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp từ đầu vào trong việc vận hành hộp đen cho đến đầu ra đều phải được cơ quan nhà nước tháo gỡ, xem như nhiệm vụ làm việc của mình.

Hồng Thoan

Báo Đắk Nông