Dấu ấn bí thư và cải cách thể chế
Khi được mời thảo luận tại một hội thảo về cải thiện môi trường kinh doanh tổ chức tại Bắc Ninh mới đây, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, đã bắt đầu bằng việc viện dẫn các lý thuyết về thể chế trong cuốn sách "Vì sao quốc gia thất bại" của Daron Acemoglu và James Robinson.
Ở hàng ghế đối diện, Giáo sư Edmund Malesky của Đại học Duke, ngồi nghe chăm chú và liên tục gật đầu tán thưởng.
Vị chuyên gia có trải nghiệm 10 năm nghiên cứu về thể chế của Việt Nam, là người đã đóng vai trò rất lớn trong việc thực hiện dự án chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), có lẽ đã khá bất ngờ trước bài phát biểu đầy sắc sảo này từ một quan chức địa phương.
Cuộc cạnh tranh thầm lặng
Trước đó, trong rất nhiều hội nghị hội thảo tương tự, điều mà ông Edmund Malesky thường được nghe là các trích dẫn nghị quyết hay báo cáo thành tích, hoặc những cam kết đầy tính hình thức.
Trong khuôn khổ dự án PCI, điều mà các chuyên gia cảm nhận rõ nhất là các tỉnh thành đều muốn lên hạng so với các tỉnh thành khác mà đôi khi quên mất rằng, sự cải thiện của chính mình qua từng năm tháng mới là điều quan trọng nhất.
Câu chuyện thể chế được ông Bạch Ngọc Chiến nêu ở hội thảo tại Bắc Ninh là một ví dụ cho thấy, ngày càng có thêm những lãnh đạo tỉnh thành hiểu được rằng cải cách thể chế mới là con đường căn cơ, lâu dài để phát triển kinh tế, chứ không phải chỉ dựa vào các lợi thế tự nhiên hay sự "bao cấp" từ ngân sách Trung ương.
Nhìn rộng hơn, trên bình diện địa phương, đang diễn ra một cuộc cạnh tranh thầm lặng về cải cách thể chế, khi nhiều lãnh đạo tỉnh thành đã nhận ra rằng đây mới là điều kiện tiên quyết để phát triển.
Thuộc diện "cán bộ luân chuyển", những trải nghiệm bước đầu ở địa phương khiến ông Chiến hiểu rằng còn đó nhiều dư địa cho cải cách, mà một trong những kế hoạch ông ấp ủ là thực hiện Chính phủ điện tử và cải cách hành chính với mục tiêu minh bạch hóa công tác điều hành.
Những tâm sự của ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An trong một hội nghị gần đây cũng rất đáng lưu ý.
Có xuất phát điểm tốt hơn nhiều so với người anh em Hà Tĩnh ở phía Nam và anh bạn Thanh Hóa ở phía Bắc, song nhiều năm nay Nghệ An dường như đang "bước chậm" lại, mà như cách nói của ông Đường, là trở thành một "điểm trũng" nếu so sánh với hai tỉnh bạn, với các điểm nhấn là các khu kinh tế Nghi Sơn và Vũng Áng.
Lãnh đạo Nghệ An đang hy vọng, với việc đưa vấn đề cải thiện PCI thành một trong 4 giải pháp đột phá của tỉnh, tình hình sẽ thay đổi trong thời gian tới.
"Đây chính là ý chí chính trị", ông Đường nhấn mạnh.
Sau nhiều năm tụt lại trong cuộc cạnh tranh với các tỉnh bạn, dù luôn tự hào là địa phương "quê Bác", Nghệ An bắt đầu hiểu rằng sẽ không thể tiếp tục trông chờ vào ngân sách Trung ương hay sức cạnh tranh yếu ớt của các doanh nghiệp nhà nước. Không có cách nào khác, phải cải thiện luật chơi để thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước, qua đó tạo ra động lực phát triển mới.
Cho đến nay, câu chuyện về ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, vẫn được các chuyên gia về PCI nhắc lại ở nhiều diễn đàn. Hồi mới nhậm chức, trong một hội nghị xúc tiến đầu tư, theo thói quen, ông Long nói khá dài về "tiềm năng và cơ hội đầu tư" của tỉnh nhà.
Nhưng một nhà đầu tư nước ngoài, sau khi chăm chú lắng nghe, chỉ hỏi ông Long rằng: "Thưa ngài, tôi chỉ xin ngài cho biết, trong xếp hạng PCI của Việt Nam, tỉnh ngài đang ở vị trí nào?".
Trở về từ hội nghị này, theo một lãnh đạo doanh nghiệp ở Thái Nguyên, ông Long đã tiến hành một loạt cuộc họp để rà soát lại toàn bộ các vấn đề của môi trường kinh doanh, ban hành một loạt văn bản điều hành mới.
Từ vị trí 57/63 vào năm 2011, Thái Nguyên đã "đi một lèo" lên vị trí thứ 8/63 trong năm 2014. Cùng với việc lôi kéo và giữ chân được đại gia Samsung, Thái Nguyên giờ đây đang là điểm sáng phát triển kinh tế đáng chú ý nhất tại miền Bắc.
Giữa cá nhân và thể chế
Nhiều năm qua, vì công việc nghiên cứu, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã đi gần hết các tỉnh thành. Điều ông rút ra là, ở đâu lãnh đạo tỉnh thành quyết liệt thì ở đó, hiệu quả điều hành là khác hẳn.
Hơn nữa, vì đặc thù của Việt Nam là bí thư tỉnh ủy/thành ủy là người có vai trò rất quan trọng trong điều hành, nên vai trò và tầm ảnh hưởng của chức danh này là rất lớn.
Cụ thể hơn, trong một cuộc trò chuyện với VnEconomy, ông Thiên đã "điểm danh" 4 tỉnh thành mà theo ông là ở đó, chức danh bí thư tỉnh ủy/thành ủy đã có dấu ấn lớn trong sự phát triển của địa phương đó.
Người thứ nhất là ông Nguyễn Bá Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, người được thừa nhận rộng rãi là đã tạo ra sinh khí, động lực phát triển cho Đà Nẵng trong một thập kỷ qua, trước khi được điều động về Trung ương và nay đã mất vì bệnh tật hiểm nghèo.
Đà Nẵng, trong một thập kỷ qua, đã đạt được những bước phát triển mạnh mẽ và quan trọng hơn thế, đã tạo ra được một nền tảng thể chế để tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới.
Người thứ hai là ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, nay đã được điều động về làm Phó trưởng ban tổ chức Trung ương.
Theo ông Thiên, ông Chính là người đã làm thay đổi hẳn diện mạo Quảng Ninh bằng cách điều hành quyết liệt. Sau gần một nhiệm kỳ Bí thư, ông Chính đã góp phần tạo cho tỉnh này hình ảnh một địa chỉ đầu tư thân thiện, hấp dẫn hơn, chứ không chỉ dựa vào tài nguyên khoáng sản hay du lịch như trước.
Người thứ ba là ông Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, người được biết đến nhiều hơn trên cương vị Chủ tịch UBND tỉnh. Ông Cự được ông Thiên đánh giá là một cán bộ quyết đoán, mạnh mẽ, một người có thể "lùa cán bộ" vào guồng công việc.
Những thành tựu kinh tế, đặc biệt trong việc thu hút đầu tư vào khu kinh tế Vũng Áng, với điểm nhấn là tổ hợp Formosa, có đóng góp cụ thể của vị lãnh đạo xuất thân từ doanh nghiệp này.
Người thứ tư được Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu tên là ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Cũng như ông Võ Kim Cự, ông Lê Minh Hoan để lại dấu ấn đáng kể với các hoạt động điều hành kinh tế, đưa Đồng Tháp trở thành một điểm sáng trong bức tranh toàn cảnh của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều năm liền, Đồng Tháp đứng top các tỉnh thành dẫn đầu về PCI toàn quốc, và ông Hoan được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là người đã tạo ra không khí "phục vụ" có tính thực chất hơn từ các cơ quan công quyền đối với hoạt động sản xuất kinh doanh.
Có thể các ví dụ là không thật sự đầy đủ và không phản ánh hết bức tranh phát triển phong phú và sinh động của các tỉnh thành trong một thập kỷ đẩy mạnh phân cấp vừa qua, song có thể thấy rằng vai trò của người đứng đầu là quan trọng. Ông Thiên thừa nhận, sự xuất sắc của các cá nhân lãnh đạo thậm chí còn tạo ra áp lực cho người kế nhiệm.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, vai trò của người đứng đầu có thể tạo ra nguồn động lực và cảm hứng. Đặc biệt, với riêng về điều hành kinh tế, người nào hiểu được doanh nghiệp, hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp thì sẽ điều hành tốt các chính sách về kinh tế.
"Tỉnh nào đoàn kết, Đảng và chính quyền nhất quán thì hiệu quả cao", ông Tuấn nhận xét.
Dĩ nhiên, trên bước đường phát triển dài hạn, không thể phụ thuộc hoàn toàn vào các cá nhân. Thể chế tốt là tạo ra được luật chơi mà trong đó, các bên liên quan có thể "vận hành" công việc của mình một cách trơn tru, để sự ra đi của bất cứ lãnh đạo nào không trở thành thử thách cho toàn hệ thống.
Có lẽ, đó mới là cái đích đến của công cuộc cải cách thể chế mà Nhà nước đang tiến hành, mà trong đó, "thể chế địa phương" là rất quan trọng vì đã và đang đụng chạm một cách trực tiếp, toàn diện nhất đến mọi ngóc ngách đời sống, mọi người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Suy cho cùng, đó cũng chính là tinh thần "nhà nước kiến tạo" hay chính là "thể chế dung hòa của Daron Acemoglu và James Robinson, mà ông Phó chủ tịch Bạch Ngọc Chiến đã từng khiến giáo sư dạn dày lý thuyết thể chế Edmund Malesky từng ngạc nhiên mới đây.
Theo http://vneconomy.vn, ngày 06/10/2015