The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

ĐẮK NÔNG TẠO MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Với những lợi thế về khoáng sản, đất đai, cây công nghiệp…, để phát huy các lợi thế này, những năm qua, tỉnh Đắk Nông đã tích cực đưa ra những giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tạo môi trường thuận lợi nhất cho đầu tư, kinh doanh

Ngay từ đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, định hướng đến năm 2020. Mục tiêu của kế hoạch nhằm tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm gắn với tái cơ cấu các ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại - dịch vụ... nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế; cải thiện điểm số và chỉ số PCI, phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh ở nhóm trung bình cả nước; đồng thời nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong kế hoạch này, tỉnh yêu cầu các đơn vị rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và bình đẳng cho mọi tổ chức, doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm với một số công trình ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Đặc biệt 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của UBND tỉnh được công bố công khai; tối thiểu 50% thủ tục hành chính rà soát trong năm 2017 được kiến nghị đơn giản hóa.

Hội chợ Triển lãm - Thương mại Đắk Nông - Mondulkiri lần thứ I năm 2017.

Nhấn mạnh đến những cam kết trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn đã khẳng định: “Tỉnh sẽ tạo môi trường thuận lợi nhất cho đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; nâng cao mức độ hài lòng của nguời dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”.

Bãi bỏ hơn 200 thủ tục hành chính

Số liệu thống kê mới nhất vào ngày 6/12 cho thấy đến thời điểm này UBND tỉnh đã ban hành 24 Quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) với tổng số 920 TTHC. Trong đó: công bố mới, sửa đổi, bổ sung: 718 thủ tục hành chính; hủy bỏ, bãi bỏ: 202 thủ tục hành chính các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, nông nghiệp, tư pháp, văn hóa, y tế, giáo dục nghề nghiệp, xã hội, đầu tư, công thương.

UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác cải cách hành chính như: Thành lập Ban chỉ đạo cải cách hành chính của tỉnh, xây dựng quy chế hoạt động và kế hoạch hoạt động; Ban hành kế hoạch cải cách hành chính năm 2017. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính của từng cơ quan, đơn vị. Qua theo dõi, đa số các cơ quan, đơn vị đã triển khai thực hiện theo kế hoạch CCHC năm 2017 kịp thời, cụ thể hóa được các nhiệm vụ, sản phẩm, tiến độ, phân công trách nhiệm và bố trí nguồn lực thực hiện. Đồng thời, tỉnh còn chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với cải thiện và nâng cao chỉ số CCHC (PAR INDEX); chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI).

Hiện nay, số lượng TTHC đang thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cấp trên địa bàn tỉnh như sau: Cấp tỉnh: Tổng số 1.422 TTHC, trong đó: Một cửa 1.226 TTHC, một cửa liên thông 196 TTHC. Cấp huyện: Tổng số 305 TTHC, trong đó: Một cửa 208 TTHC, một cửa liên thông 97 TTHC. Cấp xã: Tổng số 171 TTHC, trong đó: Một cửa 114 TTHC, một cửa liên thông 57 TTHC.

Về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, trong năm 2017 Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực triển khai quyết liệt và kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng nhưng đang gặp khó khăn tạm thời về tài chính, tiếp cận vốn tín dụng. Tính đến 30/10/2017, toàn địa bàn đã có 510 doanh nghiệp vay vốn, với dư nợ ước đạt 2.660 tỷ đồng (chiếm 13,10% tổng dư nợ đối với nền kinh tế). Mặt bằng lãi suất cho vay doanh nghiệp hiện nay khá thấp, hầu hết dưới 13%/năm và phổ biến ở mức ≤ 9%/năm.

Ngân hàng và các tổ chức tín dụng tích cực triển khai kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. (Ảnh: Báo Đăk Nông điện tử)

Ngoài ra UBND tỉnh cũng phê duyệt 9 đề án xúc tiến thương mại với tổng kinh phí hỗ trợ 1,1 tỷ đồng, trong đó có 6 đề án xúc tiến thương mại tại địa phương. Chấp thuận, phối hợp và tạo điều kiện cho 5 doanh nghiệp đăng ký tổ chức 22 hội chợ, triển lãm thương mại trong năm 2017; tổ chức 2 đoàn doanh nghiệp tham gia hội chợ trong nước; 1 đoàn nghiên cứu, khảo sát thị trường, kết nối giao thương tại tỉnh Khánh Hòa; tổ chức thành công Hội chợ thương mại Đắk Nông – Mondulkiri năm 2017 tại Campuchia với sự tham gia khoảng 50-100 tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức 1 lớp tập huấn kỹ năng nghiên cứu và phát triển thị trường; phối hợp với phòng Thương mại và Công nghiệp Việt nam tại Đà Nẵng tổ chức lớp tập huấn kiến thức về xuất nhập khẩu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.

Trong năm 2018 tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018, định hướng đến năm 2020. Tỉnh yêu cầu từng ngành, từng cấp cần phải tập trung rà soát, nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế, các nút thắt trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Hường Anh

Infonet