The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Đất đai, tín dụng “cản” doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp

Tại diễn đàn Đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn diễn ra vào sáng 3/12 tại Hà Nội, TS Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách phát triển Nông nghiệp Nông thôn chỉ rõ, đất đai và tín dụng là những rào cản chính của DN khi đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Tuấn dẫn chứng, về đất đai có đến 63% DN kêu là khó khăn, 46% kêu là rất khó khăn; về tín dụng, có đến 70% DN kêu khó khăn khi tiếp cận. Các lĩnh vực khác như bảo hiểm cũng có đến 82,5% DN chưa tiếp cận được; KHCN thì có 77% DN kêu là khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách.

Rào cản khó gỡ

Tính đến năm 2015 chỉ có hơn 3.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 1% tổng số doanh nghiệp trên cả nước. Đặc biệt, trên 90% trong số đó là doanh nghiệp nhỏ và “siêu nhỏ”. Nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp là vướng mắc về chính sách đất đai và tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tại diễn đàn, đại diện Tập đoàn GFS chia sẻ, đất đai đang là rào cản khiến các DN chưa mặn mà tham gia đầu tư vào nông nghiệp.

Trên thực tế đất đai thuộc sở hữu của Nhà nước, nông dân không có quyền bán mà chỉ có cho thuê hoặc liên kết, như vậy những điều kiện để tích tụ đất ruộng đất rất khó. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, cánh đồng lớn, đã được thực hiện nhưng hầu như chỉ ở quy mô nhỏ và mô hình điểm do đó chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện. Muốn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư làm nông nghiệp nhà nước cần có thêm nhiều cơ chế chính sách đủ mạnh tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển” – DN này cho biết.

Ông Tuấn cũng thừa nhận, hiện tỷ lệ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hiện nay vẫn còn hạn chế, trong đó, các DN VVN trong nông nghiệp chiếm tới 96,53 %, nhưng năng lực KHCN hạn chế.

Có đến 75% DNVN đang sử dụng máy móc hết khấu hao, đổi mới sáng tạo yếu, sản phẩm KHCN ít, chưa có cơ chế gắn kết giữa các chương trình nghiên cứu của các Viện, tỷ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch cao, logistics và dịch vụ hỗ trợ yếu… Trong khi định hướng của Chính phủ lại mong muốn các DN vào đầu tư trong nông nghiệp một cách bài bản, hình thành một trụ cột vững chắc.

Bỏ tư duy xin, cho

Ngoài khó khăn về tiếp cận đất đai, các DN cũng đang gặp khó về việc tiếp cận vốn. Đại diện Tập đoàn GFS cho biết thêm, nông nghiệp là ngành có lợi thế của Việt Nam trong hội nhập nhưng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 6% tổng vốn đầu tư của xã hội. Bên cạnh những rủi ro tiềm ẩn, khả năng thu hồi vốn chậm, có không ít những vướng mắc từ cơ chế chính sách thu hút đầu tư bởi chính sách hiện có cũng chỉ tạm dừng lại ở mức độ khuyến khích.

Hiện nay nhà nước có 5 nguồn vốn dành cho lĩnh vực Nông nghiệp nông thôn gồm nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tài chính vi mô, và tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách còn ít, chỉ chiếm khoảng 6% trong tổng vốn đầu tư kinh tế, xã hội; vốn ODA, lũy kế đến nay là 5,5 tỷ USD, chiếm 7% trong tổng vốn ODA vào Việt Nam. Nguồn vốn tiếp theo là vốn FDI đầu tư vào nông nghiệp, tích lũy hiện nay là 3,72 tỷ USD, chỉ chiếm 1,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam; còn tài chính vi mô bao gồm các quỹ, hiệp hội…, đầu tư vào NNNT mới chỉ chiếm 4% GDP.

Để hút đầu tư vào nông nghiệp nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế hợp lý như giảm thuế cho DN nông nghiệp, cấp bù lãi suất vay ngân hàng ở cả cấp trung ương và địa phương. Đặc biệt, “cần bỏ ngay tư duy xin – cho vì không bền vững, không hiệu quả.

Để tiếp tục thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ông Tuấn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đang rất tích cực triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 28/4/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 kết nối với hệ thống một cửa để giảm thiểu các thủ tục kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho DN.

Bộ thành lập Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn với sự tham gia của các cơ quan quản lý thuộc Bộ và các doanh nghiệp nòng cốt. Thành lập văn phòng PSAV và 7 nhóm công tác PPP: Cà phê, chè, Rau quả, thủy sản, hóa chất trong nông nghiệp, ngành hàng chung và tài chính nông nghiệp.

“Bên cạnh đó trong thời gian tới Bộ cũng tiến tới xây dựng hệ thống thông tin 1 cửa (G2B) theo dõi, phản hồi kiến nghị của DN; Xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp xúc tiến và chăm sóc nhà đầu tư; xây dựng phong trào đầu tư vào NNNT tại các địa phương; xây dựng chương trình liên kết đầu tư theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực quốc gia” – ông Tuấn khẳng định.

Linh Nhi

Enternews