The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đào tạo nghề cho lao động yếu thế: Cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp

dao
Năm 2019, kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí khoảng 700 - 800 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp.

Nhiều nguồn kinh phí đào tạo nghề cho lao động yếu thế

Trong thời gian qua, Nhà nước luôn quan tâm, đầu tư cho đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đào tạo nghề cho đối tượng yếu thế. Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có kinh phí gần 26.000 tỷ đồng. Ngoài ra, lao động nông thôn và đối tượng yếu thế còn được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 46/2015/QĐ-TTg quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước còn bố trí đào tạo nghề cho lao động nông thôn thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình cho vay giải quyết việc làm, cho vay vốn hộ nghèo,… Năm 2019, kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí trong kinh phí xây dựng nông thôn mới, dự toán khoảng 700 -800 tỷ đồng.

Nhờ sự đầu tư từ ngân sách nhà nước và từ nguồn lực xã hội, đào tạo nghề trong thời gian qua có sự chuyển biến rõ rệt. Năm 2018, trên cả nước đã đào tạo và tạo việc làm mới cho 1,64 triệu người. Tỷ lệ người lao động ở khu vực nông nghiệp đã giảm dần, từ 42% đến nay chỉ còn 38,3%. Cùng với đó số lao động có quan hệ lao động, hợp đồng lao động tăng dần lên, đạt 45,3%.

Mặc dù vậy, cũng phải thừa nhận một thực tế là chất lượng nguồn nhân lực hiện nay còn thấp. Theo số liệu khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH), chỉ có khoảng 56% lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc. Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 (PCI) cho thấy chất lượng đào tạo lao động chỉ đạt 3,8 điểm trên thang điểm 6; các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) ít hài lòng về chất lượng nhân lực tại các địa phương…

Chị Đinh Kim Thành - Trưởng phòng Hành chính nhân sự tại Công ty TNHH GN Construction (Bắc Ninh) cho biết, công ty của chị rất khó tuyển dụng được nhân sự kỹ thuật. Nhiều người được nhận vào làm việc nhưng sau một vài ngày cảm thấy không đáp ứng được yêu cầu công việc nên tự rút lui. Theo chị Thành, điểm yếu nhất của người lao động là thiếu kinh nghiệm. Hầu hết sinh viên mới ra trường, muốn làm việc thành thạo ở công ty thì phải có người kèm cặp từ 1-2 năm. Kiến thức mà sinh viên học tại trường không áp dụng được cho công việc.

Anh Ngô Văn Đông, Trưởng phòng Nhân sự phụ trách tuyển dụng khu vực phía Bắc của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (Hà Nội) cho biết, công ty rất khó tuyển dụng vị trí kỹ thuật. Hầu hết các ứng viên mới ra trường đều thiếu kinh nghiệm thực tế. Đối với các vị trí khác, anh Đông cho biết, các ứng viên khi mới được tuyển dụng đều rất yếu về kỹ năng tin học văn phòng, ngoại ngữ và kỹ năng thuyết trình.

Xây dựng mối quan hệ giữa đào tạo nghề với doanh nghiệp

Trước bối cảnh diễn biến nhanh chóng của cuộc CMCN 4.0 cùng với bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đòi hỏi phải đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đối tượng yếu thế. Bàn về vấn đề này, ông Đào Trọng Độ, Phó Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cho biết, một mặt chúng ta cần tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo ở tất cả các cấp, bậc học theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời khẩn trương đánh giá lại các chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam đã triển khai 8 năm qua; nắm bắt và dự báo yêu cầu của thị trường lao động, của doanh nghiệp về trình độ, năng lực, chất lượng nhân lực, nhất là trong bối cảnh cách mạng khoa học kỹ thuật công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, những kỹ năng mới, ngành nghề mới xuất hiện… từ đó có giải pháp cụ thể, đồng bộ cho thời gian tới.

Đối với việc bảo vệ người lao động yếu thế trước tác động của cách mạng công nghệ, Bộ LĐ,TB&XH chủ trương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho hỗ trợ đào tạo nghề cho các đối tượng yếu thế (lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, lao động bị thu hồi đất, người nghèo...). Đồng thời, Bộ đang xây dựng Đề án đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào hai nhóm giải pháp. Thứ nhất là phát triển các nghề mới đáp ứng yêu cầu CMCN 4.0; giải pháp thứ hai là đào tạo, đào tạo lại cho người lao động đang làm việc, đặc biệt là 11 triệu lao động tránh thất nghiệp tuổi trung niên; trong đó chú trọng đào tạo lại để chuyển đổi nghề nghiệp sang những lĩnh vực có nhu cầu cao như thương mại, dịch vụ, du lịch, khách sạn, chăm sóc sức khỏe...

Cùng với đó, Bộ chủ trương xây dựng các mối quan hệ chặt chẽ giữa đào tạo nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động ở các cấp để đảm bảo cho các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hướng vào việc đáp ứng nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực. Trong đó, tự tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho lao động của doanh nghiệp hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cùng đào tạo, đặt hàng đào tạo. Đồng thời trực tiếp tham gia xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề, xác định danh mục nghề, xây dựng chương trình đào tạo, đánh giá kết quả học tập của người học nghề,…

Một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề nghiệp. Đồng thời, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Hình thành và tăng cường chất lượng hoạt động của các bộ phận quan hệ doanh nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để làm tốt vai trò cầu nối giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Bùi Tư